Trung Quốc “xuất khẩu” không khí ô nhiễm sang châu Âu

Trung Quốc “xuất khẩu” không khí ô nhiễm sang châu Âu

Thùy DươngĐăng ngày 07-05-2019

\"media\"/

(Ảnh minh họa) Một nhà máy nhiệt điện gần Bắc Kinh. Từ năm 2018, Trung Quốc hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng đẩy mạnh đầu tư các nhà máy loại này ở nước ngoài.REUTERS/Jason Lee

Dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc được chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Trong thượng đỉnh thứ hai về \”Con đường tơ lụa mới\”, quy tụ 500 đại diện từ 123 nước về Bắc Kinh, Tập Cận Bình cho biết có hàng ngàn dự án được triển khai trong khuôn khổ siêu dự án. Từ năm 2012 đến năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào các nước tham gia dự án đã vượt quá 80 tỉ đô la. Trong số hàng ngàn dự án đó, Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực nhiệt điện than.

Trong bài viết “Trung Quốc đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than tại châu Âu”, báo Le Monde cho biết theo một nghiên cứu của Viện Kinh Tế Năng Lượng và Phân Tích Tài Chính (IEEFA), các tổ chức, cơ quan tài chính của Trung Quốc tham gia vào ¼ số dự án nhiệt điện than trên toàn thế giới, trong khi đó nhiệt điện than lại là thảm họa cho khí hậu, vì các nhà máy phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và gây ô nhiễm không khí.

Ở trong nước, sau khi đạt mức khánh thành 1 nhà máy nhiệt điện than mỗi ngày, vào năm 2018, Bắc Kinh quyết định hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện than, vốn cung cấp 60% lượng điện cho cả nước. Chính sách “bầu trời xanh” đã thúc đẩy nhiều vùng hạn chế mạnh việc sử dụng than đá, giảm nhịp độ xây thêm nhà máy nhiệt điện than, thúc đẩy sử dụng khí ga và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang xuất khẩu ngành công nghiệp nhiệt điện than. Nhiều nước như Việt Nam, Bangladesh hoặc Pakistan đều xây dựng nhà máy nhiệt điện than với sự “hỗ trợ” của các ngân hàng Trung Quốc.

Theo tổ chức Sustainable Energy của Đan Mạch, khoảng 10 nhà máy nhiệt điện chạy than ở các nước Nam Âu đang được Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng Balkan. Một số dự án của Trung Quốc có thể được triển khai ở các nước trong lòng Liên Hiệp Châu Âu, chẳng hạn Rumani, Hy Lạp, cho dù Liên Âu có những mục tiêu quan trọng về bảo vệ khí hậu. Theo tổ chức Bankwatch, hầu như tất cả các nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng ở nước ngoài đều không tuân thủ các quy định về môi trường hoặc được hưởng sự hỗ trợ, vẫn còn gây tranh cãi từ chính quyền các nước đó.

Ông Wawa Wang, tư vấn viên của tổ chức phi chính phủ Sustainable Energy của Đan Mạch cảnh báo là việc triển khai các dự án xây nhà máy nhiệt điện than nói trên có thể khiến các quốc gia mắc kẹt vào việc sử dụng than đá trong hàng trăm năm và rất khó hoàn trả cho Trung Quốc các khoản vay nợ, còn môi trường sẽ bị phá hủy đến mức không thể phục hồi được.

Cho dù là dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có đề ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường, nhưng theo ông Jonathan Elkind, thuộc Trung tâm nghiên cứu năng lượng, Đại học Columbia, Hoa Kỳ, thì yếu tố môi trường không được nhấn mạnh là “thiết yếu” trong các tài liệu định hướng của dự án “Vành đai và con đường”, thêm vào đó, không có điều nào ghi rõ là các dự án dẫn tới việc phát thải nhiều khí CO2, chẳng hạn các dự án xây nhà máy nhiệt điện than, bị cấm. Chuyên gia Jonathan Elkind nhấn mạnh Bắc Kinh phải nhanh chóng xem xét lại chính sách này, nếu không các đầu tư trong khuôn khổ dự án “Vành đai và con đường” sẽ có những tác động nghiêm trọng tới môi trường, ở tầm mức quốc gia, cũng như trong khu vực và trên toàn cầu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment