Chính quyền Việt Nam ‘vào cuộc’ vụ hạ giải nhà thờ Bùi Chu
.
Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL), vừa gửi văn bản đến Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, yêu cầu cơ quan này “khẩn trương kiểm tra” và “đề xuất giải pháp” cho việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu trước ngày 6/5, sau khi dư luận phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu bảo tồn một trong những ngôi thánh đường lâu năm nhất Việt Nam.
Thông tin về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi Giáo phận Bùi Chu thông báo cho giáo dân về kế hoạch hạ giải ngôi thánh đường 134 năm tuổi vào ngày 13/5 tới để làm nhà thờ mới.
Nhiều trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng đề nghị những người có trách nhiệm tìm cách giữ lại ngôi nhà thờ cổ mà họ cho là một trong những “di sản” kiến trúc và văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong ngày 5/4, người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, nói rằng kế hoạch đại tu nhà thờ Bùi Chu đã được lên kế hoạch từ 5 năm trước (năm 2014), và “hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận” về việc đại tu nhà thờ.
Ông cho biết ngôi thánh đường cổ đang đối diện với nguy cơ đổ sụp, mất an toàn, gây nguy hiểm cho tính mạng của giáo dân. Vì vậy, giáo phận phải ưu tiên “đảm bảo an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản…”.
Vẫn theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, trước khi đưa ra quyết định đại tu nhà thờ, giáo phận đã tham khảo nhiều nơi, trong đó có quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, và thấy rằng kinh phí trùng tu rất tốn kém.
Trước đó, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát nhà thờ Bùi Chu vào ngày 29 và 30/4, và kết luận rằng công trình “chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm”.
Nhóm kiến trúc sư trên cùng với hơn 20 kiến trúc sư khác sau đó đã ký đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét chỉ đạo tạm dừng việc “phá dỡ di sản” để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nói với báo Tiền Phong, một số phần của nhà thờ Bùi Chu được xây dựng chủ yếu từ cát vôi và mật, trần được làm bằng luồng rơm trộn vôi, cát nên “đã hết tuổi thọ”, và giáo phận sẽ dựa vào ngôi nhà thờ cũ để đại tu “từ chi tiết nhỏ nhất”, nên người dân không lo ngại về diện mạo mới của nhà thờ Bùi Chu.
Giáo phận Bùi Chu là nơi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Công giáo Việt Nam. Ngôi nhà thờ chính tòa Bùi Chu được xây dựng dưới thời của Giám mục Wenceslao Onate Thuận và được khánh thành vào năm 1885, với lối kiến trúc kết hợp giữa phong cách Baroque của châu Âu với văn hóa Á Đông, bao gồm nhiều chi tiết điêu khắc cầu kỳ, tinh xảo. Tuy nhiên cho đến nay, ngôi nhà thờ đã được cải tạo hai lần (vào năm 1974 và 2000) vẫn chưa được công nhận là một di sản văn hóa của Việt Nam.
Vào ngày 3/5, một nhóm có tên “Bảo vệ di sản Việt Nam” cũng đã gửi thư cho Giáo Hoàng Phanxicô xin ông “giải cứu” ngôi thánh đường mà theo họ là “không thể thay thế” này.
Nguồn: VOA