Thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của ngư dân Việt
.
Malaysia hôm 8/5 chính thức trao công hàm cho Đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur để phản đối việc nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm vùng biển của nước này trong thời gian qua. Con số cụ thể mà phía Bộ Ngoại giao Malaysia đưa ra là có 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7000 ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ từ năm 2006 đến nay.
Trước đó, hôm 4/5 các cơ quan chức năng Indonesia cũng đã bắt đầu đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài đã vi phạm đánh bắt các trong vùng biển nước này trong đó có 38 tàu cá Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Indonesia thì từ năm 2014 đến nay nước này đã đánh chìm tổng cộng 488 tàu cá nước ngoài vi phạm, trong đó có 276 tàu cá của Việt Nam.
Trong khi đó thì phía Bộ Ngoại giao Việt Nam tại các cuộc họp báo thường kỳ chỉ lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về biện pháp đối với tàu cá Việt nam và cho rằng ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng việc chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác luôn khẳng định các tàu cá đã xâm phạm vùng biển của nhau thì rất khó xác định chính xác được thực hư như thế nào.
“Bởi vì chứng cứ rất khó ở ngoài biển không ai chứng kiến cả, không bằng chứng nào là khu vực tọa độ nào vùng biển bao nhiêu đâu. Nếu ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải thì cũng có thể do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ngư dân họ không rõ được ranh giới ở trên biển vì ranh giới trên biển nó mong manh lắm nó xác định bằng tọa độ nhưng không phải lúc nào cũng chính xác được. Thứ hai là họ biết nhưng vẫn xâm phạm bởi vì họ đang theo đuổi đàn cá từ vùng biển Việt Nam chạy sang vùng biển nước khác nên họ bám theo đàn cá đó nên thành ra vi phạm lãnh hải và điều thứ ba chắc chắn xảy ra do ngư trường của Việt Nam ngày càng cạn kiệt.”
Ngoài ra, thạc sĩ Hoàng Việt còn cho biết vùng biển gần thì đã bị tàn phá nặng nề và vẫn chưa kịp tái sinh, còn những ngư trường dồi dào nguồn hải sản thì bị phía Trung Quốc ngăn cản nên dẫn đến việc các ngư dân Việt Nam bắt buộc phải tìm kiếm ngư trường khác và việc vi phạm lãnh hải chắc chắn xảy ra.
Một thuyền trưởng không muốn nêu tên ở khu vực tỉnh Cà Mau, Việt Nam khẳng định với chúng tôi rằng nguồn cá tôm tại vùng biển Việt Nam bây giờ cạn kiệt nhiều.
“Nguồn cá tôm bây giờ nó cạn kiệt nhiều lắm rồi, những năm trước thì được 7 phần còn năm nay không được 5 phần nữa mà khoảng tầm 3 phần trở lại thôi. Do nguồn cá bên mình ít quá, nguồn cá bên đó nhiều lắm vì bên đó họ đánh bắt la có cỡ hết trơn còn bên Việt Nam mình thì cá lớn nhỏ gì là bắt hết nên bắt buộc họ đánh liều qua bển. Qua bên đó thì có nguồn thu cao hơn nhiều, qua bển mà lọt một hai chuyến thì thu về được gấp đôi. Chi phí cho một chuyến đi cũng nhiều lắm khoảng chừng một trăm mấy lận, nào là dầu mỡ, nước đá, đồ ăn đồ uống, có cá hay không thì mình cũng phải chuẩn bị hết chi phí phải chi ra trước khoảng nhiêu đó.”
Vị thuyền trưởng này nói thêm đối với ngư dận quen với biển khơi thì họ không biết nghề gì khác ngoài đánh bắt hải sản; do vậy nếu có bị bắt và được trả về, họ lại đi biển.
“Ngư dân vùng biển thì sống bằng nghề đó thôi, nghề đó nó mau có thu nhập còn những nghề khác như thủy sản đưa lên bờ thì những nghề đó người ta không rành. Một chuyến vô cũng được vài chục, nửa tháng hoặc một tháng vô thu nhập cũng vài ba chục hay hơn 50-60 triệu cũng có.”Ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Thái Lan bắt giữ vào hôm 24 tháng 11 năm 2016. (Ảnh minh họa) AFP
Một ngư dân khác tại khu vực huyện Ngọc Hiển, Cà Mau từng đi biển và bị bắt tiết lộ thực tế khi rơi vào tay lực lượng chức năng nước ngoài:
“Mỗi lần đi như vậy nếu chuộc về thì khoảng chừng 1 tỷ cho 1 chiếc ghe lớn và mỗi người là khoảng từ 100 – 200 triệu tiền chuộc về. Nhiều khi bỏ ghe luôn không cho chuộc ghe mà chỉ cho chuộc người về thôi. Bỏ lại hết tất cả chỉ được người về thôi. Khi bị bắt là phải ở khoảng tầm từ 1 tháng đến 3 tháng mới cho chuộc về chứ không phải cứ bắt vô chuộc là cho về liền đâu.”
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng cơ quan tuyên truyền và cung cấp thông tin của Việt Nam cho ngư dân còn thiếu nhiều hoặc chưa đủ mạnh. Do đó, mỗi khi tàu cá và ngư dân xâm phạm vào vùng biển của quốc gia khác mà bị bắt họ phải trả một cái giá quá lớn.
“Nếu có can thiệp bằng đường ngoại giao thì cũng có thể thoát được nhưng cũng phải đóng một số tiền không nhỏ và tàu bè cũng bị tịch thu. Chính quyền Việt Nam một mặt cần phải giúp đỡ ngư dân việc xác định rõ vùng biển nào của mình và bảo vệ ngư dân thì lực lượng cảnh sát biển phải làm việc hiệu quả hơn mạnh hơn để sẳn sàng bảo vệ ngư dân và đồng thời nhắc nhở không nên vi phạm.”
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam từng nói với RFA rằng, qua theo dõi các báo cáo địa phương cũng như Cục Kiểm ngư của Tổng cục Thủy sản thì cho thấy đầu năm 2019 số vi phạm có giảm nhiều.
“Là những người trong Hội Nghề Cá cũng như các Hội Nghề Cá cấp tỉnh hoặc thủy sản cấp tỉnh thì chúng tôi xác nhận rằng kể từ ngày mà thẻ vàng của Châu Âu giơ lên thì chúng tôi rất tích cực trong mọi lãnh vực tuyên truyền, giám sát cũng như kiểm tra và làm việc với cả các cơ quan khai thác hải sản của nước ngoài, làm sao để giảm bớt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp và vi phạm lãnh hải của nước ngoài.”
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, phía cơ quan chức năng Việt Nam cần tập trung làm một cách nghiêm túc, chứ không chỉ có những chương trình truyên truyền hoành tráng rầm rộ nhưng cũng ở trên giấy hoặc vài ngày vài tháng rồi chìm vào quên lãng. Thật sự muốn làm cần phải có bài bản và kế hoạch lâu dài.
Nguồn: RFA