CSVN giúp bắt 3 nhà hoạt động Thái Lan để đổi lại vụ dẫn độ Trương Duy Nhất?

CSVN giúp bắt 3 nhà hoạt động Thái Lan để đổi lại vụ dẫn độ Trương Duy Nhất?

.

\"\"
Đến nay CSVN vẫn chưa công khai chi tiết vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất. (Hình: Facebook Trương Duy Nhất)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Gần bốn tháng sau vụ blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Bangkok rồi dẫn độ về nước, tờ Guardian của Anh hôm 10 Tháng Năm cho hay, ba nhà hoạt động Thái Lan đang đối mặt với cáo buộc tội “Khi quân” được cho là đã bị bắt tại Việt Nam và trao trả cho chính quyền Thái Lan.

Ba nhà bất đồng chính kiến này trước đó đã bỏ trốn và tiếp tục phát sóng trên các kênh radio và YouTube với nội dung chống chế độ quân chủ và chính quyền quân đội Thái Lan. Họ là Chucheep Chiwasut (còn được biết đến với biệt danh “chú Sanam Luang), Siam Theerawut và Kritsana Thapthai đã bị chặn lại sau khi vượt biên từ Lào vào Việt Nam hồi Tháng Tư, và được ghi nhận dùng hộ chiếu giả.

Theo Tổ Chức Human Rights Watch (Theo Dõi Nhân Quyền, HRW), Việt Nam đã trao trả ba nhà bất đồng chính kiến này chính quyền Thái Lan vào ngày 8 Tháng Năm và biệt tích kể từ thời điểm đó, và không có sự thừa nhận nào về việc bắt giữ được loan báo.

Phó Thủ Tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan bác tin ba nhà hoạt động nêu trên đang bị giam giữ tại Thái Lan.

Brad Adams, giám đốc điều hành khu vực Châu Á của Châu Á bình luận: “Việc CSVN âm thầm ép buộc ba nhà hoạt động Thái Lan trở về nước họ gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng quốc tế.”

Hành động này của CSVN khiến ba nhà hoạt động Thái Lan phải đối mặt với bản án lên tới 15 năm tù theo Điều 112 của Bộ Luật Hình Sự Thái Lan về người vi phạm hành vi xúc phạm nhà vua hoặc hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính.

Có tin cho rằng Chucheep, người bị chính quyền Thái Lan truy nã gắt gao, định vượt biên vào Việt Nam vì ông ta và những nhà hoạt động lưu vong khác lo sợ cho sự an toàn của họ khi ẩn náu ở Lào.

Trước vụ ba nhà hoạt động nêu trên, đã xảy ra những vụ mất tích và cái chết của các nhà hoạt động chính trị chống lại chính quyền quân sự và chỉ trích chế độ quân chủ Thái Lan.

Trong một diễn biến khác, ông Trương Duy Nhất bị ghi nhận “mất tích” ở Bangkok hôm 26 Tháng Giêng, 2019. Mãi đến cuối Tháng Ba, Bộ Công An CSVN mới tổ chức họp báo công bố việc ông Nhất “đang bị giam giữ để điều tra vì liên quan tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Chi tiết về vụ bắt giữ ông Nhất ở đâu và diễn ra thế nào hoàn toàn không được đề cập.

Hiện không rõ thời điểm phiên tòa xử ông Nhất được mở, trong lúc vợ ông tố cáo trên mạng xã hội rằng bà không được gửi đồ tiếp tế cho ông tại trại tạm giam T16 ở Thanh Oai, Hà Nội hồi trung tuần Tháng Tư, 2019.

Liên quan vụ bắt và dẫn độ ông Nhất, chính quyền Thái Lan còn trục xuất ông Cao Lâm, người sống ở Thái Lan nhiều năm và được cho là giúp đỡ ông Nhất trong lúc xin quy chế tị nạn tại Bangkok.

Một nhân chứng khác trong vụ này, ông Bạch Hồng Quyền, nhà hoạt động nhân quyền bị CSVN truy nã vì giúp những người dân bị ảnh hưởng của vụ Formosa, vừa được đi tị nạn ở Canada sau khi đối mặt với nguy cơ bị Thái Lan dẫn độ theo yêu cầu của CSVN.

Ông Quyền tiết lộ trên Đài Á Châu Tự Do hôm 3 Tháng Năm: “Khi vào Trung Tâm Tạm Giữ Người Nhập Cư Của Thái Lan (IDC, theo thủ tục trước khi đi định cư nước thứ ba), tôi thật sự lo lắng chuyện mình có thể bị dẫn độ về Việt Nam. Tôi biết trước là khi bước chân vào đó, tỉ lệ đi định cư nước thứ ba và bị dẫn độ về Việt Nam là 50/50. Một người tên Ngọc, đại diện của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan đến IDC đòi gặp và hỏi tôi sống ở buồng giam đó thế nào và khi nào đi Tây. May mắn là có thể lo ngại nguy cơ tôi bị dẫn độ về Việt Nam, nên phía Tổ Chức Di Trú Quốc Tế (IOM) cũng như Liên Hiệp Quốc thúc đẩy nhanh hồ sơ của tôi đi Canada…”

Cũng cần nói thêm, từ vài năm nay, Bangkok trở thành địa điểm tạm lánh cho nhiều nhà hoạt động, blogger Việt Nam, những người bị sách nhiễu và có nguy cơ bị bắt nếu sống ở quê nhà. Hầu hết đi qua Bangkok bằng đường bộ, qua ngả Cambodia hoặc Lào, xin quy chế tị nạn với mong muốn đi định cư ở nước thứ ba, nhưng không phải ai cũng có “happy ending” như trường hợp của ông Bạch Hồng Quyền.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment