Gandhi và nhà ga Nam Phi làm thay đổi lịch sử Ấn Độ
Kalpana SunderBBC Travel
Đó là một ngày ẩm ướt, gió mạnh tại nhà ga đường sắt Pietermaritzburg, nằm cách thành phố cảng Durban của Nam Phi một giờ lái xe.
Nhà ga gạch đỏ theo phong cách Victoria thời Thế kỷ 19 này, với mái sắt gợn sóng, những họa tiết kim loại thanh mảnh và những cửa sổ gỗ ở quầy vé, nằm im lìm.
Tôi kéo áo khoác sát vào người và tưởng tượng cảm giác đứng ở đây vào một buổi tối định mệnh cách đây hơn một thế kỷ sẽ như thế nào.
Bị đuổi khỏi tàu
Vào ngày 7/6/1893, Mohandas Karamchand Gandhi, lúc đó còn là một luật sư trẻ, đang trên đường đi từ Durban đến Pretoria thay mặt cho thân chủ, một thương gia tên là Dada Abdulla.
Khi tàu hỏa ngừng lại ở ga Pietermaritzburg, người soát vé yêu cầu Gandhi rời khỏi khoang hạng nhất (vốn chỉ dành cho hành khách da trắng) nơi ông đang ngồi, sang toa dành cho hành khách hạng thấp hơn.
Khi Gandhi cự tuyệt và trình cho người soát vé thấy vé hạng nhất của mình, ông đã bị đuổi khỏi tàu một cách không thương tiếc.
Một tấm bảng ở sân ga đánh dấu điểm nơi ông bị tống ra khỏi toa tàu cùng với hành lý. \”Sự việc này đã thay đổi cuộc đời ông,\” tấm bảng viết.
Gandhi đã ở trong phòng đợi nhỏ xíu, không có lò sưởi trong đêm mùa đông lạnh lẽo đó.
\”Áo khoác ngoài của tôi nằm trong hành lý, nhưng tôi không dám hỏi lấy nó vì sợ rằng mình sẽ bị sỉ nhục lần nữa. Do đó, tôi ngồi và run rẩy,\” Gandhi sau đó viết trong cuốn tự truyện của ông có tựa đề \’Câu Chuyện Về Trải Nghiệm Của Tôi Với Sự Thật\’.
Gandhi từ Bombay chuyển đến Nam Phi vào năm 1893, sau khi nhận hợp đồng làm việc một năm với một công ty kinh doanh Ấn Độ đặt trụ sở ở Natal thuộc vùng Transvaal ở đông bắc.
Transvaal vốn là nơi định cư của người Boers (những hậu duệ của những người định cư Hà Lan và Huguenot vào thế kỷ 17) sau khi Anh Quốc thiết lập Thuộc địa Mũi nằm xa hơn về phía nam.
Trước khi Gandhi đến thì cộng đồng Ấn Độ ở đây đang tăng nhanh trong nhiều thập niên.
Theo thỏa thuận được ký vào năm 1860 với chính phủ Ấn Độ, chính quyền Transvaal hứa sẽ giúp định cư các di dân người Ấn để đổi lấy lao động có hợp đồng trên những cánh đồng mía trong vùng.
Nhưng ngay cả sau khi đã hoàn tất hợp đồng, người Ấn không hoàn toàn hòa nhập vào xã hội: các quy định do chính quyền của người da trắng thiểu số áp đặt khiến di dân Ấn Độ phải chịu thêm thuế.
Quyết định trọng đại
Sau khi đến Nam Phi, Gandhi nhanh chóng đối diện với sự phân biệt sắc tộc: chỉ vài ngày trước khi lên tàu đi Pretoria, ông đã từ chối đến một tòa án ở Durban sau khi quan tòa yêu cầu ông phải tháo khăn trùm đầu.
Thế nhưng chính khoảnh khắc tại sân ga Pietermaritzburg đã đánh dấu một bước ngoặt, một chất xúc tác khiến Gandhi đã có quyết định trọng đại: đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc mà ông đã phải hứng chịu.
\”Sẽ là sự hèn nhát nếu tôi chạy về lại Ấn Độ mà không hoàn thành bổn phận của mình,\” ông viết trong cuốn tự truyện.
\”Những khổ ải mà tôi gánh chịu chỉ là bề nổi bên ngoài – chỉ là một triệu chứng của căn bệnh có gốc rễ sâu xa về định kiến đối với màu da. Tôi sẽ cố gắng, nếu có thể, để nhỗ tận gốc rễ chứng bệnh đó, dù có chịu đựng những gian khổ.\”
\”Đó là khoảnh khắc xuất thần của ông ấy, khi tinh thần ông trở nên cứng như thép – cho đến lúc đó ông vẫn còn ôn hòa và nhu mì,\” Shiney Bright, một hướng dẫn viên địa phương, nói.
Sau sự kiện Pietermaritzburg, Gandhi không muốn đầu hàng trước sự mù quáng, thay vào đó ông đấu tranh một cách ôn hòa chống lại các chính sách phân biệt đối xử, tổ chức các cuộc đình công và tuần hành chống lại các quy định bầu cử thiên vị, các điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Ông tin rằng bằng cách ở lại Nam Phi, ông có thể quan sát bản chất thật sự của việc áp bức sắc tộc và đấu tranh với nó hiệu quả.
Từ nhận thức trên, ý niệm satyagraha đã nảy sinh. Có nghĩa là \’nắm lấy sự thật\’, satyagraha vận dụng những chiến thuật đấu tranh bất bạo động để giành được tình cảm của đối phương và tạo ra sự hài hòa giữa hai bên xung đột.
Ảnh hưởng sâu rộng
Vào năm 1907, khi chính quyền Transvaal thông qua một sắc lệnh yêu cầu cộng đồng Ấn Độ phải đi đăng ký, Gandhi đã tổ chức để đồng bào của ông biểu tình bất bạo động.
Mặc dù hành vi phản kháng đã khiến ông phải ngồi tù bốn lần, nhưng cuối cùng Gandhi cũng thành công trong việc đàm phán với chính quyền da trắng thiểu số.
Chính vì vậy, Đạo luật Miễn giảm cho Di dân Ấn Độ đã được thông qua vào năm 1914, theo đó loại bỏ thuế đánh thêm vào người Ấn nào chưa ký lại khế ước lao động và công nhận hôn nhân của người Ấn.
Sau khi ông quay về Ấn Độ vào năm 1914, Gandhi đã vận dụng satyagraha để phản đối việc Anh bắt lính đối với người Ấn trong Đệ nhất Thế chiến, và một lần nữa sau Đệ nhị Thế chiến để đàm phán sự độc lập của Ấn Độ khỏi Anh vốn được thừa nhận chính thức vào năm 1947.
Sự thể hiện tinh thần phản kháng thụ động của Gandhi đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường của Martin Luther King Jr và Nelson Mandela.
\”Các giá trị khoan dung, tôn trọng lẫn nhau và đoàn kết mà ông cổ súy và hành động đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào giải phóng của chúng tôi và trong cách suy nghĩ của bản thân tôi,\” ông Mandela nói như vậy khi ông nhận giải thưởng Tự do Pietermaritzburg, vốn cũng được truy tặng cho Gandhi sau khi ông qua đời.
\”Các giá trị này ngày nay vẫn là nguồn cảm hứng trong nỗ lực hòa giải và xây dựng đất nước của chúng tôi.\”
Địa điểm hành hương
Ngày nay, nhà ga Pietermaritzburg là một địa điểm hành hương để người Ấn Độ đến tưởng nhớ Gandhi tại địa điểm mà ông đã bị đuổi ra khỏi tàu.
Trong chuyến thăm Nam Phi hồi năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trong sổ lưu niệm của bảo tàng: \”Sự kiện ở Pietermaritzburg đã thay đổi tiến trình lịch sử của Ấn Độ.\”
Căn phòng đợi nhỏ bé giờ đây là bảo tàng kể lại câu chuyện xảy ra vào đêm đó vào năm 1893 và thời gian hai thập niên Gandhi sống ở Nam Phi.
Trên tường sắp những bảng thông tin và hình ảnh trưng bày tương tác. Những bức ảnh đen trắng chụp Gandhi trong chiếc áo choàng luật sư trưng bày trên cửa sổ.
Tôi ngồi trên một băng ghế gỗ ở giữa phòng và suy gẫm về đêm hôm đó.
\”Những người Ấn Độ mà tôi dẫn đến thăm bảo tàng này khi ra về đều đẫm nước mắt,\” Bright nói.
Với những công trình tráng lệ thời đại Victoria như tòa thị chính xây bằng gạch đỏ mang tính biểu tượng, thủ phủ của tỉnh KwaZulu-Natal trông không khác gì nhiều với khi chiếc tàu chở Gandhi chạy ầm ầm vào ga.
Khi tôi dõi theo những chiếc bóng của người qua đường bên ngoài cửa sổ, mắt tôi rơi lệ khi tôi tưởng tượng Gandhi ngồi trên một băng ghế cứng rất giống như chiếc băng mà tôi đang ngồi, với ý chí đanh lại cho cuộc đấu tranh vốn sẽ định hình cuộc đời ông và cuộc đời hàng triệu người khác.
Xung quanh toàn là hình của ông, tôi cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn đối với những gì mà ông đã làm cho nhân dân và đất nước tôi.
Hồi tháng Sáu năm 2018, để kỷ niệm 125 năm ngày xảy ra sự kiện này, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã đến thăm Pietermaritzburg để đi theo hành trình của Gandhi từ Pentrich trong một toa tàu đời cổ theo kiểu tàu mà Gandhi đã từng đi.
Khi đến ga Pietermaritzburg, bà Swaraj đã khánh thành một bức tượng Gandhi nằm ở ngay lối vào sân ga.
Có tên là \’Nơi sinh ra Satyagraha\’, bức tượng hai mặt này được chế tác tại Bảo tàng Mahatma Gandhi Kỹ thuật số ở Hyderabad, Ấn Độ, một mặt khắc họa Gandhi là một luật sư trẻ mặc áo vét, thắt cà vạt, và mặt kia là một Gandhi lớn tuổi hơn, đeo kính trong trang phục dhoti truyền thống của Ấn Độ.
Sự kiện tưởng niệm kéo dài hai ngày này có việc tái hiện lại việc Gandhi bị ném khỏi tàu cùng với một bữa tiệc tại tòa thị chính thành phố được thắp sáng theo màu sắc quốc kỳ Ấn Độ.
Nam Phi là nơi có cộng đồng dân Ấn Độ lớn nhất ở châu Phi và ảnh hưởng của họ đối với đất nước này là điều có thể nhìn thấy được.
Ngày nay, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Nam Phi gốc Ấn mở công ty, làm cho chính phủ và chơi cho các đội thể thao chuyên nghiệp Nam Phi – và tất cả đều bắt đầu vào đêm định mệnh đó ở Ga Pietermaritzburg.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.