Rostec của Nga lập cơ sở bảo dưỡng trực thăng ở Việt Nam
.
Trung tâm bảo dưỡng trực thăng của Nga tại Vũng Tàu có ý nghĩa gì về hợp tác song phương và tầm khu vực?
Bài của Tiến sĩ Prashanth Parameswaran trên tạp chí The Diplomat hôm 30/04 bàn về việc một công ty quốc phòng thuộc nhà nước của Nga vào tuần trước công bố khai trương một cơ sở bảo dưỡng mới tại Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Nga (Rostec) hôm 22/04 tuyên bố khai trương một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu động cơ máy bay trực thăng mới tại Việt Nam.
Thông cáo của hãng nói trung tâm \”hỗ trợ hậu cần\” này đi vào hoạt động tại thành phố Vũng Tàu, một khu vực mà Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam có các cơ sở.
Vào tháng 10 năm ngoái, UEC-Klimov, một công ty con của United Engine Corporation, trực thuộc Rostec, và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Trực thăng của Việt Nam, đã ký hợp đồng phân phối liên quan đến dịch vụ bảo trì động cơ.
Thỏa thuận này được cho đã mở đường cho các bước tiếp theo bao gồm việc thiết lập một trung tâm bảo dưỡng như vậy.
Thông cáo mô tả trung tâm đặt tại Vùng Tàu, do UEC-Klimov thành lập, được trang bị với tất cả các thiết bị, phụ tùng và dây chuyền lắp ráp cần thiết để cung cấp sửa chữa động cơ do UEC-Klimov thiết kế.
Được biết đối tác Việt Nam bảo dưỡng cho các loại trực thăng chế tạo tại Nga và đóng vai trò là nhà phân phối động cơ TB3-117 và VK-2500 mà Nga đang giúp bảo trì.
Tác giả bài viết cho rằng trung tâm bảo dưỡng của Rostec là một phần của nỗ lực rộng hơi tầm khu vực theo đó Nga muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước châu Á.
Viktor Kladov, giám đốc phu trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Rostec, cho biết ngoài Việt Nam, hãng này đã có kế hoạch mở rộng dịch vụ hỗ trợ và sửa chữa máy bay trực thăng tới Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Úc, Bangladesh và Sri Lanka.
Báo cáo ra tháng Ba 2018 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba của Nga trong lĩnh vực mua bán vũ khí.
- Việt Nam đứng thứ ba (10%) trong danh sách mua hàng của Nga, sau Ấn Độ (35%) và Trung Quốc (12%).
- Việt Nam cũng là khách hàng thứ ba của Israel (6,3%), sau Ấn Độ (49%) và Azerbaijan (13%).
- Với Belarus, Việt Nam là khách hàng số một (26%), tiếp theo là Trung Quốc (26%) và Sudan (23%).
- Cộng hòa Czech là đối tác lớn tiếp theo, với Việt Nam là khách hàng thứ ba (11%), sau Iraq (44%), và Mỹ (19%).
Nguồn: BBC