Công dân Tân Cương ở Trung Quốc bị cảnh sát theo dõi bằng app di động
.
Cảnh sát Trung Quốc đang dùng một ứng dụng (app) di động để lưu trữ dữ liệu về hàng triệu người Uighur ở tỉnh Tân Cương, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói.
Trong bản phúc trình ra hôm thứ Năm, HRW nói họ đã dùng kỹ thuật để tìm hiểu về mức độ quy mô theo dõi.
App được dùng để theo dõi chặt chẽ các hành vi, tổ chức này nói, trong đó gồm cả việc thiếu việc giao tiếp xã hội, sử dụng quá nhiều điện, hoặc giao thiệp, làm quen với người ở nước ngoài.
Các nhóm nhân quyền nói rằng người Hồi giáo Uighur đang bị đàn áp khốc liệt tại Trung Quốc.
Liên Hiệp Quốc nói có những phúc trình khả tín nói rằng có tới một triệu người Uighur đang bị giam giữ tại Tân Cương, trong những nơi mà Trung Quốc gọi là các \”trung tâm cải tạo giáo dục\”.
\’Hệ thống theo dõi xâm nhập thô bạo nhất\’
Theo nội dung bản phúc trình của HRW, app này được các viên chức dùng để ghi và lưu giữ thông tin về mọi người.
Cụ thể, nó nhắm vào \”36 kiểu người\” mà giới chức cần để ý.
Nhưng người này gồm cả những người hiếm khi ra vào ở cửa chính của nhà mình, dùng điện nhiều tới mức bất thường, và những người đã từng thực hiện Hajj – tức là cuộc hành hương của người Hồi giáo – mà không được giới chức cho phép.
Bản phúc trình không nêu rõ các nhóm sắc tộc thiểu số này bị nhắm vào, nhưng trong \”36 kiểu người\” có các giáo sỹ Hồi giáo imam \”không chính thức\”, cùng những người theo chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo.
Thông tin do app này thu được sẽ được gửi về hệ thống trung tâm theo dõi giám sát rộng khắp ở Tân Cương – Integrated Joint Operations Platform (IJOP) – HRW nói.
Nhà nghiên cứu cao cấp chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc của HRW, Maya Wang nói rằng IJOP là \”một trong những hệ thống theo dõi rộng khắp có tính xâm nhập thô bạo nhất\”.
\”Nó thu thập thông tin từ các điểm kiểm tra trên đường phố, nhà ga, trường học… lấy thông tin ra từ các nơi này và giám sát người dân về bất kỳ biểu hiện \’bất thường\’ nào có thể khiến giới chức cảm thấy báo động.\”
App này được HRW hợp tác với Cure53, một hãng chuyên về an ninh đóng tại Berlin, lấy được và phân tích.
Cùng với các chiến dịch ở Tân Cương, Trung Quốc có 170 triệu camera theo dõi CCTV đặt trên toàn quốc và tính đến cuối 2020, ước tính khoảng 400 triệu camera mới sẽ được lắp đặt.
Toàn bộ những thứ này là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc, hướng tới xây dựng cái mà họ gọi là \”mạng lưới theo dõi giám sát bằng camera lớn nhất thế giới\”.
Trung Quốc cũng thiết lập một hệ thống \”uy tín xã hội\” nhằm tính điểm các hành vi, thái độ đối với xã hội của toàn bộ các công dân.
Mục tiêu là tính đến 2020, mọi người ở Trung Quốc sẽ đều tham gia đăng ký vào một cơ sở dữ liệu toàn quốc, gồm thông tin liên quan đến tài chính và quan hệ với chính quyền, trong đó có cả các lỗi vi phạm giao thông nhỏ, từ đó đưa ra mức điểm uy tín đối với mỗi cá nhân.
Các trại tập trung ở Trung Quốc
Tân Cương là vùng bán tự trị. Trên lý thuyết, vùng này ít nhất cũng có quyền tự quản khỏi Bắc Kinh.
Người Uighur, hầu hết là người thiểu số theo Hồi giáo, chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương.
Bản phúc trình của HRW được công bố vào lúc Trung Quốc đang bị đặt câu hỏi về cách thức đối xử với các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương.
Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái được nghe trình bày rằng có tới một triêu người Uighurs đang bị giữ tại các trại giam giữ ở Tân Cương.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói đó là các \”trung tâm giáo dục dạy nghề\”, nhằm giáo dục vào hội nhập người Uighur Hồi giáo, tránh xa khỏi chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan.
Nguồn: BBC