ÁO TỨ THÂN, KHĂN MỎ QUẠ

ÁO TỨ THÂN, KHĂN MỎ QUẠ – NÉT DUYÊN DÁNG CỦA PHỤ NỮ KINH BẮC

\"\"

Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của chiếc áo tứ thân, nhưng nếu ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài tứ thân Việt với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm…

Theo truyền thuyết kể lại, khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân Hán, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng. Rồi do tôn kính Hai bà, phụ nữ Việt tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân. Một lý do khác xem chừng cũng có vẻ hợp lý là thời trước kỹ thuật còn đơn giản, thô sơ và mộc mạc, không thể dệt vải theo khổ lớn được, nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài – áo dài tứ thân. Áo tứ thân gồm hai vạt trước rộng như nhau, thường buộc vào nhau. Khi mặc áo tứ thân phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay các “ruột tượng” – một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt rồi buộc rút hai đầu lại.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài tứ thân cũng trôi nổi nhưng vẫn tồn tại và không thể bị xóa bỏ. Rồi chịu ảnh hưởng và thay đổi theo thời gian, trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, để có dáng dấp trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến tấu kiểu áo ngũ thân từ chiếc áo dài tứ thân nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ, đồng thời chiếc áo ngũ thân cũng là biểu hiện của ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đi theo áo tứ thân phải có chiếc yếm, cái khăn mỏ quạ, chiếc nón quai thao, góp phần tạo nên bộ “quốc phục” của quý bà thời xưa theo các chị, các em đến những nơi đình đám.Khăn vuông mỏ quạ…

Trang phục nữ Kinh Bắc là phải kể đến áo năm thân, may bằng the, lụa, yếm cổ viền, bao thắt lưng xanh, váy sồi rủ hình lưỡi trai, chân đi dép cong…. tưởng như thế cũng là đủ, vậy mà còn một chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng đến mức không thể thiếu, đó là “khăn vuông mỏ quạ”.

Khăn vuông mỏ quạ không hẳn ai biết hát quan họ cũng biết chít; mà dẫu có biết chít cũng chưa chắc đã đẹp. Có người đã nói: Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa, hợp với khuôn mặt, tạo cho khuôn mặt (khi chít khăn) như hình chiếc búp sen. Nếu chít cái Mỏ quá cao, trông nó điêu, nếu để cái Mỏ thấp quá, khuôn mặt trở lên đần, tối tăm….

Muốn chít khăn Mỏ quạ cho đẹp, trước tiên phải “biết quấn tóc trong một khăn vấn tóc, vòng tròn lại và đặt ngay ngắn lên đầu, hơi xệ và hình bầu dục về phía gáy, ghim lại”. Nhưng quan trọng hơn là khăn vuông đem gấp sao cho khéo và cân đối (gấp chéo thành hình tam giác) bẻ hình mỏ quạ sao cho chính giữa đường ngôi trên đầu, bắt hai góc khăn về hai phía tai rồi thắt múi ở gáy.

\"\"

Thực ra khăn vuông mỏ quạ không đơn thuần chỉ là công cụ trang phục trên đầu người thiếu nữ, mà hẳn là công việc nghệ thuật làm đẹp cần có ở người con gái Kinh Bắc. Chợt nhớ:…. Có ai đó đã từng thốt lên:

Nhìn em khăn vuông mỏ quạ,

Để anh trong dạ tơ vương.

Nhìn em khăn vuông mỏ quạ

Để anh hoá đá vì người….

Bài và ảnh (*) Võ Quang Yến

Trai xứ Huế thường ngẩn ngơ ngắm các nàng thong dong trong tà áo dài phấp phới trữ tình, dân miền Nam thích chòng ghẹo các cô vui tươi, rắn rỏi sau chiếc áo ngắn bà ba, người miền Bắc một thời không ngớt ca ngợi các liền chị liến thoắng, nhí nhảnh qua bộ áo tứ thân ngày nay chỉ còn thấy ở các lễ hội truyền thống hay trong các đoàn biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu. Áo tứ thân đi đôi với khăn mỏ quạ, nón quai thao dải yếm đào, dây lưng xanh, quần nái đen, tóc đuôi gà…

Không biết xuất hiện từ bao giờ, áo bắt đầu được thấy nhiều vào những năm thập niên 20-30 thế kỷ XX. Chiếc áo dài nầy thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián, mặc trên một cái áo cánh mỏng màu trắng, vàng, ngà, có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà. Áo gồm có bốn tà hợp lại với nhau thành hai vạt, một vạt trước, một vạt sau, buông xuống gót chân. Hai vạt trước tách rời, vắt chéo, có chiếc thắt lưng giữ lại, có khi buộc lại với nhau thả trước bụng, trên để hở một phần ngực phập phồng dưới dải yếm. Hai vạt sau khâu lại với nhau trên một đường dài gọi là sống áo. Có lúc một tà kép được thêm vào nhưng áo không được gọi áo năm thân. Trái lại, có liền chị mặc thêm bên trong hai cái áo tứ thân mỏng khác màu nữa hợp thành cặp áo mớ ba mớ bảy nổi tiếng. Nhưng dù cải tiến thế nào, danh từ tứ thân song song với cụm từ ‘‘tứ thân phụ 1 mẫu’’ luôn được giữ. Áo tứ thân lúc đầu không có khuy mà có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Sau nầy để cho tiện, khuy nhỏ mới được đơm vào, cài bên nách, đính khuy bấm (nút bóp) vào tay áo, khiến cho Nguyễn Bính có câu thơ thổn thức : Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng, Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi !

Trang phục nội y, yếm nguyên là một tấm vải hình thoi (ngoài Bắc) hay tam giác (trong Nam, miền Trung), có một dây quàng vào cổ và một dây buộc sau lưng. Bắt đầu thịnh hành từ thời nhà Lý thế kỷ XI-XII, người ta thường tin yếm được tạo ra để tôn vẻ đẹp cái lưng ong eo thắt của người phụ nữ, thể hiện đức hạnh một người vợ ngoan, một bà mẹ hiền.

Đàn bà thắt đáy lưng ong

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Về sau, vào khoảng các thế kỷ XVIII-XIX, yếm được cải tân thành hình vuông (ngoài Bắc) đặt chéo trên ngực, trên khoét làm cổ, hai góc trên đính dây quàng sau gảy, hai góc dưới vẫn có dây buộc sau lưng. Cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn hình chữ V mang tên yếm cổ xẻ. Bên phần các liền chị quan họ, trung niên mặc yếm cổ xẻ, thanh nữ mặc yếm cổ viền. Phụ nữ lao động thường mặc yếm vải thô màu nâu, đen, gỗ mun. Con gái nhà giàu, phu nhân tiểu thư mặc yếm vóc, yếm nhiễu hay dùng lụa mỏng nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)… nhiều màu nhưng vẫn giữ nét trang nhã. Người lớn tuổi mặc yếm màu xẩm kín đáo. Nghe nói bắt đầu là các nghệ nhân thợ may người Trạch Xá – Vân Đình (Hà Tây) cải tiến vào khoảng 1935. Yếm thường may bằng lụa trắng hay giữ màu ngà 2 của sợi tơ cho các cô trẻ, nhưng cũng có khi nhuộm màu đỏ thắm cho các cô dỏm dáng đến nỗi có câu ca dao thất lễ

Ba cô đội gạo lên chùa,

Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.

Yếm cổ xẻ còn được gọi yếm cổ nhạn nếu hình nhọn xẻ sâu xuống. Loại yếm nầy may với vải lụa màu sắc sặc sỡ thì các cô gái thật tân tiến mới dám dùng, mô tả trong câu ca dao ỡm ờ ám chỉ Thị Mầu lên chùa

Gió xuân tốc dải yếm đào

Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương.

Bài Liên Quan

Leave a Comment