Trung Quốc xuất cảng kỹ thuật theo dõi
Ngay tại trung tâm thủ đô Quito của Cộng hoà Ecuador, thuộc khu vực Nam Mỹ, một toà nhà màu xám nổi bật lên trên phần đất đắc địa có thể nhìn thấy hết quang cảnh của thành phố, từ những toà nhà cao mọc lên từ phía dưới thung lũng Andean tới những khu xóm dân cư được xây bám vào các sườn núi bao bọc xung quanh.
Bên trong toà nhà này là nơi làm việc của các nhân viên an ninh, công việc chính của họ là dán mắt vào màn hình của máy điện toán, xem xét các đoạn phim được gửi về từ 4,300 máy quay hình được đặt ở khắp nơi trên đất nước này.
Những máy quay hình cực mạnh gửi những hình ảnh thu được về cho 16 trung tâm giám sát và theo dõi tại Ecuador, nơi có hơn 3,000 nhân viên an ninh túc trực làm việc 24 giờ mỗi ngày. Những nhân viên này được trang bị với những cần điều khiển (joysticks) và các máy quay hình làm việc theo các chuyển động trên những ngón tay của họ, rà soát các con đường để tìm xem nơi nào đang diễn ra những vụ buôn bán bạch phiến, cướp bóc và giết người. Nếu nhân viên an ninh nghi ngờ một nơi nào đó đang có những sinh hoạt bất thường, họ sẽ quay ống kính tới gần sát khu vực bị tình nghi đó.
Những thiết bị này được chế tạo với kỹ thuật được mua về từ một nơi cách xa nửa vòng trái đất và cũng là nơi được mệnh danh là “thủ đô thế giới trong việc theo dõi và giám sát sinh hoạt của người dân”: Trung Quốc.
Hệ thống giám sát của Ecuador, được bắt đầu lắp ráp vào năm 2011, là một phiên bản đơn giản của một chương trình điện toán hoá việc theo dõi người dân trong nước mà chính quyền Bắc Kinh đã chi ra nhiều tỷ Mỹ kim để xây dựng trong hơn một thập niên qua việc nghiên cứu và phát triển kỹ thuật này. Theo lời của chính quyền Ecuador, các đoạn phim thu hình từ máy quay và gửi về cho cơ quan an ninh đều được giám định lại mỗi năm.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của tờ New York Times cho biết những đoạn phim này không chỉ gửi về cho cảnh sát mà còn chuyển tới cho cơ quan tình báo quốc nội đầy quyền lực mà dưới thời của cựu Tổng thống Rafael Correa được sử dụng như một công cụ để theo dõi, đe doạ và tấn công các chính khách đối lập. Thậm chí trong khi chính phủ mới dưới quyền Tổng thống Lenin Moreno hiện nay đang điều tra về các tố cáo lạm dụng quyền lực của cơ quan này, các đoạn phim theo dõi vẫn tiếp tục được gửi về.
Dưới thời Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc đã cho tăng cường chính sách theo dõi sinh hoạt của người dân trong nước, với kết quả là xuất hiện một thế hệ các công ty mới có khả năng chế tạo được những kỹ thuật theo dõi tinh vi hơn gấp bội trong khi vẫn giữ được giá thành thấp. Rồi đề án xây dựng hạ tầng cơ sở toàn cầu (Một vành đai, Một con đường) tiếp sức thêm để đưa kỹ thuật này lan đi xa hơn nữa.
Trường hợp của Ecuador cho ta thấy kỹ thuật theo dõi được xây dựng lên cho hệ thống chính trị của Trung Quốc nay đang được áp dụng, và nhiều khi bị lạm dụng, ra sao bởi nhiều chính phủ khác trên thế giới. Hiện đã có 18 quốc gia – bao gồm Zimbabwe, Uzbekistan, Pakistan, Kenya, Các Tiểu vương quốc Ả Rập và thậm chí kể cả nước Ðức – đang sử dụng các hệ thống theo dõi do Trung Quốc chế tạo, và có 36 nước đã qua các chương trình huấn luyện về các đề tài như “hướng dẫn dư luận quần chúng”, mà theo một phúc trình Tháng 10 vừa qua của Freedom House, một tổ chức nghiên cứu dân chủ, thực sự ra chỉ là để huấn luyện các kỹ thuật kiểm duyệt trong nước.
Với các loại thiết bị theo dõi của Trung Quốc nay đang được xuất cảng tới nhiều nơi trên thế giới, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo rằng kỹ thuật theo dõi này có thể hỗ trợ và đặt nền móng cho tương lai của các chế độ độc tài được hỗ trợ bởi kỹ thuật, và có tiềm năng đưa đến tình trạng người dân bị tước mất quyền riêng tư ở một mức độ quy mô. Kỹ thuật theo dõi này thường được mô tả như là hệ thống an ninh công cộng, nhưng mặt trái của nó là được sử dụng như những công cụ đàn áp chính trị, như đã thấy xảy ra ở nhiều nơi mà Ecuador là một trường hợp điển hình.
Có thể nói Trung Quốc hiện đang gần như một mình chiếm lĩnh thị trường hắc ám này. Và những món tiền vay mượn do Bắc Kinh hỗ trợ đã giúp xuất cảng kỹ thuật theo dõi này tới những quốc gia trước đây không có đủ khả năng tài chánh để mua, trong khi hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc tìm đủ mọi cách lấp liếm, che đậy những hợp đồng thiếu minh bạch và phủi tay trách nhiệm trong việc lắp đặt và sử dụng kỹ thuật này.
Như trong trường hợp của Ecuador, với một hợp đồng được hoàn tất vào Tháng 2 năm 2011, kèm trong đó là cam kết bảo đảm những món tiền cho vay từ Bắc Kinh, chính quyền Ecuador đã đưa bút ký vào mà không qua một tiến trình đấu thầu nào. Quốc gia Ecuador nhận được hệ thống theo dõi do Trung Quốc thiết kế và được tài trợ bởi tiền vay mượn của Trung Quốc. Ðể đổi lại, Ecuador trả nợ bằng một trong những món hàng xuất cảng của họ là dầu hoả.
Lối làm ăn này ngày càng trở thành một thứ thông lệ đã rồi. Ðể đổi lấy tín dụng cho việc xây dựng cơ sở theo dõi với tổng chi phí lên tới $19 tỷ, Ecuador đã ký sang nhượng một phần lớn lượng dự trữ dầu hoả của quốc gia.
Những hoạt động của kỹ thuật theo dõi này cũng đã gây sự chú ý từ những quốc gia láng giềng với Ecuador. Theo lời thuật lại của một giới chức Ecuador từng làm việc trong dự án xây dựng hệ thống theo dõi vào năm 2013, một số giới chức chính quyền Venezuela đã đến xem hệ thống. Và với nỗ lực thúc giục bởi nhân vật từng đứng đầu cơ quan tình báo dưới thời Hugo Chavéz, Venezuela đã ký hợp đồng mua một phiên bản lớn hơn hệ thống của Ecuador, với mục tiêu lắp đặt khoảng 30,000 máy quay hình. Bolivia là quốc gia kế tiếp đi theo hai quốc gia vùng Nam Mỹ nói trên.
Tuy nhiên, tham vọng của Bắc Kinh còn muốn đi xa hơn giới hạn xuất cảng kỹ thuật theo dõi tới những quốc gia trên. Ngày nay, cơ quan an ninh trên khắp lãnh thổ Trung Quốc ngày ngày thu thập thông tin từ hàng nhiều chục triệu máy quay hình, và hàng tỷ hồ sơ các hoạt động kinh doanh, sử dụng internet và du lịch, để theo dõi mọi hoạt động của công dân trong nước họ. Một danh sách theo dõi trên toàn quốc những công dân Trung Quốc được gắn nhãn hiệu là những người có thể là tội phạm và có tiềm năng khích động chính trị trong tương lai bao gồm từ 20 đến 30 triệu người – nhiều hơn dân số 16 triệu của Ecuador.
Một ví dụ điển hình nhất cho việc sử dụng kỹ thuật theo dõi của chính quyền Trung Quốc là tại khu vực Tân Cương, nơi mà kỹ thuật mới nhất hiện nay là nhận dạng khuôn mặt (facial recognition) đang được cài đặt vào trong mạng lưới máy quay hình theo dõi thật quy mô của Trung Quốc, để theo dõi 11 triệu người thiểu số Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) dựa trên hình dạng bề ngoài và lưu lại hồ sơ từng đường đi nước bước của họ để sau này khi cần thì hệ thống an ninh của Trung Quốc có thể truy tìm và duyệt xét lại dễ dàng mà không mất nhiều thời gian.
Theo một phóng sự điều tra của tờ New York Times, trung bình mỗi tháng, hệ thống theo dõi của Trung Quốc rà xét khoảng 500,000 khuôn mặt, trong đó một phần không nhỏ là những người Uighurs. Trung Quốc đã dành ra một khoản ngân sách khá lớn để theo dõi người Uighurs, lấy lý do vì có bạo động sắc tộc tại Tân Cương và các tay khủng bố gốc Uighurs đã từng tổ chức những cuộc tấn công vào một số nơi. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã bỏ tù nhiều trăm ngàn người Uighurs tại Tân Cương vào trong những nơi mạo danh là “trại cải tạo”.
Có thể nói việc Trung Quốc xuất cảng kỹ thuật theo dõi cũng không khác gì họ đang xuất cảng chính sách kiểm soát và đàn áp người dân trước kia đã từng được áp dụng ở Liên Sô dưới thời Stalin hay tại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Ðông hoặc tại miền Bắc Việt Nam trước 1975, nhưng nay có phần tinh vi hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật.
Và như có người đã lên tiếng cho rằng các hoạt động này của chính quyền Trung Quốc, ở một mức độ nào đó, có thể được xem như một cuộc khủng hoảng khá cấp bách mà nếu không ai chịu lên tiếng thức tỉnh cũng có nghĩa là chúng ta đang tự nguyện mộng du vào trong cuộc khủng hoảng đó.
VH
Arlington, TX