Nga – Mỹ cảnh cáo nhau về hành vi can thiệp vào Venezuela

Nga – Mỹ cảnh cáo nhau về hành vi can thiệp vào Venezuela

.

\"\"
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trả lời các câu hỏi của báo giới về tình hình Venezuela, Nhà Trắng, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 30/04/2019 . REUTERS/Joshua Roberts

(Trọng Nghĩa / RFI) – Vào lúc tình hình Venezuela đang căng thẳng và giằng co với cuộc đọ sức giữa hai lực lượng của tổng thống tự phong Juan Guaido và tổng thống được bầu Nicolas Maduro, đấu khẩu giữa Mỹ, nước ủng hộ ông Guaido, và Nga, hậu thuẫn của Maduro đã càng lúc càng gay gắt.

Vào hôm qua, 01/05/2019, hai bên tố cáo lẫn nhau là đã xen vào việc nội bộ của Venezuela. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng trong hậu trường, có thể hai bên đang tìm kiếm một giải pháp chung.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Nga hôm qua cho biết là trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã lên tiếng cảnh cáo là « những bước hung hăng hơn » của Mỹ ở Venezuela sẽ kéo theo đầy rẫy hậu quả nghiêm trọng.

Thông cáo của Nga còn tố cáo Mỹ là đã vi phạm luật pháp quốc tế khi « can thiệp » vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền (Venezuela) và « đe dọa » lãnh đạo của nước này.

Cũng trong cuộc điện đàm, phía Mỹ đã phản pháo, kêu gọi Nga chấm dứt ủng hộ Maduro, đồng thời lập lại lời tố cáo hành động can thiệp vào nội tình Venezuela của Nga và Cuba, mà theo phía Mỹ, đã « gây nên tình trạng bất ổn định tại Venezuela và cho quan hệ song phương Nga-Mỹ ».

Hôm 30/04 vừa qua, chính ngoại trưởng Pompeo đã tố cáo Nga can thiệp vào nội tình Venezuela, thuyết phục tổng thống Maduro không nên rời khỏi Venezuela khi nhân vật này đã chuẩn bị lên đường. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga vào hôm qua, 01/05 đã gọi thông tin của ông Pompeo là « tin giả – fake news ».

Lời lẽ của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đối với Nga còn thẳng thừng hơn nữa. Phát biểu với báo giới vào hôm qua, ông Bolton nói rằng Venezuela nằm ở « bán cầu của chúng ta », và « không phải nơi người Nga can thiệp ». Đối với ông Bolton, sai lầm của Nga chính là đã xen vào nội tình Venezuela, và điều đó sẽ không dẫn đến việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Cho dù đấu khẩu công khai giữa Mỹ và Nga rất gay gắt, nhưng giới phân tích cho rằng trong hậu trường, hai bên đang tìm cách thỏa thuận với nhau về hồ sơ Venezuela.

Kênh truyền thông Mỹ CNBC ngày hôm qua ghi nhận là trong những tuần lễ gần đây, hai ông Lavrov và Pompeo đã có nhiều cuộc điện đàm với nhau về Venezuela. Nga đặc biệt khó chịu với khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela và vào lúc này, cả hai dường như tập trung vào việc làm cho căng thẳng xuống thang. Trả lời đài NBC, chính ngoại trưởng Pompeo cho biết Hoa Kỳ muốn có một quá trình chuyển đổi hòa binh tại quốc gia Nam Mỹ.

Khả năng Mỹ-Nga thỏa thuận về Venezuela

Một số nhà phân tích nghĩ rằng hai nước có thể sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó về sự ra đi của Maduro.

Theo CNBC, Timothy Ash, một chuyên gia phân tích thị trường, vào hôm qua cho rằng Nga và Hoa Kỳ đã nói chuyện trong nhiều tuần về một thỏa thuận nào đó để giúp Maduro rời bỏ quyền hành. Chuyên gia này căn cứ vào 2 yếu tố : Trước hết, Matxcơva đã giành được một lợi thế trong đàm phán với Mỹ sau khi gửi cố vấn quân sự tới Caracas. Ngoài ra, cho đến nay, tổng thống Trump đã không ký lệnh trừng phạt mới đối với Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal ở Anh năm 2018.

Đối với chuyên gia này, chính các cộng sự viên đã ngăn cản không để cho ông Trump ký lệnh trừng phạt Nga vì muốn giữ lại một con bài đàm phán với Matxcơva về Venezuela.

Cũng theo ông Ash, đối với Nga, thỏa thuận khả dĩ chấp nhận được sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, để các công ty dầu khí Nga tiếp tục hoạt động ở Venezuela và được thanh toán đầy đủ nợ nần, cùng một số thỏa thuận liên quan đến « vùng ảnh hưởng ».

Nói cách khác, theo chuyên gia này, Matxcơva sẽ không tiếp tục ủng hộ Maduro bằng mọi giá.

Đó cũng là ý kiến của Eileen Gavin, chuyên gia phân tích chính trị tại văn phòng tham vấn Verisk Maplecroft. Theo chuyên gia này, Nga « có nhiều con cá lớn hơn Venezuela để bắt », nhưng sẽ có tìm cách bảo toàn quyền lợi của mình.

Trả lời CNBC, chuyên gia này xác định : « Nga vừa có tài sản trên đất liền ở Venezuela, vừa có lợi ích tài chính đáng kể, do đó họ sẽ muốn có mặt tại bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai Venezuela ».

Chuyên gia này kết luận : « Hậu thuẫn của Nga đối với Maduro chỉ là hình thức. Tôi cho rằng họ sẽ vui lòng để ông ta ra đi, nhưng họ muốn có ghế ở bàn đàm phán để bảo vệ tài sản của họ. »

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment