Elizabeth Phạm người phụ nữ đầu tiên lái chiến đấu cơ F18/ Hornet được thăng Trung Tá
April 16, 2019
Linh Vũ
Trước đây khá lâu tôi có viết một bài về cô nữ Pilot Elizabeth Phạm, với tên gọi ngắn là Liz con gái của người bạn tôi Bác sĩ Phạm văn Minh. Theo thông báo trên trang mạng Navy Personnel Command phổ biến ngày 4 tháng 12/2018 với bản danh sách thăng cấp gởi lên Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, trong đó có Thiếu tá Pilot Thủy Quân Lục Chiến Elizabeth Phạm được đề cử thăng cấp Trung tá. Người đề nghị thăng cấp cho Elizabeth Phạm là Thiếu Tướng Craig C. Crenshaw, Giám đốc nhân sự của Thủy Quân Lục Chiến. Nhân cơ hội này tôi xin chúc mừng, ngưỡng mộ và hãnh diện cho cộng đồng người Việt có một nữ lưu tài giỏi làm rạng danh người Việt.
Buổi lễ gắn loan bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng 4/2019 được tổ chức trên Bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway ở San Diego, California, với hơn hai trăm người tham dự đủ mọi thành phần Mỹ Việt, gồm có gia đình Trung tá Elizabeth Phạm, cộng đồng người Việt California, cộng đồng người Việt Seattle, các cựu quân nhân trong QLVNCH và các binh sĩ TQLC.
Elizabeth Phạm là nữ phi công gốc Việt đầu tiên lái chiến đấu cơ F/A-18 Hornet của không lực thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Đó một điều rất đáng kính nể. Ðối với những sĩ quan Pilot lái các phản lực cơ chiến lược tối tân nhất thế giới F18E/F hay là loại máy bay tàn hình EA-18G (stealth) đều là nằm trong chương trình “top secret” của Hoa Kỳ. Vì mỗi chuyến bay khi trở về căn cứ đều có bài tường trình của phi vụ. Trước đây Elizabeth Pham đã từng tham gia khóa học cất cánh và đáp xuống hàng không mẫu hạm, cô được vinh danh là những Phi công xuất sắc nhất. Đây là khóa học rất đặc biệt, là một thử thách lớn cho mọi Phi công.
Tôi cũng xin nói lại một chút tiểu sử của Elizabeth Pham Cô sinh ngày 13 Tháng Giêng, 1978 ở Hoa kỳ, cô từng học trường trung học Serra, sau đó tốt nghiệp đại học University of San Diego. Liz tình nguyện vào trường sĩ quan Hoa kỳ, tiếp tục khóa học Phi Công của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (có lẽ đây là giai đoạn đầu tiên được cho phép TQLC có bộ phận không lực). Trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan ở Trung Đông, cô Elizabeth đã từng lái nhiều phi vụ để tăng cường hỏa lực, yểm trợ tại mặt trận cho lực lượng TQLC Hoa Kỳ. Trước đây Elizabeth Phạm cũng là người nữ phi công duy nhất có mặt trong Không Đoàn 242 Marine All Weather Figther Squadron. Elizabeth Phạm cũng đã từng làm việc tại Bộ Quốc phòng ở Hoa Thịnh Đốn và sau đó tháng 5/ 2011 Liz Phạm phục vụ cho một phi đoàn chiến đấu cơ TQLC tại Nhật Bản, thời gian này Liz mang cấp bậc Thiếu Tá. Hiện nay Liz Phạm đang đóng quân ở căn cứ Camp Pendleton gần San Diego.
Mở đầu cho buổi lễ thăng cấp là Đại Úy Latoya V. Zalava của Hải Quân Hoa Kỳ. Bà cám ơn cô Elizabeth với những cống hiến và sự hy sinh của cô cho Quân Đội Hoa Kỳ. Bà cũng hy vọng là hình ảnh kiêu hùng và thành công trong sự nghiệp của cô sẽ là một tấm gương sáng cho những binh sĩ trẻ sau này. Riêng với Đại Tá John C. Lewis của Thủy Quân Lục Chiến. Ông cho rằng cô là một người rất năng động, rất can đảm, lúc nào cũng hoàn tất công việc giao phó và có khả năng ảnh hưởng đến người khác “như một cơn lốc xoáy.” Ông còn nói rằng sự táo bạo, can đảm của cô đã từng giúp được nhiều binh sĩ trong cuộc chiến ở Iraq và họ rất ngạc nhiên vì người giúp mình trong các trận đánh là một phụ nữ gốc Việt.
Sau khi được gắn huy hiệu “silver oak leaf” cấp bậc Trung tá, cô Elizabeth đã phát biểu rất cảm động. Cô Elizabeth cám ơn cha mẹ, gia đình, các huynh đệ trong quân đội. Cô cho rằng cô được có ngày hôm nay là do nhiều đồng đội đã tận tình giúp đỡ và thương mến cô. Cô còn cho biết một số cảm tưởng cuả mình khi buổi lễ được tổ chức trên tàu USS Midway, vì năm 1975 khi Sai Gòn rơi vào tay CS thì chiến dịch Operation Frequent Wind và tàu USS Midway này từng chở rất nhiều người rời khỏi đất nước VN thân yêu, trong đó có gia đình cô. Mặc dù cô đã sinh sau ngày mất nước, nhưng hình ảnh đau thương của cuộc di tản mà cô biết được sau này điều đó luôn ở mãi trong tâm hồn của cô.
Sau cùng với lời chia sẻ đến những người trẻ cô nói. “Ai muốn phục vụ đất nước dù là một giáo viên, bác sĩ, cảnh sát, cứu hỏa hay trong quân đội, điều quan trọng là có trách nhiệm và sự hy sinh. Vì điều đó sẽ làm chúng ta trân trọng và hãnh diện. Chúng tôi phục vụ cho đất nước, đối với tôi là một phần thưởng không có gì cao quý bằng.”
Nhất là lời phát biểu bằng tiếng Việt gởi đến gia đình của cô, người thân và bẳng hữu rất cảm động và mang nhiều ý nghĩa của một người tị nạn. Cô nhắc đến sự khó khăn của gia đình cô trong buổi ban đầu tị nạn trên đất Mỹ. Cô nói rằng. Bố là trụ cột gia đình, đã dạy con cái thành người. Bố mẹ là người luôn quan tâm trọng mọi nghĩa vụ và hy sinh. Bố lúc nào cũng là người hùng trong lòng cô. Mẹ là một tấm gương của sự mạnh mẽ, kiên trì và lúc nào cũng khuyên con nên tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng.v.v. Trong cuộc đời tị nạn, thành phố đầu tiên cô đặt chân đến là Nam Cali, trước đây gia đình cô được sự giúp đỡ từ các gia đình người Mỹ và nhất là từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Và cũng từ sự nhân đạo, đầy tình người của binh chủng TQLC (Marine corps). Nhất là thời kỳ cô học Đại học, cô đã có dịp cấm trại ở khu vực Marine Corps lúc đó cô đã nhìn thấy bức tượng với hai bàn tay xòe ra, đó là biểu tượng của những người tị nạn VN trong khu vực Marine Corps. Và đó cũng chính là động lực đưa cô gia nhập vào TQLC. Rất tiếc buổi thăng cấp của Elizabeth Phạm không có mặt Phu quân ông Alexander Roloff tham dự vì lý do có đứa con bị bệnh phải chăm sóc.
Ngoài những vị trong cộng đồng ở California phát biểu cảm tưởng, còn có những người bạn của gia đình Trung tá Elizabeth Phạm như ông Nguyễn Hữu Ký ở thành phố Seattle được phóng viên “báo Người Việt” phỏng vấn. Ông cũng ngõ lời chúc mừng và ca ngợi sự thành công của Elizabeth Phạm và nói lên niềm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Đồng thời các cơ quan truyền thông Cali cũng có nhiều cuộc phỏng vấn thân phụ cô Elizabeth Phạm là Bác sĩ Phạm Văn Minh. Ông trước đây là BS Quân Y của VNCH và hiện giờ đang hành nghề tại thành phố Seattle. Ông cũng chia sẻ sự vui mừng, sự lo âu cũng như những khó khăn mà Elizabeth Phạm đã phải trải qua từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành. Ông nói rằng, vấn đề con gái mà đi lính thì làm sao gia đình không lo lắng cho được. Khi nghe tin cháu muốn vào quân đội, chúng tôi rất ngạc nhiên vì muốn cháu theo học các nghề Y khoa như bác sĩ, dược sĩ.v.v. nhưng cháu không thích. Cuối cùng chúng tôi bắt buộc phải tôn trọng quyết định của cháu. Mặc dù vậy, nhưng chúng tôi luôn theo dỏi bước đường quân ngũ của cháu, nhất là khi nghe tin cháu tham chiến trên chiến trường Iraq và Afghanistan với những phi vụ bay trong bão cát, chúng tôi rất lo sợ.v.v. Bác sĩ Phạm V Minh chia sẻ tiếp. Nhưng bây giờ nhìn lại, thấy cháu thành công trong sự nghiệp như vậy, chúng tôi rất vui mừng….
Buổi lễ chấp dứt lúc 12 giờ 15 trưa cùng ngày mọi người chúc mừng tân Trung Tá Elizabeth Pham và chụp hình kỷ niệm.