Dịch tả heo Phi Châu lan tới 29 tỉnh Việt Nam
.
HÀ NỘI 13-5 – Dịch tả heo Phi Châu lan tới 29 tỉnh, thành tại Việt Nam, với trên 1.22 triệu con heo bệnh bị tiêu hủy, theo thông tin từ “Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi”.
Tờ Dân Việt ngày Thứ Hai 13/5/2019 cho hay “Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi họp trực tuyến với các tỉnh, thành để bàn biện pháp đối phó” vì bệnh dịnh đã tới tận “thủ phủ” của kỹ nghệ nuôi heo tại Việt Nam. Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra nhiều tỉnh thị khác tại miền Nam lên rất cao.
Nguồn tin dẫn báo cáo từ “Ban chỉ đạo” nói trên cho biết “tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 2,296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1,220,488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn khoảng 30 triệu con của cả nước). Đây là các con số thống kê mới, vượt xa các con số người ta được thấy thông tin chỉ hai ba ngày trước.
Thời gian qua có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, một số tỉnh công bố hết dịch nhưng sau đó “lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác” trong cùng địa phương.
Cho đến ngày 9/5/2019, báo chí trong nước cho hay dịch tả heo Phi châu đã lây lan tới tỉnh Bình Phước, tức là tỉnh thứ 25 được loan báo có dịch. Nhưng như tờ Dân Việt dẫn “Báo cáo” của “Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi” thì tổng số tỉnh thành có dịch là 29 địa phương. Vậy có 4 tỉnh có dịch nhưng không thấy được nêu tên trong tất cả các bản tin trên báo chí trong nước từ khi có dịch đến nay.
Như tin ngày 10/5/2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 25 tỉnh, thành phố tại Việt Nam theo thứ tự trước sau là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Phước.
Nhà cầm quyền từ trung ương đến các tỉnh thị có dịch có những dấu hiệu lúng túng, không phối hợp và không đủ khả năng đối phó với tình hình dịch bệnh. Trên hết, Cục Thú Y lờ tịt, không hề đưa các thông tin về tình hình diễn tiến dịch tả heo Phi châu trên cả nước. Dù vậy, trong cuộc họp nêu trên, Cục Thú y khoe “thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.”
Hồi Tháng Ba, Tổ chức Y Tế Quốc tế (WHO) đã khuyến cáo Hà Nội công bố dịch nhưng đến nay vẫn chỉ thấy các địa phương nhìn nhận có dịch trong khi nhà cầm quyền trung ương không công bố gì cả.
Theo tờ Dân Việt tường thuật “Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường (vườn nhà, sông suối, ao, rạch…)
Như tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh – cầu ông Khởi – nơi giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Binh, “các lực lượng đã phải thu gom, xử lý tiêu hủy 395 xác lợn.” Nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Thừa Thiên – Huế cũng thấy tin trên mặt báo cho hay xác heo chết dịch trôi đầy trên sông.
Phải kể đến việc đưa heo bệnh đi tiêu hủy cũng không đúng nguyên tắc bảo đảm kỹ thuật để ngăn chặn sự lây lan của dịch như “lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/nylon để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn rơi vãi ra môi trường…”
Về phía nhà cầm quyền thì “Chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, nhiều địa phương chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn buộc tiêu hủy.”
Nói chung, tình hình dịch tả heo Phi châu trong những ngày tới đây được dự báo là “nguy cơ lây lan rất cao”. Một số trong những nguyên nhân được kể đến như sự chậm trễ và tiêu hủy không đúng cách heo bệnh dẫn đến khả năng tái dịch hoặc lan xa tới các địa phương khác.”…”Khi mà dịch bệnh “có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.”
Theo tờ Dân Việt, trước nguy cơ dịch lây lan ra cả nước, Ban Chỉ đạo “đã nêu ra một số biện pháp gấp, đối với các địa phương” như cần “huy động các lực lượng của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,…) để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ theo đúng quy định; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch; tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.”
Đại dịch được mô tả là “chưa từng có” đối với kỹ nghệ nuôi heo tại Việt Nam, tương tự như dịch cúm gia cầm hồi thập niên 2000 đã xảy ra trên phần lớn các tỉnh thị cả nước, buộc phải tiêu hủy hơn 140 triệu gà vịt.
Thịt heo chiếm khoảng ba phần tư lượng thịt người Việt Nam tiêu thụ hàng ngày.
Nguồn: Người Việt