Mỹ, Nga có chung mối lo về Trung Quốc ở Bắc Cực

Mỹ, Nga có chung mối lo về Trung Quốc ở Bắc Cực

(Quan hệ quốc tế) – Mỹ sợ Trung Quốc hành động bành trướng ở Bắc Cực, Nga hợp tác vẫn lo nơm nớp về Bắc Kinh.

Báo cáo công bố ngày 2/5 (giờ địa phương) của Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Theo đó, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập sự hiện diện và răn đe hạt nhân tại Bắc Cực thông qua hoạt động nghiên cứu dân sự.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Đan Mạch đã thể hiện quan ngại về lợi ích của Trung Quốc ở Greenland, trong đó có đề xuất lập một trạm nghiên cứu, một trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp sân bay và mở rộng khai mỏ.

\”Các hoạt động nghiên cứu dân sự có thể giúp tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Bắc Băng Dương, trong đó gồm triển khai các tàu ngầm nhằm răn đe, ngăn chặn những cuộc tấn công hạt nhân\” – báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm như một ưu tiên cao. Hải quân Trung Quốc đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công bằng vũ khí truyền thống.

\”Bắc Kinh có thể sở hữu 65-70 tàu ngầm vào năm 2020\” – báo cáo của quân đội Mỹ đánh giá.

Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đã chế tạo 6 tàu ngầm lớp Jin, trong đó có 4 chiếc đang hoạt động còn 2 chiếc đang được chế tạo ở xưởng đóng tàu Huludao.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 2 năm nay, Cơ quan tình báo quốc phòng thuộc Lầu Năm góc nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu 5 tàu ngầm lớp Jin để duy trì năng lực răn đe hạt nhân liên tục trên biển.

Việc Trung Quốc mở rộng lực lượng tàu ngầm chỉ là một yếu tố trong nỗ lực hiện đại hóa sâu rộng và tốn kém của quân đội. Các chuyên gia Mỹ cho rằng nỗ lực này chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào của lực lượng Mỹ.

Dù ngân sách quốc phòng chính thức mà Trung Quốc công bố năm 2018 là 175 tỷ USD, Lầu Năm Góc ước tính con số thực tế phải lên đến 200 tỷ USD, chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Ước tính ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 260 tỷ USD vào năm 2022.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh Bắc Kinh đã vạch kế hoạch phát triển các tuyến hàng hải mới hình thành do băng tan, nhằm thiết lập \”Con đường tơ lụa địa cực\” như một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chính sách Bắc Cực lần đầu tiên được Bắc Kinh công bố vào tháng 6 năm ngoái.

Dù không phải quốc gia tiếp giáp Bắc Cực, Trung Quốc ngày càng tích cực hoạt động ở khu vực này và trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013. Điều đó gây quan ngại cho các quốc gia Bắc Cực về những mục tiêu chiến lược lâu dài của Bắc Kinh, trong đó có khả năng triển khai sức mạnh quân sự.

Lầu Năm Góc công bố báo cáo về các vấn đề ở Bắc Cực trong bối cảnh khu vực này chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc.

Hải quân Nga gần đây thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động tại vùng địa cực, sử dụng nhiều tàu phá băng để hộ tống tàu thương mại đi qua khu vực.

Đã có quan điểm cho rằng Nga đang bắt tay Trung Quốc để đối trọng với Mỹ ở Bắc Cực.

Theo báo South China Morning Post của Hồng Kông (Trung Quốc), Moscow gần đây đề ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng các cảng mới và cơ sở hạ tầng khác để tăng cường vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực – còn được gọi là Tuyến đường biển Bắc.

Tổng thống Vladimir Putin từng mô tả Bắc Cực là khu vực quan trọng nhất đối với tương lai của Nga.

Nhà lãnh đạo Nga cho hay, Nga cần tàu phá băng, trong khi Trung Quốc có kinh nghiệm xây dựng tàu phá băng và đi qua tuyến đường ở Bắc Cực. Trung Quốc bắt đầu thám hiểm Bắc Cực để phục vụ nghiên cứu khoa học vào những năm 1990.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats nhận định Trung Quốc và Nga đang có mối liên hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết kể từ giữa những năm 1950. Vào tháng 7/2017, lần đầu tiên hai nước Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tập trận chung ở biển Baltic.

Tháng 9/2018, Bắc Kinh cũng tham gia cuộc tập trận quân sự Vostok thường niên của Moscow. Ngoài ra, Nga còn bán thiết bị quân sự tiên tiến cho Trung Quốc, bao gồm hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu SU-35.

Các nhà chính sách Mỹ có xu hướng nhìn vào bức tranh quan hệ Nga-Trung trong lợi ích Bắc Cực đồng thời nắm được các mục tiêu lâu dài riêng biệt giữa hai siêu cường này tại đây.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc không thực sự là cái bắt tay trên mọi lĩnh vực theo đúng nghĩa đen.

Nga và Trung Quốc, mặc dù chia sẻ tham vọng chung trong nhiều khía cạnh nhưng lại có mối quan hệ phức tạp trong các lĩnh vực cạnh tranh và hợp tác. Mối quan hệ ở Bắc Cực sẽ tiếp tục tập trung vào lợi ích kinh tế mà không phải là hiệp ước chiến lược.

Nga vẫn bày tỏ lo lắng về tham vọng của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng các tham vọng tại các quốc gia Bắc Cực, đến gần với Bắc Băng Dương.

Hiện Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng ở Greenland, nhưng các nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Bắc Cực phần lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Bắc Cực (đặc biệt là Nga). Do đó, nếu Trung Quốc muốn năng lượng thì phải khai thác chung.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, ít có khả năng Nga sẽ thỏa hiệp các lợi ích của mình với Trung Quốc. Có chăng đó sẽ là sự hợp tác mang lại cho Nga những lợi ích chính trị và cả kinh tế.

Đông Phong

Bài Liên Quan

Leave a Comment