Thể chế và lợi ích nhóm: Nguyên do trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai?
Diễm Thi, RFA
2019-04-17
Cảnh sát chống bạo động đụng độ với người dân trong một vụ cưỡng chế đất ở tỉnh Nam Định, Hà Nội ngày 9 tháng 5 năm 2012.Reuters
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai lại một lần nữa bị rút khỏi chương trình nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới. Như vậy là qua hai lần sửa đổi, luật vẫn quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.
Luật Đất đai của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành ngày 8 tháng 1 năm 1988 do Chủ tịch Hội đồng nhà nước lúc đó là ông Võ Chí Công ký, sau đó được thay thế bằng Luật Đất đai năm 1993, có hiệu lực từ giữa tháng 10 cùng năm. Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi 2 lần vào năm 2003 và năm 2013.
Bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ Dương Nội từng bị tù vì lên tiếng đấu tranh về đất đai cho rằng Luật Đất đai cũ điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam:
“Luật Đất đai cũ là một luật gây rất nhiều oan sai, tạo điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật này còn tồn tại ngày nào thì bà con còn đau thương ngày nấy, còn khổ ngày nấy. Hôm nay bà con cũng lên tiếng với ban tiếp dân của trung ương là phải mau chóng sửa đổi Luật Đất đai để bảo đảm quyền lợi của dân, chứ bây giờ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý thì họ cứ nhân danh Nhà nước thích cướp của ai thì cướp, thích thu của ai thì thu rồi tự định ra mức giá bồi thường, hỗ trợ gần như là cướp trắng của người dân.
Ví dụ đất Dương Nội có chỗ họ bán hàng trăm triệu một mét vuông nhưng họ trả cho dân có 201.600 đồng một mét vuông.”
Chuyện thu hồi đất của dân rồi bồi thường với giá rẻ mạt gây ra là sóng phản đối, biểu tình khắp nơi từ Bắc tới Nam hàng chục năm qua.
Luật Đất đai cũ là một luật gây rất nhiều oan sai, tạo điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật này còn tồn tại ngày nào thì bà con còn đau thương ngày nấy, còn khổ ngày nấy. – Bà Cấn Thị Thêu
Vụ biểu tình ở Tây Nguyên đòi đất, đòi tự do tôn giáo năm 2004 với gần 10.000 người tham gia đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông.
Đến năm 2012, nông dân các huyện Văn Giang, Hưng Yên, Dương Nội, Hà Đông, và xã Vân Hà huyện Đông Anh đã kéo về tập trung trước trụ sở tiếp dân của Mặt trận tổ quốc ở số 46, Tràng Thi, Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu.
Tháng 10 năm 2016, hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội đòi hỏi quyền lợi khi đất đai của họ bị trưng thu và đền bù với giá rẻ mạt.
Mọi chuyện chưa được giải quyết thì xảy ra vụ cưỡng phá hàng trăm căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, TP.HCM ngay trước Tết Nguyên đán 2019.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội chiều ngày 25 tháng 5 năm 2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nhấn mạnh “Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống”.
Người dân Nam Định phản đối cưỡng chế đất bị cảnh sát cơ động đàn áp hôm 9/5/2012. Reuters
Năm 2013, cùng với đợt sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đưa ra dự thảo sửa đổi về Luật Đất đai với những tranh luận sôi nổi về việc đất đai thuộc sở hữu của ai, và thu hồi đất đai như thế nào. Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2014.
Trao đổi với RFA vào thời điểm đó, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, muốn phát triển kinh tế và ổn định xã hội thì nên chấp nhận hình thức đa sở hữu, bao gồm phần của Nhà nước, phần của tư nhân, của doanh nghiệp, đoàn thể, hoặc tôn giáo. Bà nói thêm:
“Tôi rất tiếc về việc cho đến bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn thiên về hướng duy trì quyền sở hữu Nhà nước về đất đai. Tôi ở trong số những người có đề xuất khi tiến tới sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau.”
Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách. Thêm vào đó, luật này một lần nữa không được xem xét vào kỳ họp Quốc hội sắp tới. Bà Cấn Thị Thêu nêu ý kiến về việc này:
“Chính phủ Việt Nam là một chính phủ tham nhũng và không vì dân, cho nên nếu trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai ngày nào thì họ còn có cơ hội cướp đất của dân ngày nấy.”
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến “nhóm lợi ích” đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không? – LS. Trịnh Vĩnh Phúc
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng ở Sài Gòn cho rằng chương trình xây dựng luật do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết và việc thay đổi lịch trình thảo luận và thông qua các dự án luật là chuyện thường xảy ra, và ông đưa ra nhận định:
“Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến “nhóm lợi ích” đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không?
Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay Quốc hội cần nỗ lực và khẩn trương hoàn thiện Luật Đất đai, một đạo luật đặc biệt quan trọng chi phối toàn bộ đời sống xã hội, khắc phục nhiều điều khoản bất hợp lý, thậm chí gây ra bất công, phát sinh môi trường thuận lợi cho tham nhũng, gia tăng khiếu kiện, tạo mầm mống bất ổn xã hội…
Tuy nhiên, hoàn thiện Luật Đất đai ở Việt Nam là chuyện quá khó khăn, thậm chí là không thể, bởi nó vướng đến yếu tố thể chế và thiết chế xã hội, đến tương quan lực lượng chống tham nhũng và tham nhũng… Chính vì thế, Luật Đất đai là đạo luật được sửa đổi và bổ sung nhiều lần nhưng cũng là đạo luật có nhiều lỗ hổng và bất cập.”
Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên – Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai.
Tại buổi báo cáo trước Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.