Chống dự án điện mặt trời, dân Bình Định bị công an bố ráp
.
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam – Người dân phía Đông huyện Phù Mỹ lại phản đối chống việc xây dự án Nhà Máy Điện Mặt Trời Đầm Trà Ổ, đặt ở xã Mỹ Lợi. Tuy nhiên, lần này chính quyền địa phương không “đối thoại” mà đổ quân xuống bố ráp.
Kéo dài từ đầu Tháng Tư, 2019 đến nay, hàng trăm người dân thôn Châu Trúc, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) dựng lều bạt, cắm trại tại đầm Trà Ổ để phản đối Dự án Nhà Máy Điện Mặt Trời Đầm Trà Ổ, với tổng vốn đầu tư 1,440 tỷ đồng ($61.67 triệu), trên diện tích khoảng 60 hécta do Công Ty Cổ Phần Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam làm chủ đầu tư.
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, hôm 8 Tháng Năm, khi đơn vị thi công của chủ đầu tư đưa máy móc, phương tiện đến mở đường vào đầm Trà Ổ đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của người dân sống ven đầm.
Một vài video clip được Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) đưa trên trang Facebook cá nhân cho thấy, nhiều người dân nơi đây đã bị lực lượng Cảnh Sát Cơ Động hùng hậu của tỉnh Bình Định bố ráp bắt giữ.
Theo trình bày của người dân với báo chí Việt Nam, nguyên do bởi đây là cái đầm lớn thứ hai của tỉnh Bình Định với hàng trăm chủng loại thủy sản tôm,cua, cá nước ngọt và có giá trị kinh tế cao. Nhiều người lo ngại, các tấm năng lượng mặt trời che lại hết không thể nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và làm nông nghiệp.
Nếu dự án này được thực hiện, đồng nghĩa với việc người dân đang sống ven đầm sẽ mất ngư trường, mất môi trường mưu sinh của bao thế hệ với hàng ngàn gia đình tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lơi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ. Riêng thôn Châu Trúc, xã Mỹ Lợi, đã có 342 gia đình với 90% thu nhập nhờ vào đầm Trà Ổ.
Ông Bùi Xuân Bộ, trưởng thôn Châu Trúc, khẳng định với báo Người Lao Động: “Không có sự kích động gì, chỉ là dân thấy ảnh hưởng đến lợi ích, đời sống của họ nên ra cản trở. Người dân Châu Trúc, sinh con đẻ cái, nuôi con lớn lên đến bây giờ đều nhờ vào vùng đầm này. Vì thế không thể nói, giao là giao được. Xưa nay họ hành nghề truyền thống như đánh bắt lưới chài, bắt tôm cá. Đầm có triển vọng để tiếp tục nhân mô hình nuôi loại cá chình mun, đặc sản có từ trước của đầm. Nếu đầm này được bảo vệ tốt, có định hướng về lâu dài thì sẽ mang lại thu nhập rất ổn định cho người dân nơi đây.”
Trong khi đó, nói với báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Trần Châu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, cho rằng có khoảng 45 gia đình hành nghề xung điện xiệc máy, lưới lồng trên đầm Trà Ổ đang đòi quyền lợi. Nhưng do Luật Thủy Sản nghiêm cấm việc sử dụng loại hình “đánh bắt hủy diệt” này nên địa phương đang tập hợp các gia đình để bồi thường, chuyển đổi ngành nghề. “Sắp tới chính quyền sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề 10 triệu đồng/hộ ($428).”
Còn ông Lê Đức Thoa, giám đốc Công Ty Cổ Phần Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam, chủ đầu tư dự án cam kết “dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường, tôm cá, sinh thái trên đầm Trà Ổ.”
Trước đó, hồi Tháng Sáu, 2018, khi nhà đầu tư khảo sát để tiến tới xây dựng dự án này, người dân các địa phương trong vùng đã kéo đến cản trở, không cho khảo sát.
Đến ngày 5 Tháng Mười Một, 2018, ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, có buổi “đối thoại” với người dân xã Mỹ Lợi về dự án nhưng không đưa ra được sự cam kết chắc chắn nào về việc thay đổi của dự án cũng như đời sống của người dân sau khi khởi động để thuyết phục mọi người.
Nguồn: Người Việt