Sau 30/4/75 từng có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ

Sau 30/4/75 từng có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ

Joaquin Nguyễn HòaGửi đến BBC từ Virginia

  • 24 tháng 4 2019
\"Việt
Image captionSau 4/1975, từng có hai nước VN nộp đơn xin vào LHQ: VN Dân chủ Cộng hòa, thủ đô Hà Nội, cờ đỏ sao vàng; và Cộng hòa miền Nam VN, thủ đô Sài Gòn, cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào ngày 30/4/1975. Tháng 4/1976, hai miền Việt Nam được thống nhất thành một nước có tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và trở thành thành viên của tổ chức này vào tháng 9/1977.

Nhưng ít người biết rằng ngay sau tháng 4/1975, từng có hai nước Việt Nam nộp đơn xin vào Liên Hiệp Quốc.

Một là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thủ đô Hà Nội, cờ đỏ sao vàng.

Nước Việt Nam kia là Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thủ đô Sài Gòn, cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng.

\"Việt
Image captionCác thành viên nữ của quân đội Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia kỷ niệm ngày độc lập trên đường phố trung tâm Sài Gòn 9/2/1975. Sau này, trả lời BBC, Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ CM Lâm thời CH miền Nam VN có nói rằng \”Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử\”.

Lá cờ nửa đỏ nửa xanh này xuất hiện vào năm cuối năm 1960, khi một số trí thức miền Nam tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (Mặt trận) trong vùng rừng núi Lộc Ninh, đối lập với chính phủ Việt Nam Cộng hòa được Mỹ ủng hộ, tại Sài Gòn. Thành viên của Mặt trận này thành lập một chính phủ gọi là Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Về mặt tuyên truyền, cộng sản Bắc Việt lúc ấy đưa tin cuộc chiến kéo dài suốt 15 năm sau là cuộc chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với lực lượng của Mặt trận. Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì lá cờ của quân chiến thắng được kéo lên nóc dinh Tổng thống ở Sài Gòn là lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chứ không phải là cờ đỏ sao vàng.

Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam.

Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam \”rủ nhau\’\’ nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn.

Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống.

\"Việt
Image captionPhần còn sót lại của một công sự ở Xuân Lộc, gần Sài Gòn năm 1976

Ngay sau đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là ông Daniel P Moynihan phủ quyết việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai nước Việt Nam với lý do là Liên Xô và Trung Quốc, đã phủ quyết không chấp nhận Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Có năm thành viên của Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Liên Xô (nay là Nga).

Theo phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thì lý do thật sự đằng sau việc phủ quyết của Mỹ, dưới chính sách đối ngoại của Ngoại trưởng Kissinger, không cho hai miền Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, là để cho hai miền Việt Nam bị thúc ép đi đến thống nhất dưới màu áo chủ nghĩa cộng sản, từ đó sẽ tiếp tục không lập bang giao với Việt Nam, dùng Việt Nam như một nơi thực hiện một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Liên Xô.

\"Việt
Image captionDinh của cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông Nguyễn Văn Thiệu

Theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một cựu tù chính trị, hiện sống tại Mỹ thì quyết định của Mỹ không cho hai miền Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc có thể liên quan đến cả những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1972 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sau tuyên bố Thượng Hải.

Theo ông Hoạt, nước Mỹ lúc ấy toan tính liên minh với Trung Quốc để chống Liên Xô, giao vùng Đông Nam Á cho Trung Quốc, và Bắc Kinh không muốn có một miền Nam Việt Nam độc lập, không theo cộng sản.

Theo ghi nhận của Giáo sư Long thì cho đến 30/4/1975, quan điểm về sự thống nhất Việt Nam của Hà Nội cũng như Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc sẽ là một quá trình nhiều bước kéo dài từ 12 đến 14 năm.

Vẫn theo Giáo sư Long thì sự thất bại của việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai nước Việt Nam đã thúc giục những thành phần cứng rắn tại Hà Nội kết thúc dự án thống nhất đất nước kéo dài đó.

\"Việt
Image captionCộng hòa miền Nam Việt Nam, thủ đô là Sài Gòn, có cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng

Tài liệu lưu trữ của nhà nước Việt Nam cho thấy một tháng sau khi việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai miền Việt Nam bị thất bại, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó có tên là Đảng Lao Động) đã họp hội nghị trung ương lần thứ 24, quyết định gấp rút thống nhất Việt Nam. Trićh: \”Đứng trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, tháng 9/1975 tại Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.\”

Các tài liệu này không nhắc gì đến việc xin gia nhập Liên Hiệp Quốc ngay sau ngày 30/4/1975 của hai miền Việt Nam.

Tháng 11/1975 một hội nghị tên gọi là Hội nghị hiệp thương thống nhất được tổ chức tại Sài Gòn.

Sau năm 1975, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sửBà Nguyễn Thị Bình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ CM Lâm thời miền Nam VN

Tháng 4/1976, một Quốc hội thống nhất được bầu lên. Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lá cờ nửa đỏ nửa xanh không còn tồn tại nữa.

Là một nhân chứng tại Sài Gòn sau năm 1975, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhớ lại rằng ông đã nghe một bản tin radio của BBC về sự kiện hai nước Việt Nam xin gia nhập Liên Hiệp Quốc rồi bị thất bại vào tháng 8/1975.

Chứng kiến sự quản lý nhà nước tại Sài gòn sau ngày 30/4/1975 ông Hoạt cho biết ông thấy rằng tất cả những quyết định của nhà cầm quyền đều mang danh nghĩa Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kèm theo tiêu đề: Độc lập, tự do, Trung lập.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt lúc đó là trợ lý của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, ông nhận định rằng những người chiến thắng không trưng dụng ngay Đại học Vạn Hạnh, cũng như không bắt giữ ông ngay, mặc dù quân đội chiến thắng có đưa cho Hòa thượng Minh Châu một danh sách 5 người phải bị bắt, trong đó có ông Hoạt. Những người chiến thắng nói rằng họ sẽ không bắt ai lúc đó cả.

Với bản tin thế giới nghe qua đài BBC, cộng với sự kiện mình không bị bắt, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng những người cộng sản lúc đó đang tính tới dự án cho miền Nam một qui chế riêng, chứ không gấp rút thống nhất Việt Nam dưới màu áo cộng sản duy nhất.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị bắt vào tháng 7/1976, sau khi nước Việt Nam được thống nhất với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với là cờ màu đỏ có ngôi sao vàng.

Một điểm đáng chú ý khác trong giai đoạn sau ngày 30/4/1975, là quan điểm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long trích dẫn tờ Washington Star, số ra ngày 14/5/1975, cho thấy chỉ vài ngày sau hôm 30/4/1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Hà Nội, thông qua quốc gia trung lập là Thụy Điển, gửi đến Hoa Kỳ một lá thư trình bày mong muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Washington, trong đó không nói gì đến khoản viện trợ vài tỉ đô la của Mỹ cho Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Theo ghi nhận của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, tháng 12/1975, ông nghe qua đài BBC việc một viên chức Mỹ đến Hà Nội để bàn về việc tái lập bang giao, nhưng do bị đòi hỏi khoản bồi thường chiến tranh nhiều tỉ đô la mà nhà ngoại giao này đã rút lui. Khoản tiền này từ đó thường xuyên được Hà Nội nhắc tới trong những thương lượng với phía Mỹ để tái lập bang giao.

Ông Đoàn Viết Hoạt cho rằng nếu giải pháp hai nước Việt Nam thành công sau năm 1975, tình hình Việt Nam đã khác, có thể sẽ không có những cuộc chiến tranh với Campuchia, với Trung Quốc, không có việc đánh giới tư sản tại miền Nam.

Trong email trả lời tác giả bài viết này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long viết:

\”Nếu hai miền được gia nhập Liên Hiệp Quốc như hai quốc gia thì sẽ không có cớ cho Mỹ tiếp tục embargo đối với toàn quốc, không có cớ để Mỹ và Trung Quốc đánh một \’proxy war\’ ở VN đối với Liên Xô, và không có một Việt Nam \”thống nhất\” nhưng chia rẽ như ngày nay vì vấn đề \”hòa hợp, hòa giải\” sẽ được thi hành dần dần chứ không phải qua sức mạnh quân sự hay qua chỉ định của Bộ Chính Trị miền Bắc.\”

\”Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh với các thành phần ở miền Nam trước đã. Sau khi ổn định rồi mới hiệp thương để thống nhất và sẽ cần nhiều năm chứ không phải như đã xảy ra. Miền Bắc sẽ không thể nào bắt miền Nam làm theo ý muốn của mình vì miền Bắc chắc chắn là không có sức người sức của để bắt buộc miền Nam làm những việc như đã thấy (như là) Hợp tác hóa miền Nam, v.v., chủ yếu là để lấy sức người sức của đánh Pol Pot và Trung Quốc cũng như củng cố chế độ miền Bắc.\”

Nhưng Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng nhấn mạnh: Lịch sử không có chữ nếu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment