Vợ chồng nghèo nhặt được hơn 100 triệu đồng, trao lại chủ nhân
.
QUẢNG NAM, Việt Nam – Đôi vợ chồng nông dân nghèo ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình nhặt được chiếc túi có số tiền và tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng đã tìm người đánh rơi trả lại.
Ngày 11 Tháng Năm, 2019, kể với báo Người Lao Động, bà Trương Thị Hoàng (42 tuổi, thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nhớ lại, chiều 9 Tháng Năm, trên đường chở gạo về chuẩn bị cơm tối, bà nhặt được một chiếc túi màu đen của một cô gái chạy xe cùng chiều đánh rơi. Đứng đợi một lúc không thấy cô gái quay lại, bà Hoàng đem chiếc túi về nhà.
Sau bữa ăn, bà Hoàng mở chiếc túi ra xem thì giật mình khi thấy trong túi có rất nhiều tiền mặt, một ít vàng, một chiếc điện thoại, một hóa đơn thu tiền làm ảnh cưới và nhiều giấy tờ tùy thân mang tên Nguyễn Bảo Phương (30 tuổi, ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Nghĩ rằng người mất tài sản sẽ gọi vào số điện thoại bị mất để xin nhận lại, vợ chồng bà Hoàng chờ cả đêm nhưng không thấy.
Đến sáng 10 Tháng Năm, sốt ruột vợ chồng bà Hoàng gọi vào số điện thoại ghi trên hóa đơn thu tiền làm ảnh cưới thì một cô gái trẻ nghe máy.
Sau khi nghe cô gái báo thông tin trùng khớp trên giấy tờ, vợ chồng bà Hoàng nói địa chỉ để người mất tìm đến nhà. Ngay trong sáng cùng ngày, chị Phương đến nhà bà Hoàng để xin nhận lại tài sản đánh rơi.
Về phần mình, chị Nguyễn Bảo Phương cho biết chiều 9 Tháng Năm, do chở theo nhiều đồ đạc để chuẩn bị cho ngày cưới, nên chị đã đánh rơi chiếc túi lúc nào không hay.
Khi về tới nhà không thấy chiếc túi đâu thì hoảng hốt, lo lắng liền cùng người thân quay lại đoạn đường vừa đi qua để tìm nhưng không thấy. Cả nhà nghĩ rằng coi như “xong” vì tài sản trong túi khá lớn, hơn 100 triệu đồng ($4,283).
Thế nhưng, đến sáng 10 Tháng Năm, khi nhận được tin từ vợ chồng bà Hoàng báo nhặt được tài sản và sẽ trả lại, chị Phương và gia đình mừng rơi nước mắt vì không tin được trong xã hội thực dụng như hiện tại ở Việt Nam vẫn còn người tốt. Và càng cảm động hơn khi biết vợ chồng bà Hoàng là nông dân nghèo.
Nguồn: Người Việt