Phạm Đoan Trang ra mắt sách ‘Cẩm Nang Nuôi Tù’
.
SÀI GÒN, Việt Nam – Tác phẩm mới nhất của Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang mang tên “Cẩm Nang Nuôi Tù” ra mắt hôm 12 Tháng Năm, có nội dung về đấu tranh pháp lý, hướng dẫn cách làm truyền thông, cách vận động, cách bảo mật, thăm nuôi tù nhân…
Đây được cho là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam dành cho những gia đình có người thân bị đi tù, nhất là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Sách dày 290 trang, gồm tám chương do Nhà Xuất Bản Tự Do ấn hành,
Một chi tiết khá đặc biệt là cuốn sách của cựu phóng viên của báo điện tử VietNamNet và Pháp Luật TP.HCM được phát hành bởi Linh Mục Nguyễn Duy Tân (ở miền Nam), Linh Mục Đặng Hữu Nam (miền Trung), cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư (ở tỉnh Hòa Bình) với giá 200,000 đồng (tương đương $8.6)/cuốn.
Hôm 12 Tháng Năm, bà Trang viết trên trang cá nhân rằng bà “dành tặng cuốn sách cho gia đình các tù nhân lương tâmvà những người đang giúp đỡ tù nhân lương tâm và đấu tranh dân chủ ở Việt Nam”.
Tháng Tư vừa qua, bà Trang tiết lộ vụ bắt bà Cao Vĩnh Thịnh, thành viên nhóm Green Trees (Cây Xanh) liên quan đến một cuốn sách khác của bà, “Phản Kháng Phi Bạo Lực” sắp in ấn và phát hành. Sau đó, bà quyết định công khai đường link tải sách cho những người quan tâm như “cách tốt nhất để bảo vệ tác giả và bạn bè.”
Bà Trang được ghi nhận phải thường xuyên thay đổi chỗ ở tại Việt Nam để tránh việc bà bị nhà cầm quyền truy đuổi, sách nhiễu do viết sách và bày tỏ quan điểm ủng hộ đấu tranh dân chủ trên mạng xã hội.
Tháng Hai, 2018, gia đình bà Đoan Trang cho biết bà đã bị hai người lạ mặt tới nhà bắt đi làm việc vì cuốn “Chính Trị Bình Dân” mà bà là tác giả.
Thời điểm đó, ông Trịnh Hữu Long, chủ biên Luật Khoa Tạp Chí viết trên báo Người Việt: “Ít ai biết rằng, Đoan Trang từng có cơ hội xin tị nạn và ở lại Mỹ sau khi kết thúc học bổng chín tháng ở Đại Học Southern California hồi năm 2014. Có ít nhất ba cơ quan, tổ chức đề nghị hỗ trợ cô làm thủ tục vì lo ngại cho sự an toàn của cô nếu trở về Việt Nam. Nhưng Đoan Trang chưa bao giờ có ý định ở lại nước ngoài. 40 tuổi, không chồng, không con, sống nay đây mai đó và tài sản lớn nhất lại là một tương lai bất định, không mấy ai hiểu rằng cô hạnh phúc chứ không bất hạnh như họ tưởng.”
“Nhiều người coi trọng sự ổn định, họ muốn lập gia đình, sinh con, sống cuộc đời yên ả, không có gì sai hay đúng ở đây cả vì đó là cuộc sống của họ. Nhưng với riêng mình, nếu không hoạt động thì sẽ không thể nào được trải nghiệm sự yêu mến mà mọi người dành cho mình,” ông Long dẫn lời bà Đoan Trang.
Tuy Bộ Ngoại Giao CSVN thường xuyên phủ nhận khái niệm “tù nhân lương tâm” nhưng các tổ chức xã hội dân sự, nhân quyền quốc tế luôn chỉ trích các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động tại Việt Nam.
Một thông cáo do Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) phát đi hồi Tháng Ba, 2019 dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của cơ quan này: “Chính quyền CSVN đang sử dụng các điều luật hà khắc trong bộ luật hình sự để đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, khiến số người bất đồng chính kiến ôn hòa trong chốn lao tù vốn đang trên đà gia tăng lại càng nhiều hơn. Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế cần gây sức ép để giới lãnh đạo ở Hà Nội đối thoại với những người bất đồng chính kiến, chứ đừng biến đất nước thành một nhà tù khổng lồ.”
Theo ghi nhận của Human Rights Watch, chỉ tính trong năm 2018, nhà cầm quyền CSVN đã kết án và bỏ tù ít nhất là 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo nhiều điều luật hà khắc, gần gấp ba tổng số các bản án trong năm 2017, trong đó người bị án nhẹ nhất là bà Trần Thị Xuân (9 năm tù), nặng nhất là ông Lê Đình Lượng (20 năm tù).
Nguồn: Người Việt