G7 ‘quan ngại sâu sắc’ về Biển Đông, nhắc TQ ‘có trách nhiệm’

G7 ‘quan ngại sâu sắc’ về Biển Đông, nhắc TQ ‘có trách nhiệm’

Ngày đăng 26-04-2019

Ngoại trưởng của các nước thành viên G7 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình trên Biển Đông đồng thời “thúc giục các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa những nơi tranh chấp để bảo đảm ổn định khu vực”.

\"\"/

Trong tuyên bố được đưa ra sau phiên họp hai ngày ở Dinard (Pháp) mới đây, nhóm các nước G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, và đại diện Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ:

“Chúng tôi nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào gây leo thang căng thẳng và làm suy yếu ổn định khu vực và trật tự hàng hải theo luật lệ quốc tế, như việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, việc lấn biển quy mô lớn và việc phát triển các tiền đồn cũng như việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự”.

Tuyên bố của G7 cũng có đoạn: \”Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc tham gia một cách có trách nhiệm vào hệ thống tự do và cởi mở trên nền tảng luật pháp quốc tế\”.

Đồng thời, tuyên bố này cũng nhắc tới việc phải “tuân thủ” Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),

Ngoài ra, các ngoại trưởng nhóm G7 còn “thúc giục các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa những nơi tranh chấp để bảo đảm ổn định khu vực và cho phép các nước thực thi các quyền của mình theo luật quốc tế”.

Các nhà ngoại giao cũng đề cập tới phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, coi đó là “một cột mốc quan trọng và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.

Trong phiên họp, một số thành viên của G7 cũng đã đề cập tới tham vọng toàn cầu ngày càng mở rộng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước G7 không đề cập tới sáng kiến này, dường như để đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ nhóm.

Việc các nước G7 nhắc tới Sáng kiến Vành đai và Con đường trong các cuộc thảo luận, song không đưa vào tuyên bố chung là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm giữa các nước lớn về dự án tỷ USD của Trung Quốc. Một số nước cho rằng đây là cơ hội để phát triển, trong khi một số nước khác lo sợ bị cuốn vào vòng xoáy của Trung Quốc và gánh những khoản nợ khổng lồ.

Ý trở thành nước đầu tiên của G7 ký quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bất chấp cảnh báo từ Mỹ và một loạt quốc gia châu Âu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment