‘Người cha đặc biệt’ của các bệnh nhi ung thư ở Sài Gòn

‘Người cha đặc biệt’ của các bệnh nhi ung thư ở Sài Gòn

.

\"\"
Những bệnh nhi ung thư vui thích khi được nhận quà từ ông Nhất Trí Quang. (Hình: Thanh Niên)

SÀI GÒN, Việt Nam – Suốt tám năm nay, cứ mỗi lần nghe tin có bệnh nhi ở Bệnh Viện Ung Bướu ở Sài Gòn bị “trả về” chờ chết, bất kể ngày hay đêm ông “ba bánh canh” đều có mặt để hỗ trợ giúp gia đình thân nhân đưa bé về quê.

Mỗi khi nhắc đến ông Nhất Trí Quang (tên thật là Lê Thanh Sang, 49 tuổi, ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn) thì gần như các bậc cha mẹ đang chăm con ở Khoa Nhi, Bệnh Viện Ung Bướu ở Sài Gòn, đều biết đến. Ông Quang còn được các bệnh nhi ưu ái gọi tên thân mật là “ba trà sữa” hay “ba bánh canh” bởi vì những việc làm thiện nguyện của ông.

Theo báo Thanh Niên, tám năm nay cuộc sống của ông Quang chỉ xoay quanh việc chăm cha già bệnh nặng và đi làm từ thiện. Công việc thiện nguyện của ông Quang chủ yếu là lo cho các bệnh nhi ở Bệnh Viện Ung Bướu đồ ăn, thức uống từ bánh canh, cơm, đến các loại thức uống như sữa chua, trà sữa… do chính tay ông làm mỗi ngày. Những phần ăn này do chính ông mang đến tận giường, đưa tận tay các bé vì ông biết ai thực sự cần.

“Tôi là đàn ông nhưng trời phú cho biết cách nấu ăn và rất vui khi các bé thích đồ ăn tôi nấu. Tất cả những phần quà mà tôi mang cho các bé đều do tôi tự làm hết. Mỗi lần tôi chuẩn bị khoảng 200 suất ăn để bảo đảm bé nào cũng có phần, còn phần dư ra thì tôi tặng cho các cụ ở lầu trên,” ông Quang cho biết.

Báo Thanh Niên tường thuật, khoảng 7 giờ tối 6 Tháng Năm, 2019, sự xuất hiện của ông Quang với 200 bịch sữa chua do ông làm tặng cho các bệnh nhi khiến không khí tại Khoa Nhi rộn ràng hẳn lên. Một số phụ huynh tươi cười vẫy tay chào khi thấy ông đến như đã thân quen từ lâu.

\"\"
Niềm hạnh phúc của ông Quang là các bệnh nhi khỏe mạnh và thích đồ ăn ông mang đến. (Hình: Thanh Niên)

Mới phát được vài bịch, bỗng có người đến báo tin phòng bên có một bé bị “trả về.” Ông Quang vội bỏ dở công việc, chạy đi ngay.

Người mẹ khóc ngất bên cạnh đứa con mới 4 tuổi, ung thư máu nằm chờ chết, còn người cha thì lo giấy tờ đưa con về ngay trong đêm, cả phòng bệnh lặng đi. Ông Quang móc ra 1 triệu đồng ($43), cả phòng bệnh cũng góp người vài chục ngàn đồng coi như “của ít lòng nhiều” đưa bé về quê.

“Nghe đau lòng lắm nhưng tôi đã quen với việc hằng ngày nghe tin bệnh viện trả các bé về. Như ngày hôm nay, bé vừa rồi là trường hợp thứ ba, bởi lúc trưa đã có đến hai bé tương tự. Thậm chí, có hôm nhận tới 6, 7 trường hợp như vậy. Mỗi trường hợp tôi chỉ có thể giúp 1 triệu đồng vì kinh phí có hạn,” ông Quang nói.

Trong khoảng thời gian tám năm đi làm từ thiện, ông Quang không thể nhớ nổi đã phải chứng kiến bao nhiêu trường hợp đau lòng như trên và bất kể khi nắng mưa, sáng tối cứ hễ nghe tin xấu là ông có mặt.

“Nghe bệnh nhân hay hộ lý gọi báo có bé bị ‘trả về’ là tôi có mặt liền ngay. Ngày xưa tôi còn bị bảo vệ cản, chứ giờ tôi đi nhiều rồi người ta cũng quen,” ông Quang nói.

\"\"
Ông Quang đến hỗ trợ cho một gia đình có bé bị Bệnh Viện Ung Bướu “trả về.” Người mẹ trẻ khóc ngất bên cạnh đứa con trai bé bỏng. (Hình: Thanh Niên)

Anh Trần Quang Trịnh (34 tuổi, quê Phú Yên), người được ông Quang giúp đỡ hơn hai tháng qua kể: “Từ khi tôi đưa con nhập viện đến nay, ngày nào tôi cũng thấy anh Quang vào bệnh viện. Anh ấy tốt lắm, thường lo cho các bé đồ ăn, chút đỉnh tiền mua sữa, bé nào hoàn cảnh khó khăn hay bệnh viện ‘trả về’ là anh ấy đều đến giúp đỡ và động viên tinh thần.”

Nói về công việc thiện nguyện của mình, ông Quang kể, công việc có nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng nhớ nhất là cảm giác được mang đồ ăn đến cho bệnh nhân khi họ thực sự cần, chẳng hạn như những ngày Sài Gòn mưa bảo hay lễ Tết ít người bán buôn.

Cơn bão năm 2018 ở Sài Gòn có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với những người từng được ông Quang giúp đỡ. Bà Triệu Thị Hiệp (50 tuổi, quê Bến Tre), người đã biết ông Quang tám năm nay, kể lại: “Lúc đó, ở đây người ta không có buôn bán, ai cũng lo trú bảo. Nhưng ông Quang đã không ngại mưa gió đem cả trăm phần cơm đến cho các bé và cho cả khoa người lớn nữa. Nhìn ông lúc đó thấy tội, mặc áo mưa mà lên tới nơi ướt nhẹp hết trơn.”

Ngoài những phần cơm, bánh canh cho các bé no bụng, vào mùa Hè nóng nực ông Quang cũng tự tay làm trà sữa và sữa chua. Có lẽ vì những món ăn này mà ông Quang được các bệnh nhi ở đây gọi bằng cái tên thân mật như “ba trà sữa” hay “ba bánh canh.”

\"\"
Cuộc sống của ông Quang hằng ngày là chăm sóc cha và làm thiện nguyện. (Hình: Thanh Niên)

Trả lời thắc mắc về việc hằng ngày chỉ lo chăm sóc cha già bị bệnh và lo nấu ăn cho các bé trong bệnh viện thì lấy tiền ở đâu để sống và làm từ thiện? Ông Quang cho biết là nhờ vào số tiền mình cho thuê mặt bằng trước nhà được khoảng 18 triệu đồng/tháng ($772) và xin các mạnh thường quân hỗ trợ thêm khoảng từ 10 đến 15 triệu đồng ($429 đến $643).

“Tôi không có vợ con nên số tiền đó đủ cho cuộc sống của hai cha con. Còn tiền tôi lo cho các bé là tôi đi xin mạnh thường quân. Sợ nhất là cuối tháng rồi mà trong túi không còn đồng nào. Nhiều lần hết tiền đi xin người ta không cho, có người còn chửi tôi nữa,” ông Quang ngậm ngùi nói.

Ông Quang chia sẻ, động lực để ông tiếp tục công việc thiện nguyện là hằng ngày được thấy các bệnh nhi dần khỏe mạnh, vui vẻ khi nhận đồ ăn từ tay ông làm. Ông cũng không biết vì sao ông lại giúp đỡ người khác, chỉ biết rằng đối với ông bây giờ việc thiện nguyện đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment