Tranh sơn mài vẽ HCM ngồi ngang Phật Thích Ca gây phẫn nộ

Tranh sơn mài vẽ HCM ngồi ngang Phật Thích Ca gây phẫn nộ

.

\"\"
Sư quốc doanh Thích Thanh Quyết và bức tranh vẽ Phật Thích Ca và HCM. (Hình: VietnamNet)

HÀ NỘI, Việt Nam – Cộng đồng mạng xã hội hôm 12 Tháng Năm bày tỏ phẫn nộ về bức tranh sơn mài dát vàng “Đạo Pháp và Dân Tộc” được vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là HCM, và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân.

Bức tranh có kích cỡ 2 x 4.2 mét, của họa sĩ Ngô Hải Yến cùng nhóm họa sĩ được cho là vẽ từ ý tưởng của ông Hà Huy Thanh, cháu của cố Tổng Bí Thư CSVN Hà Huy Tập.

Tranh do Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, phó chủ tịch “Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,” đồng thời còn là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh giới thiệu mừng đại lễ Phật Đản.

Báo điện tử VTC News tường thuật rằng buổi lễ ra mắt bức tranh nêu trên “diễn ra trong tiếng vỗ tay không ngừng của các tăng ni, Phật tử”.

Thượng Tọa Quyết được VietnamNet dẫn lời: “Bức tranh là trí tuệ, chất liệu tâm huyết của người Việt Nam vẽ đức Phật và HCM. Năm nay ngày sinh của đức Phật và HCM trùng nhau, hiếm có ngày nào như vậy, vì vậy tâm thành của các cư sĩ Phật tử, tri thức và các hoạ sĩ đã vẽ một bức tranh đặc biệt như vậy. Đức Phật tổ Thích Ca và HCM đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo Pháp và Dân Tộc” mà trong đó, Đức Phật biểu trưng cho đạo pháp, HCM tượng trưng cho tinh thần dân tộc.”

Người được mạng xã hội gọi là “sư quốc doanh” này trụ trì khu di tích-chùa Yên Tử và chùa Phúc Khánh, nơi hàng năm đều tổ chức lễ dâng sao giải hạn và đại lễ cầu an và được chính quyền huy động hàng trăm cảnh sát bảo vệ an ninh.

Bức tranh vẽ Phật Thích Ca và HCM bị nhiều blogger chỉ trích là biểu hiện của mạt pháp và là cách “Phật giáo quốc doanh” mừng Đại Lễ Phật Đản.

Tuy vậy, thực tế là nhiều chùa ở cả ba miền tại Việt Nam đều có để hình ông Hồ, bên cạnh tượng Phật trong khu thờ. Thậm chí, mới đây người ta còn phát giác một ngôi chùa tại Đà Nẵng để hình cố Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang trong khu thờ.

Luật Sư Luân Lê bình luận trên trang cá nhân hôm 12 Tháng Năm: “Thích Thanh Quyết, kẻ bán sao trên trời không cho nợ dù chỉ một đồng, vẫn đứng vào hàng ngũ nhà Phật, trưng một bức tranh để hình chân dung HCM sánh ngang với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi không còn tưởng tượng nổi thứ đạo Phật bị báng bổ và hủy hoại đến khi nào mới dừng lại?”

“Đức Phật không sát sinh đến một con kiến, và không màng lợi danh hay vị thế chính trị (cung triều) để hành hương cứu vớt chúng sinh bằng việc phổ độ giáo lý, phật pháp nhằm làm cho con người bao dung, bớt đi khổ hạnh do lòng tham (tranh đoạt), tâm sân (thù, ghét, hận), sự si (ngu dốt) tạo nên, trong đó có ngũ giới cấm kỵ. Ông Hồ còn phải khóc lóc và xin lỗi trước toàn dân về cuộc cách mạng cải cách ruộng đất gây bao đau thương khiến hàng trăm ngàn người bị đấu tố, bị cướp đoạt điền địa và bị giết,” theo Facebook Luân Lê.

Thượng Tọa Quyết cũng từng bị Luật Sư Nguyễn Danh Huế chỉ trích trên trang cá nhân hồi Tháng Hai, 2019: “Với hàng loạt chức danh, đúng ra ông Thích Thanh Quyết phải thượng tôn pháp luật, phổ biến phật pháp, làm cho người dân hiểu đúng về đạo phật, tránh u mê và tránh cho người dân bị kẻ xấu lợi dụng. Thế nhưng ông Quyết đã không làm vậy, ngược lại trong nhiều năm qua, ông tổ chức cúng dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh – một hình thức mê tín dị đoan không có trong giáo lý của đạo Phật, làm cho dân chúng mê muội, gây ách tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng, làm nhếch nhác đô thị và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.”

Đến nay, nhiều blogger vẫn nhắc lại phát biểu hùng hồn của ông Quyết tại một phiên họp Quốc Hội hồi năm 2014: “Đảng và nhà nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn.” 

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment