Hồng Kông: Ấu đả giữa các nhà lập pháp về luật dẫn độ
.
Vụ ấu đả diễn ra tại cơ quan lập pháp Hồng Kông hôm thứ Bảy 11/5 giữa các nhà lập pháp thân dân chủ và phe trung thành với Bắc Kinh về luật dẫn độ, đề nghị mở rộng quyền lực của Bắc Kinh đối với Hong Kong, trung tâm tài chính tự do nằm dưới quyền cai trị của chính quyền Bắc Kinh.
Reuters loan tin này, cho biết một người đã được đưa đến bệnh viện.
Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, đang tìm cách thi hành các quy định cho phép dẫn độ người bị kết tội hình sự, kể cả người nước ngoài, từ đặc khu Hong Kong tới các nước không có hiệp định dẫn độ chính thức, trong đó có Hoa lục. xô xát
Bên chống đối lo ngại luật này sẽ làm xói mòn các quyền của Hong Kong và những bảo vệ pháp lý mà Hong Kong được bảo đảm khi vùng lãnh thổ này được bàn giao lại cho Trung Quốc cai trị hồi năm 1997.
Tình hình trở nên sôi sục khi các nhà lập pháp thân dân chủ và phe đa số thân Bắc Kinh mở các phiên điều trần riêng rẽ về dự luật dẫn độ. Phe thân dân chủ cho rằng các nhà lập pháp thân Trung Quốc vi phạm các quy tắc khi thành lập ủy ban riêng để tìm cách thông qua dự luật gây tranh cãi.“Đây là một ngày đau buồn cho Hồng Kông, hồi trước, chúng ta cười nhạo Đài Loan, thế mà bây giờ Hồng Kông thậm chí còn tệ hơn”.Nhà lập pháp thân chính quyền Elizabeth Quat
Một số nhà lập pháp trèo lên bàn, xông vào chửi rủa, xô xát chồng lên người nhau giữa lúc lực lượng an ninh cố duy trì trật tự.
Một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, Gary Fan, bị xô ngã nặng và được đặt trên băng-ca đưa vào bệnh viện. Một số nhà lập pháp thân Bắc Kinh cũng bị ngã, một người cần băng cánh tay.
“Đây là một ngày đau buồn cho Hồng Kông, hồi trước, chúng ta cười nhạo các nhà lập pháp Đài Loan, thế mà bây giờ Hồng Kông thậm chí còn tệ hơn”, nhà lập pháp thân chính quyền Elizabeth Quat nói.
Dự luật dẫn độ là trọng tâm mới nhất khiến người dân Hồng Kông lo lắng về quyền lực của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ đã từng được cam kết sẽ được duy trì quyền tự trị cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế” khi Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc kiểm soát.
Cách đây hai tuần, hơn 130.000 người đã tuần hành để phản đối dự luật dẫn độ, trong khi hàng ngàn người tập trung bên ngoài cơ quan lập pháp vào tối thứ Sáu để đòi hủy bỏ dự luật.
Ngay cả cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông thường vẫn bảo thủ, cũng bày tỏ thái độ chống đối. Phòng Thương mại Quốc tế cho rằng có “nhiều bất cập nghiêm trọng” trong dự luật dẫn độ.
Hiệp hội luật sư Hồng Kông nói luật này thiếu các điều khoản bảo đảm đối tượng được xét xử công bằng ở Trung Hoa đại lục.
Tại Hoa Kỳ, một ủy ban quốc hội nói nếu được thi hành, luật dẫn độ có thể dọn đường cho “cánh tay dài” của Trung Quốc vươn ra xa hơn, tạo ra những rủi ro nghiêm trọng đối với các lợi ích an ninh và lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ tại Hồng Kông.
Bắc Kinh bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng các vấn đề Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Nguồn: VOA