Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa sẽ ghi tên 74 hay 75 tử sĩ Hoàng Sa?

LINH NGUYỄN / Người Việt –

Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa sẽ ghi tên 74 hay 75 tử sĩ Hoàng Sa?

.

\"\"
Cựu Hải Quân Trung Úy Nguyễn Ngọc Bạch (trái) và ông Võ Thành Phát tại nhật báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

WESTMINSTER, California  – Con số chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974, đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi, nhất là con số nào sẽ được khắc trên bia tưởng niệm tương lai.

Có 74 hay 75 tên tử sĩ sẽ được khắc ghi trên Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa?

75 tử sĩ “hợp lý hơn”

Hai cựu quân nhân Hải Quân VNCH hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, đến nhật báo Người Việt để trình bày rằng, theo hai ông, con số 75 tử sĩ mới đúng. Đó là quan điểm của cựu Trung Úy Hải Quân Nguyễn Ngọc Bạch, và ông Võ Thành Phát, cựu quân nhân hải quân, Giang Đoàn 30 Xung Phong thuộc Hải Đội 2.

Ông Phát cho biết: “Tôi phục vụ 11 năm trong Hải Quân VNCH. Nếu nói với cái tâm cá nhân tôi thì 74 hay 75 tử sĩ cũng được, nhưng tôi thấy 75 người thì hợp lý hơn, vì nếu thiếu thì thật tội cho một oan hồn. Nhất là sau khi đài tưởng niệm thành hình, mọi người Việt từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến chiêm bái!”

Ông nêu lý do là cuốn Hải Sử Lược Sử Hải Quân VNCH xuất bản năm 2008, ghi danh sách tử sĩ là 74 người, trong đó có ghi tên Trung Sĩ (trọng pháo) Đức (HQ 10) và thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức.

\"\"

“Nên nhớ rằng hai tử sĩ này có tên trong bản tường trình ủy khúc ngay từ đầu, có nghĩa là họ đã được xác nhận!” ông Phát nhấn mạnh.

“Năm 2014 sau chuyến về Việt Nam để gặp mẹ của cố Trung Sĩ Vận Chuyển Phạm Ngọc Đa thuộc HQ 10, tôi là người giao các bằng chứng của gia đình tử sĩ này nên sau đó danh sách đã được cập nhật và thêm tên ông Đa. Như thế, danh sách cũ là 74, nay thêm một thì phải là 75 chứ!” ông khẳng định.

Ông cho xem tài liệu ông in từ các trang mạng và nói thêm rằng: “Trong nước, báo Thanh Niên có lần đăng 74 người; nhưng sau đó, báo Tuổi Trẻ cập nhật là 75 người, vì báo này được người thân của Trung Sĩ Phạm Ngọc Đa cho biết gia đình có giấy chứng nhận tử trận Hoàng Sa của Hải Quân VNCH. Như thế, tổng cộng phải là 75 người!”

“Thêm vào đó, trang web Nam Ròm ở hải ngoại cũng ghi 75 người. Tôi có chụp hình bao thư của anh Đa gởi mẹ khoảng 10 ngày trước khi trận hải chiến xảy ra, và giao lại cho Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long năm 2014 để cập nhật thêm tên Trung Sĩ Phạm Ngọc Đa,” ông Phát nói.

Cựu Hải Quân Trung Úy Nguyễn Ngọc Bạch lúc này góp ý: “Trên YouTube của chương trình Tiếng Hát Hậu Phương số 240, cựu Hải Quân Thiếu Tá Trần Trọng Ngạc, tác giả, ra mắt hồi đầu năm nay, cũng nói con số tử sĩ là 75 người ở phút thứ 17.”

“Riêng tôi, thà dư một người còn hơn thiếu, vô thưởng vô phạt. Tại sao Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long lại nhất quyết là chỉ có 74 người? Lấy tên ai ra và có tư cách gì để lấy tên trong danh sách ra?” ông Bạch thắc mắc.

Ông Phát nhấn mạnh: “Đối với tôi, một cá nhân hay hội này hội kia nói lên con số 74 hay 75, tôi không quan tâm, nhưng vấn đề ở đây là quan trọng khi lấy danh nghĩa của tập thể cựu quân nhân Hải Quân VNCH. Lịch sử cần sự chính xác.”

\"\"
Bản tường trình ủy khúc #121 xác nhận Trung Sĩ (vận chuyển) Phạm Ngọc Đa (HQ 10) tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa. (Hình: Trần Ngọc Minh cung cấp)

Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long: “Chỉ có 74 người được xác nhận”

Được hỏi về con số tử sĩ, ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, xác nhận với nhật báo Người Việt: “Chúng tôi không có câu trả lời riêng cho câu hỏi này, vì chúng tôi chỉ làm việc theo cuốn Hải Sử, sách ghi 74 là 74. Hơn nữa, cuốn Hải Sử này được Ban Hải Sử Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH thu thập, bởi vì các sĩ quan hải quân, và các chi tiết đều được chứng minh trong danh sách kèm theo bản tường trình ủy khúc.”

“Danh sách 74 tử sĩ này, đối với hội chúng tôi, cũng không thể gọi là chung cuộc, vì chúng tôi luôn để mở, ngõ hầu trong tương lai, khi có bổ sung được chứng minh, chúng tôi sẽ cập nhật,” ông hội trưởng khẳng định và nói sẽ gởi danh sách cập nhật theo bản thông cáo sau.

Ông Lăng giới thiệu cựu Hải Quân Đại Úy Trần Kim Ngọc, một thành viên của Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, từng họp thường xuyên với hội, và là người thường tham gia các sinh hoạt cập nhật số tử sĩ Hoàng Sa.

Ông Ngọc nói: “Theo tôi biết, cuốn Lược Sử Hải Quân ghi nhận 74 tử sĩ. Ai thắc mắc về con số này trên bản gốc, nên liên lạc trước với các tác giả của ủy ban biên soạn năm 2008, trong đó có Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San. Phần tôi, tôi chỉ biết về Tuyển Tập Hải Sử của Hội Đồng Hải Sử Hải Quân, xuất bản lần đầu không có tên Trung Sĩ Phạm Ngọc Đa, nhưng sau đó, bản online thì đã ghi thêm tên ông Đa. Gần nhất là trong ngày kỷ niệm Trận Chiến Hoàng Sa năm 2019, bài vị có ghi tên ông Đa rồi.”

Ông giải thích lý do dù có thêm tên ông Đa, danh sách vẫn là 74 tử sĩ, vì sau khi kiểm chứng hai người trên danh sách là Trung Sĩ (trọng pháo) Đức và thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức. Riêng tên Trung Sĩ (trọng pháo) Đức, theo ông, không chứng minh được và cũng không có thân nhân yêu cầu bổ sung.

\"\"
Bản tường trình ủy khúc #156 xác nhận thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức (HQ 10) với số quân và đầy đủ tên, họ, tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa. (Hình: Trần Ngọc Minh cung cấp)

Theo ông Ngọc, bản tường trình ủy khúc (bản tường trình quân nhân tử trận) #157 không hề thấy tên Trung Sĩ Đức (người trong danh sách gốc không ghi họ và không có số quân); trong khi tên thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức trên bản tường trình ủy khúc #121 có ghi tên và số quân 73A/701.604. Anh là xạ thủ đại bác 76.2 ly quá trẻ, không thể mang cấp bậc trung sĩ được, vì số quân cho biết thủy thủ này khi ấy (1974) mới 21 tuổi.

“Như thế, không có Trung Sĩ (trọng pháo) Đức, mà chỉ có thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức. Danh sách gốc cập nhật 74 tên, rồi bỏ đi một tên Trung Sĩ (trọng pháo) Đức; và sau thêm tên Trung Sĩ Phạm Ngọc Đa (có chứng nhận bổ sung của bà mẹ và tên trên bản tường trình ủy khúc #121), nên tổng cộng vẫn chỉ là 74 người,” ông Ngọc giải thích.

Sau đó, ông Phạm Lăng gởi một thông cáo của Hội Hải Quân Cửu Long với nội dung: “Gần đây qua theo dõi các tin tức và tài liệu của nhiều website Hải Quân nhất là từ những tài liệu của Hội Đồng Hải Sử, thuộc Tổng Hội Hải Quân VNCH, đặc biệt tài liệu mang tên ‘Danh sách quân nhân Hải Quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974’ mới được nhật tu vào Tháng Mười Hai, 2017. Hội Hải Quân Cửu Long thấy cần phải xem xét lại con số 75 Tử Sĩ hay 74 Tử Sĩ, và thấy rằng tài liệu trên của Hội Đồng Hải Sử là rất đáng tin cậy với nhiều bằng chức xác thực, do đó chúng tôi đã triệu tập một phiên họp khẩn vào ngày 9 Tháng Hai, 2018, dưới sự chủ tọa của cựu Hải Quân Thiếu Tá Phạm Gia Chính, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Cửu Long, để xem xét, tìm hiểu và thảo luận vấn đề với sự góp ý của đại diện Ủy Ban Hải Chiến Hoàng Sa, cựu Hải Quân Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí và của đại diện Hội Đồng Hải Sử, cựu Hải Quân Đại Úy Trần Kim Ngọc. Cuối cùng qua thảo luận và tìm hiểu cặn kẽ mọi góc cạnh của vấn đề, chúng tôi tất cả mọi Chiến Hữu có mặt đã đồng ý và biểu quyết 100% chọn con số 74 Tử Sĩ Hoàng Sa dựa trên danh sách nêu trên của Hội Đồng Hải Sử.”

“Kể từ ngày 14 Tháng Hai, 2018, Hội Hải Quân Cửu Long chính thức dùng con số 74 để nói về danh sách các Tử Sĩ Hoàng Sa thay vì 75, do đó nếu có bất cứ hội viên nào của Hội Hải Quân Cửu Long dùng con số khác số 74 thì đó không phải là chủ trương của Hội Cửu Long mà là do ý riêng của cá nhân hội viên đó và Hội Hải Quân Cửu Long sẽ không chịu trách nhiệm về việc làm của cá nhân này,” cũng theo bản thông cáo.

\"\"
Mô hình Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa. (Hình: Võ Thành Phát cung cấp)

Danh sách của Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long gởi đính kèm, ghi 74 tử sĩ, có ghi tên Trung Sĩ (vận chuyển) Phạm Ngọc Đa số thứ tự 16 và không có tên Trung Sĩ (trọng pháo) Đức, nhưng vẫn có tên thủy thủ nhất (trọng pháo) Nguyễn Văn Đức, số thứ tự 52.

Yêu cầu mở rộng ủy ban xây dựng Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa

Ngoài ra, về nhận xét mô hình đài tưởng niệm, hai ông Nguyễn Ngọc Bạch, và ông Võ Thành Phát cho rằng “tỷ lệ kích thước của lá cờ VNCH của dự án Đài Tử Sĩ Hoàng Sa cần phải xem lại cho đúng.”

Hai ông yêu cầu ủy ban xây dựng tượng đài “mở rộng cho các hội đoàn khác tham dự, góp ý, vì đó là biểu tượng các anh linh chiến sĩ của dân tộc, không của riêng Hải Quân VNCH.” (Linh Nguyễn)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment