Cựu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo ‘hiểm họa Trung Cộng’
.
HÀ NỘI, Việt Nam – Mạng xã hội đang lan truyền thư ngỏ viết tay được cho là của Thiếu Tướng Quân Đội Nguyễn Trọng Vĩnh, đại sứ CS Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, lên tiếng về tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Là một người có hơn một thập kỷ công tác ngoại giao tại Trung Quốc, đương nhiên ông Vĩnh được xem là người hiểu khá rõ về mưu đồ của Trung Quốc trong dự án đầu tư vào cao tốc Bắc Nam.
Lá thư của vị quan chức ngoại giao kỳ cựu của CSVN năm nay 104 tuổi, viết: “Cao tốc Bắc–Nam là một đại dự án có liên quan đến vận mệnh quốc gia và tiêu tốn đến con số chục tỉ đô la. Lại nghe nói có nguy cơ rơi vào tay một tập đoàn lớn của Trung Quốc, tôi rất bức xúc. Trước đây, trong cuốn sách ‘Phải Trái Sự Đời’ của mình, tôi đã viết hơn 50 bài vạch rõ các âm mưu xâm lược mềm của tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc với nước ta, cả ý kiến về biện pháp, sách lược để hóa giải nguy cơ xâm lược mềm của họ…”
“Vay tiền của Trung Quốc và để Trung Quốc vào làm đường cao tốc Bắc–Nam thì đại đa số người dân không đồng tình, do đó phải suy nghĩ lại. Thời gian kéo dài, sử dụng một lượng nhân lực lớn rải khắp mặt tiền của nước ta, vậy nghĩa là gì? Sẽ có biết bao nhiêu người Trung Quốc cả có phép lẫn không phép, cả dân sự lẫn quân đội trà trộn vào? Phía Việt Nam đã từng ký bao nhiêu hợp đồng lỏng lẻo, dại dột với Trung Quốc để cho họ tự tung tự tác lấn át chủ quyền của ta rồi?,” thư của ông Vĩnh ghi.
“Tôi xin hỏi các tướng lĩnh, chỉ huy lãnh đạo quân đội, đã am hiểu cả về chiến lược chiến thuật, các vị nghĩ sao? Chẳng lẽ không chút lo lắng, không nhận thấy hiểm họa đối với an ninh quốc phòng nếu để Trung Quốc làm đường Bắc –Nam và vay vốn Trung Quốc ư? Tôi tha thiết mong các cựu chiến binh lão luyện trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, hãy quan tâm và nêu ra ý kiến về nguy cơ này. Đừng thờ ơ!,” ông Nguyễn Trọng Vĩnh viết trong lá thư đang nhận được nhiều lượt share trên mạng xã hội.
Sở dĩ lá thư đề ngày 10 Tháng Tư, 2019 nhưng đến nay mới được công bố là do ông Vĩnh được cho là “đã nhờ gửi tận tay một số tướng lĩnh, cựu chiến binh nhưng không nhận được hồi âm” nên ông cậy nhờ các trang mạng đăng tải rộng rãi.
Mối liên hệ giữa tuyến cao tốc Bắc–Nam và nhà thầu Trung Quốc được cho là đề tài nhạy cảm, nên dễ hiểu vì sao truyền thông nhà nước “ngó lơ” bức thư của ông Vĩnh.
Đến nay, điều khiến công luận tức giận là các thông tin về tuyến cao tốc Bắc–Nam được đăng tải khá nhỏ giọt và mập mờ trên các báo nhà nước.
Tờ VnEconomy hôm 27 Tháng Tư cho biết: “Theo Thứ Trưởng Giao Thông-Vận Tải Nguyễn Nhật, mới chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam. Các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà. Các nhà đầu tư lớn có ba yêu cầu mà Việt Nam không đáp ứng được, đó là bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi tỷ giá và bảo lãnh rủi ro chính phủ. Với lý do này, các nhà đầu tư lớn họ không vào, đặc biệt là từ các nước phát triển”.
Phát ngôn của ông Nhật rằng “cái khó của tám dự án BOT cao tốc Bắc-Nam hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định” cũng làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội và được cho là chỉ dấu “bật đèn xanh” cho nhà thầu Trung Quốc vào làm tuyến cao tốc Bắc–Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Đấy là những quy định gì, ai đưa ra, chuẩn mực nào hay mù mờ, phức tạp đến nỗi các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà, và duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất? Nếu còn những bất cập như các quy định về BOT [liên quan đến cao tốc Bắc-Nam] thì sửa nhanh. Nếu không bất cập, sao các quy định đó lại loại ngay từ đầu các nhà đầu tư tư nhân trong nước với lý do ‘không đủ khả năng’, rồi loại luôn các nhà đầu tư nước ngoài khác, chỉ còn các nhà đầu tư Trung Quốc? Lúc này, chuyện rõ ràng ràng, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tai tiếng đang dời tiến độ lần thứ 10 kìa. Liệu nhà đầu tư có ‘truyền thống’ kém tuân thủ bậc nhất, từng vi phạm đủ mặt (tài chính, tiến độ, chất lượng, lao động, môi trường…) hứa hẹn gì trong đại công trình này?”
Theo các báo Việt Nam, toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam có chiều dài 2,109 km, trong đó đến năm 2020 “sẽ phấn đấu hoàn thành 2,000 km cao tốc”.
Nguồn: Người Việt