Mỹ liệt Việt Nam trong 36 nước không bảo vệ sở hữu trí tuệ
Ngày đăng 01-05-2019BDN
Chính quyền Trump hôm thứ Năm (25/4) đã phát hành “Báo cáo đặc biệt hàng năm về bảo vệ sở hữu trí tuệ và đánh giá thị trường nổi tiếng về vi phạm bản quyền và hàng giả”, trong đó đã xếp 36 nước là các đối tác thương mại của Mỹ gây “quan ngại đáng kể nhất” liên quan tới việc thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong 36 nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được xếp vào hai nhóm: Danh sách Ưu tiên Theo dõi và Danh sách Theo dõi.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) là cơ quan thực hiện báo cáo này. Các nước bị xếp vào Danh sách Ưu tiên theo dõi gồm: Algeria, Argentina, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Kuwait, Nga, Ả Rập Saudi, Ukraine, và Venezuela.
Barbados, Bolivia, Brazil, Canada, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Ecuador, Ai Cập, Hy Lạp, Guatemala, Jamaica, Li Băng, Mexico, Pakistan, Paraguay, Peru, Romania, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Uzbekistan và Việt Nam nằm trong Danh sách Theo dõi.
Báo cáo phát hành hôm 25/4 tuyên bố: “Báo cáo này cung cấp cơ hội gọi tên các nước và phơi bày ra các luật, chính sách và thực tiễn không cung cấp bảo vệ và thực thi sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả cho các nhà đầu tư, nhà sáng tạo, thương hiệu, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.”
Theo Báo cáo Ủy ban Sở hữu trí tuệ 2017 do Cục Quốc gia về Nghiên cứu Châu Á thực hiện, hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ lên tới 225 tỷ USD và nước Mỹ cũng thiệt hại khoảng 600 tỷ USD hàng năm do hàng giả, phần mềm lậu và trộm cắp bí mật thương mại.
Trong Báo cáo của USTR 2019, Việt Nam vẫn bị liệt vào Danh sách Theo dõi. Báo cáo tuyên bố: “Thực thi sở hữu trí tuệ tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam. Vi phạm bản quyền và bán hàng giả trực tuyến vẫn còn phổ biến. Nếu Việt Nam không thực hiện hành động thực thi mạnh mẽ hơn, thì vi phạm bản quyền và bán hàng giả trực tuyến có khả năng xấu đi.”
Báo cáo cho rằng “mặc dù các cơ quan Việt Nam đã thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng các công ty nước ngoài tiếp tục phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc bán hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.”
“Hàng giả, bao gồm hàng giả chất lượng cao, vẫn có sẵn ở các chợ… Ngoài ra, vi phạm bản quyền sách và và trộm cắp tín hiệu cáp và vệ tinh vẫn tồn tại, trong khi vi phạm bản quyền phần mềm tư nhân và công cộng vẫn là điều đáng quan ngại,” Báo cáo nói thêm.
Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của việc Việt Nam tiếp tục vi phạm bảo vệ sở hữu trí tuệ là vì: “Vẫn còn hạn chế về năng lực liên quan đến thực thi [bảo vệ sở hữu trí tuệ], một phần do thiếu nguồn lực và chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào các hành động thực thi hành chính vốn đã thất bại trong việc ngăn chặn hành vi giả mạo và vi phạm bản quyền.”
Báo cáo khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục dấy lên vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thông qua Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư Mỹ – Việt và các thỏa thuận song phương khác. “Điều bắt buộc là Việt Nam phải tham gia đầy đủ và nỗ lực giải quyết những vấn đề [sở hữu trí tuệ] này trong năm tới,” Báo cáo nhấn mạnh.
Việt Nam và các nước khác bị nêu tên trong Báo cáo của USTR năm nay “sẽ buộc phải tăng cường hợp tác với USTR để giải quyết các quan ngại về sở hữu trí tuệ.”
“Đối với những nước không giải quyết được những quan ngại của Mỹ, USTR sẽ thực thi các hành động phù hợp – chẳng hạn như các các hành động thực thi theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại hoặc theo luật của Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp thỏa thuận thương mại khác – cần thiết để chống lại các hành vi thương mại không công bằng và đảm bảo các đối tác thương mại phải tuân thủ các cam kết quốc tế của họ.” Báo cáo cảnh báo.