Giới chuyên môn kêu gọi ‘cứu’ Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu

Giới chuyên môn kêu gọi ‘cứu’ Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu

.

\"\"
Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu là một di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa độc đáo được xây từ 134 năm qua. (Hình: Tuổi Trẻ)

NAM ĐỊNH, Việt Nam – Hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã đệ “Đơn đề nghị cứu xét”’ yêu cầu tạm dừng phá dỡ Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu, huyện Xuân Trường để chờ đánh giá toàn diện của Hội Đồng Di Sản Quốc Gia.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 1 Tháng Năm, 2019, mấy ngày qua trên mạng xã hội và cả trong những công việc thực tế, một số kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát tại Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tư, dưới sự “giám sát online” của Tiến Sĩ-Kiến Trúc Sư Nguyên Hạnh Nguyên tại Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn và Thạc Sĩ Kiến Trúc Sư Cao Thành Nghiệp.

Nhóm kiến trúc sư này kết luận “công trình chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, bảo đảm khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm. Ngoài ra, chuyện tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa là việc có thể khắc phục đơn giản.”

Theo Kiến Trúc Sư Cao Thành Nghiệp, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Trùng Tu trụ sở Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn, công trình Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu có tuổi đời tương đương với trụ sở tòa án “có giá trị lớn về kiến trúc, xã hội, công nghệ xây dựng, lịch sử phát triển đô thị.”

\"\"
Bên trong Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu với những kiến trúc không thấy ở các nhà thờ khác của Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)

“Trần nhà thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương, trong đó có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc. Những hình oval 3 lá trên trần là biến thể của Thiên Chúa Giáo, không thấy ở các nhà thờ Việt Nam, với nhiều chi tiết cầu kỳ là dấu ấn nhận biết ngôi thánh đường này. Hình ảnh này vừa thể hiện đường nét baroque cổ kính, vừa thể hiện nét phương Đông, tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại. Công nghệ xây dựng của công trình này cũng rất đặc sắc với khung nhà bằng tường gạch chịu lực kết hợp những hàng cột gỗ lim đặt trên những bệ đá điêu khắc tinh xảo. Trần được làm bằng hỗn hợp vôi rơm và vật liệu địa phương để tạo độ bền và nhẹ.”

Hơn nữa, Giáo phận Bùi Chu được công nhận là giáo phận đầu tiên ở Việt Nam (năm 1533), Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu với lịch sử 134 năm “càng cần phải được bảo tồn như một di tích lịch sử quan trọng.”

Do đó, nhóm này cùng với hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn ở Việt Nam đã cùng ký đơn gửi tới Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Ngọc Thiện, bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch và ông Phạm Đình Nghị, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nam Định.

Họ khẳng định “Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu là một di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa độc đáo không nơi nào ở Việt Nam có được, xứng đáng thuộc hàng di sản kiến trúc cấp quốc gia,” và yêu cầu giới hữu trách “xem xét chỉ đạo tạm dừng việc phá dỡ di sản, chờ đánh giá toàn diện của Hội Đồng Di Sản Quốc Gia.”

\"\"
Thư của Đức Cha Thomas Vũ Đình Hiệu xin tiền tài trợ xây dựng lại Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu. (Hình: Faceebook Phuoc Chau)

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, trước đó thông tin được xác nhận từ lãnh đạo địa phương và từ phía Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu đều cho thấy nhà thờ có tuổi đời 134 năm này đang được lên kế hoạch tháo rời để xây mới vào ngày 13 tháng 5 tới.

Các cha xứ và giáo dân cũng như chính quyền địa phương đều cho rằng “việc xây mới nhà thờ là cần thiết bởi nhà thờ hiện tại đã xuống cấp, có thể gây ra tai nạn nguy hiểm cho giáo dân.”

Trả lời báo Tuổi Trẻ qua điện thoại, một cha xứ của giáo phận Bùi Chu (đề nghị không nêu tên) xác nhận theo kế hoạch, nhà thờ sẽ được tháo rời để xây công trình mới có hình dạng như công trình cũ, chỉ thay đổi vật liệu cho bền hơn, bởi nhà thờ đã xuống cấp và chật hẹp so với nhu cầu của lượng giáo dân ngày càng tăng lên.

Vị linh mục này cũng cho rằng “đây là việc của nhà thờ và giáo dân, không cần thiết trả lời trên báo chí.”

Tin cũng cho biết, hiện Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu vẫn mở cửa đón giáo dân và du khách, nhưng bên cạnh nhà thờ đã dựng lán trại và các toán thợ “đang hăng hái thi công những mảng chạm gỗ, nhiều cột gỗ lớn để làm trụ cho ngôi nhà thờ mới đã được thấy để trong lán cạnh nhà thờ.”

Nói qua điện thoại, ông Đặng Ngọc Cường, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Xuân Trường, cũng xác nhận “nhà thờ đã khởi công làm mộc từ mấy tháng nay, kế hoạch là trong Tháng Năm sẽ tháo dỡ nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới trên nền cũ, cơ bản như thiết kế của nhà thờ cũ.”

Một trong những buổi lễ cuối cùng được cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu là lễ Truyền Dầu đã diễn ra vào sáng hôm 18 Tháng Tư.

Trên Facebook cá nhân, Facebooker Nguyễn Phước Châu, một nhà bình luận, làm phim ở Việt Nam ghi: “Tình hình là với việc tháo dỡ Nhà Thờ Bùi Chu để xây mới kể từ 13 Tháng Năm,2019, mọi quyền sinh sát công trình cổ kính này hiện tại đều đang ở trong tay Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu, Đức Cha Thomas Vũ Đình Hiệu, là chủ đạo. Chỉ có điều là tháo dỡ hay ‘đại tu’ ắt hẳn sẽ có diễn biến và kết quả khác nhau trong thời gian tới.”

Ngặt nỗi, theo nhiều thông tin chia sẻ từ các công dân mạng có quê xứ nơi này, hiện trạng của Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu cho dẫu có những hư hỏng nhất định nhưng hoàn toàn có thể sửa chữa được, không cần thiết phải đập bỏ xây mới hoàn toàn theo như kế hoạch dự kiến của chính giám mục giáo phận. Nhiều vị linh mục trong giáo phận này cũng phản đối việc đập bỏ xây mới!

Ngay cả khi các “sứ giả” của giáo phận Bùi Chu vào Nam quyên góp cũng chỉ đề cập đến việc “trùng tu” hay “đại tu”. Một vị linh mục chánh xứ khác cho hay ông cảm thấy bị lừa khi biết tin họ (Giám mục giáo phận Bùi Chu) sẽ phá bỏ ngôi thánh đường cổ kính này.

Nhân việc Đức Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu viết thư ngỏ xin tiền bà con giáo phận Xuân Lộc giúp đỡ để xây lạiNhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu thì có người nói với ngài rằng: “Ngài về bảo các cha Bùi Chu bán xe hơi, góp tiền xây nhà thờ trước đi rồi tụi con góp sau…’Bởi, nghe nói là gần 98% các Đức Cha ở Bùi Chu có xe hơi, trung bình mỗi con xe hơn tỷ bạc. Cá biệt như Cha Môn (Quỹ Nhất) xài Camry hơn 2 tỷ, Cha Quyến (Quần Lạc) chơi luôn con Honda Accord nhập cảng cũng hơn 2 tỷ bạc. Bùi Chu là một giáo phận lớn với gần 300 linh mục, mỗi linh mục chỉ cần bán xe hơi đi góp với Đức Cha Giám Mục Thomas Vũ Đình Hiệu thì lo gì chuyện ‘trùng tu’ hoặc ‘đại tu’, nếu cần!” 

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment