Quà vặt Sài Gòn ngày trước

Chuly sưu tầm

Lâu ngày đám bạn chúng tôi cùng gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất về thuở còn nghèo khó. Nhưng lạ chẳng ai than thở những nỗi khó khăn kinh tế thời cuộc mà lại nhớ nhiều đến mấy món ăn quà vặt từ ngày xa xưa. Mỗi người một nỗi nhớ từ cái bánh tráng khoai mì tròn như lòng bàn tay con nít chấm muối ớt cho đến cuốn bò bía bằng ngón tay cái người lớn chấm tương ớt cay sè. Nhớ nhất là món bánh mì thịt ba rọi giá 5 đồng một ổ. Sau bao nhiêu năm cuộc sống có thêm nhiều món ngon vật lạ, lại hỏi mấy thứ quà vặt cỏn con ngày ấy còn ngon không. Ai cũng bảo, ngon quá đi chớ. Nó ngon từ trong nỗi nhớ!

\"Quà
Bánh mì món ăn đường phố ai cũng thích. Ảnh: Dick Hugley

Nhớ đầu xóm tôi có xe bánh mì buổi sáng. Một trong những món ăn sáng rẻ tiền cho người lao động. Ổ bánh mì thịt giá 5 đồng đủ mua được hai ba củ khoai mì chấm muối đậu phộng trộn dừa nạo hay một gói xôi bắp thơm mùi hành phi phết thêm đậu xanh nấu tơi tán nhuyễn. Xe bánh mì đó của nhà thằng bạn cùng học chung trường tiểu học với tôi, cho nên mỗi lần ra ngõ mua ổ bánh mì trét mỡ hành kèm hai miếng dưa leo thái mỏng chan nước tương, là chị thằng bạn nhét thêm vài ba miếng thịt ba rọi thái sợi to như đầu đũa. Một ổ bánh mì thịt cũng như ai, gói lơ khơ trên miếng giấy báo cắt nhỏ, ăn xong vo miếng giấy lau sơ cái miệng dính đầy dầu mỡ.

Nghĩ lại ngày nay có mấy ai dám ăn ba rọi như ngày xưa chỉ có một lớp thịt mỏng chừng móng tay chạy ngang trên miếng mỡ trắng dày có lớp da nhuộm màu cam đỏ. Những miếng thịt mỡ nhỏ mằn mặn ngon lạ lùng ăn kèm với thứ mỡ hành thơm nức mũi khi nhai trúng miếng tóp mỡ vàng rụm giòn giòn. Đôi khi má tôi cho thêm chút tiền thì ghé đít xuống ghế xẹp (ghế đóng đơn giản bằng ba miếng gỗ thấp gần sát mặt đất để ngồi ở mấy gánh hàng rong) ăn tô mì nước bình dân của bà già Tàu xóm trên gánh xuống đường hẻm nhà tôi ngồi bán điểm tâm buổi sáng. Nhưng đó là chuyện ít khi, đối với tôi ổ bánh mì thịt mỡ gần như là trọn năm trọn tháng. Xe bánh trước nhà thằng bạn không chỉ bán bánh mì thịt còn có món xíu mại, cá mòi, có khi má nó làm thêm món patê hay xúc xích. Nhưng với 5 đồng bạc xu hình bông mai, thử hỏi mua được thêm thứ gì vào cái thời củi quế gạo châu của đầu thập niên 1970?

\"Quà
Bò bía bán kiểu người Tàu không có nước chấm tương ớt riêng. Ảnh: Manhhaiflick

Nói đến xúc xích, cái thứ mà tôi thích nhất. Nó không phải là quà vặt ăn chơi hay dành cho mấy ông nhậu ba xị đế mà là thứ xắt sợi để nhét vào bánh mì thịt nguội. Hình như ổ bánh mì thịt nguội có thêm xúc xích làm tăng cái mùi vị cho bánh mì thịt thêm ngon. Ổ bánh mì lúc này sang trọng hơn có trét mayonnaise (làm từ lòng đỏ trứng gà chứ không phải loại bơ Pháp), kế đến là lớp mỏng patê, thêm vài ba lát thịt nguội, chả lụa, dưa leo, vắt lên trên vài sợi hành trần xanh xanh trắng trắng, cọng ngò rí thơm lừng, vài ba lát ớt đỏ tươi, thế là ổ bánh mì trở nên ngon tuyệt. Ổ bánh mì hoàn hảo thoát thai từ món quà vặt ăn sáng có thể ăn trưa ăn chiều ăn cho no như một loại thức ăn đường phố chính hiệu.

Đến lúc này, đám bạn lại xôn xao vào món bánh mì không chỉ có nhân thịt mà bây giờ nhân bánh có hàng chục loại khác nhau phải có thực đơn rõ ràng. Từ quá khứ qua hiện tại chỉ một thoáng thôi. Bánh mì được vinh danh là một trong những món ăn đường phố ngon và rẻ tiền. Chẳng thế mà mấy ông tây bà đầm đến Sài Gòn (mà đâu chỉ có ở Sài Gòn cả nước Việt Nam, ai cũng đều khen “number one”. Có lẽ vì thế mà “bánh mì” được ghi tên vào cuốn từ điển Oxford (ngày 24/3/2011) cũng như “phở”, “nước mắm” đã nằm chình ình trong cuốn từ điển Larousse từ lâu.

Mấy thằng bạn bảo ngon một phần là nhờ bánh mì xốp, nóng giòn, không to và đặc ruột như bánh mì baguettes, không nhỏ như bánh mì con cóc một dạo ngày xưa ở Sài Gòn, các lò làm bánh tung ra sản phẩm mới bên cạnh chiếc ổ bánh mì truyền thống dài chừng gần ba tấc trước đây. Rồi đến ổ bánh mì “lỡ”, bánh mì “lớn” cỡ gang tay hay to gần gấp đôi bánh mì truyền thống thường bán ở các bến xe bến phà. Nhưng kiểu nào thì kiểu, ổ bánh mì cầm phải gọn tay, vỏ giòn, ruột mềm chứ không quá rỗng ruột để nhét nhân vào cho vừa căng no ổ bánh. Mấy thằng bạn về Sài Gòn chơi chẳng nghe ai chê bánh mì mà cứ khen ngon quá là ngon!

\"Quà
Bánh cam bán dạo ở Sài Gòn. Ảnh: Rodger Felters

Nãy giờ tôi nhắc hơi nhiều đến hai chữ bánh mì nhưng thật sự đó là món ngon khỏi phải chê. Một món ngon quà vặt khác không thể bỏ qua khi nhắc đến ai ai cũng biết. Bò bía. Ngoài những ông Tàu bán bò bía trên chiếc xe con đẩy tay đi dạo khắp phố phường, còn một chỗ tập trung chuyên bán bò bía ngày xưa, đó là Công trường Hồ Con Rùa. Ở chỗ này có rất nhiều xe bò bía của người Sài Gòn. Công thức bò bía của người Tàu và người Việt gần giống nhau. Bò bía người Tàu thường không chấm tương riêng mà lại quệt chung vào bánh tráng. Có lần tôi cùng ba tôi ghé thăm người bà con ở cầu Cây Gõ tuốt trong xóm lò Lu. Thấy ông già Tàu bán bò bía làm mấy cuốn bò bía mà tôi thèm nhớ đến giờ. Ông lấy miếng bánh tráng cắt một phần tư không có nhúng sơ nước cho mềm mà lại dùng que nẹp tre nhỏ quệt tương đen, tương ớt trên miếng bánh tráng, bóc tay thả vào nhúm đậu phộng rang giã vụn, rồi đặt vài ba lá húng quế, củ sắn hấp nóng, vài ba lát lạp xưởng, nhúm tôm khô nhỏ chấy giòn, cuộn lại một cuốn nhỏ bằng ngón tay cái. Mua mấy cuốn thì cuộn mấy cuốn, cuốn bò bía không phải nguội mà còn nóng hôi hổi đọng trên đầu lưỡi, ăn thật đã thèm. Người Việt mình thường làm nước chấm riêng trộn nhiều hành hương phi vàng và đậu phộng rang giã nhuyễn.

Ông bạn lớn tuổi cùng nghề dạy học với tụi tôi ngồi nghe gật gù góp thêm ý kiến, bò bía tàu hay ta đều ngon, lại còn có món gỏi đu đủ khô bò bán dọc theo đường Hồng Thập Tự trước Công viên Tao Đàn. Gỏi đu đủ ngon nhờ gan bò khô nhưng ông không khoái lắm, thích hợp cho mấy bà mấy cô và các em gái nhỏ. Với ông, khi nghe tôi nhắc đến đậu phộng rang giã nhuyễn trong món bò bía thì ông đố tôi có biết món ăn quà vặt bằng đậu phộng ngoài rang húng lìu (kiểu miền Bắc) rang nước tương, rang muối, đậu phộng nấu nguyên vỏ, kẹo đậu phộng còn món gì nữa không. Bọn tôi đành tắc tị. Ông kể hồi còn nhỏ quê ông ở Đức Hoà chuyên trồng đậu phộng, loại đậu hạt nhỏ bằng ngón tay út chứ ngày nay ai cũng thích mua đậu phộng hạt to. Người nhà quê luộc đậu chín tách hột đem phơi khô, hạt đậu teo lại nhỏ xíu bằng hạt đậu đen, ăn giòn giòn béo béo, càng ăn càng ghiền. Đó là món quà vặt mê thích của trẻ con ở miền quê ông. Nhưng trong thời gian dạy học ở Sài Gòn ông mới tìm ra một chỗ bán đậu phộng như thế ở một quán rượu bình dân khiến ông ngày nào cũng tới đó nhâm nhi vài ba xị nếp cùng bạn bè đồng nghiệp. Ông nhớ quán rượu cây Lý trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kim. Sở dĩ có tên cây Lý không phải rượu đế ngâm trái lý thơm lừng mà là trước quán nhậu bình dân ngồi ghế đẩu ngoài hiên có cây Lý già toả bóng. Rượu nấu bằng gạo lức, màu nâu sữa, uống say đằm không hổn. Vài ba xị lâng lâng đi về chứ không như tiệm rượu Vĩnh Tồn Tâm ở khu Chợ Cũ Sài Gòn có loại rượu ngon nhưng cực mạnh, uống vào vài ba xị là cho chó ăn chè.

\"Quà
Xe hủ tiếu bò viên gõ trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Manhhaiflick

Ông kể đậu phộng bán đong bằng chung, chẳng có thứ nào khác ngoài một món đậu phộng. Hôm nào gặp bạn nhậu khó tính, đòi thêm phá lấu, phải chạy ra đường Nguyễn Tri Phương, ghé ông Tàu bán phá lấu bên hông chợ mua mấy que. Phá lấu mấy ông Tàu làm thơm ngon hết sẩy, chấm thêm miếng tương ớt nhậu hay ăn kèm bánh mì rất bắt mồi. Có một lần ông đến mua, thấy mấy đứa nhỏ đường phố giở trò “đá cá lăn dưa”. Một thằng nhóc lại mua mấy que thì vừa lúc thằng nhỏ khác lại gây chuyện đánh lộn. Ông Tàu thấy vậy can ngăn, hai thằng né qua né lại một hồi thì thằng mua cầm mớ phá lấu bỏ chạy, thằng kia rượt theo chạy mất. Ông Tàu chỉ còn há miệng ngó theo.

Quà vặt Sài Gòn nhiều vô số, tuỳ theo điều kiện cuộc sống mỗi người mỗi giới mỗi độ tuổi lại có sở thích khác nhau. Học sinh thì lại thích gỏi đu đủ khô bò, chè đậu xanh đậu đỏ bán bên hông chùa Xá Lợi vì có trường Gia Long đối diện. Người thích ăn đêm lại nhớ nhung tô mì gõ hay tô bò viên nóng hổi vừa thổi vừa ăn giữa cơn mưa mùa hè bất chợt. Có người lại thích bánh cam, bánh tầm hay khơi khơi giữa đêm mà nghe tiếng rao “ai chí mà phủ” lại thèm tàu hủ đường nước cốt dừa bán chén. Cũng như ông bạn tôi ngồi nghe kể chuyện quà vặt Sài Gòn lại chợt nhớ đến mấy xị rượu cây Lý năm xưa chẳng ăn nhằm gì thứ quá vặt rẻ tiền mớ đậu phộng luộc phơi khô ăn chơi lạ miệng chỉ hợp khẩu vị cho việc đưa cay.

Nhưng tất cả đều là nỗi nhớ chan đầy kỷ niệm một thời còn khó khăn, còn thiếu thốn, còn chưa làm ra tiền ở tuổi học trò như chúng tôi hồi ấy. Cái gì cũng ngon, kể cả tiếng rao ngân dài của cụ bà người Bắc bán huyết heo luộc mỡ hành ăn cùng giá trụng rau thơm nước mắm cay chua ngọt. “Ai huyết heo… không?”. Nghe mà thèm lắm!

Trang Nguyên
Đăng lại từ Báo Trẻ Online (Baotreonline.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment