Những nguy cơ đe dọa tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Trung Quốc

Những nguy cơ đe dọa tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Trung Quốc

13-05-2019

BNEWS.VN Cuộc chiến thuế quan với Mỹ leo thang đang đe dọa đến tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Trung Quốc, khi Mỹ là khách hàng chủ chốt và là nguồn công nghệ cho các nhà sản xuất đồ điện tử.

\"\"/

Những nguy cơ đe dọa tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: reuters

Cuộc chiến thuế quan với Mỹ leo thang đang đe dọa đến tham vọng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Trung Quốc, khi Mỹ là khách hàng chủ chốt và là nguồn công nghệ cho các nhà sản xuất đồ điện tử, thiết bị y tế và các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao khác của Trung Quốc, những lĩnh vực mà nước này coi là cốt tử của nền kinh tế trong tương lai.

Chính phủ Trung Quốc đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế ổn định trong quý I/2019 mặc dù xuất khẩu tới Mỹ giảm, nhờ thúc đẩy chi tiêu và hoạt động cho vay của ngân hàng.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc chứng kiến doanh số bán sụt giảm tới 40%, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong khi đây là nguồn được sử dụng cho nghiên cứu công nghệ.

Cuộc chiến thuế quan khiến nhiều công ty Trung Quốc thêm khó khăn khi đã vấp phải những trở ngại lớn ở Mỹ và châu Âu trong việc thâu tóm công nghệ thông qua việc thành lập liên doanh với các công ty nước ngoài, hoặc mua hoàn toàn.

Chính phủ và các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu. Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei, thương hiệu toàn cầu đầu tiên về công nghệ của Trung Quốc, đã chi 15 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong năm ngoái, vượt cả Apple Inc.

Tất cả những điều này đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành đối thủ nặng ký về viễn thông, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và chính phủ các nước khác cho rằng Trung Quốc có được kết quả đó một phần nhờ việc đánh cắp công nghệ và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao các bí quyết công nghệ.

Mỹ đang hối thúc Trung Quốc rút lại các kế hoạch cho ra đời các đối thủ toàn cầu về rô-bốt, xe điện, trí tuệ nhân tạo và một loạt các công nghệ mới.

Các đối tác thương mại của Trung Quốc cho rằng những kế hoạch như vậy vi phạm các cam kết về việc mở cửa hơn nữa thị trường tiêu dùng và kinh doanh rộng lớn của nước này.

Điều này gây thêm thách thức cho Chính phủ Trung Quốc khi có thể làm trì hoãn hay làm gián đoạn các kế hoạch kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không sẵn sàng nhượng bộ khi cần các công nghệ công nghệ cao hơn để giữ vững đà tăng nguồn thu.

Trước sự giảm tốc của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã tăng chi tiêu và thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng, một nỗ lực đi ngược lại chiến lược kiểm soát số nợ vốn đã tăng lên quá cao khiến các cơ quan xếp hạng hạ bậc tín nhiệm của nước này.

Trong khi đó, về đối ngoại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã buộc phải điều chỉnh sáng kiến \”Vành đai và Con đường\” trị giá hàng tỷ USD về xây dựng đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác.

Trước những quan điểm cho rằng Trung Quốc đã dồn cho một số nước quá nhiều nợ, chính phủ nước này đã xóa một số nợ và thương lượng lại một số hợp đồng.

Trong khi đó cuộc chiến thuế quan nổ ra do nhiều năm Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc và những phàn nàn của Chính phủ Mỹ và nhiều chuyên gia thương mại độc lập rằng Trung Quốc đã có những hoạt động trái quy định, như đánh cắp công nghệ.

Các biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào những hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc mà các quan chức Mỹ cho là đã có được sự hỗ trợ không công bằng từ chính phủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã mở rộng diện tăng thuế sang các sản phẩm như túi xách, đồ nội thất và các mặt hàng khác của Trung Quốc.

Mỹ và châu Âu đang tăng chi phí và gây khó khăn cho các vụ thâu tóm của Trung Quốc đối với công nghệ của nước ngoài hoặc ngăn chặn hoàn toàn.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã sơ bộ thông qua các quy định đầu tiên của khối về đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Ở Mỹ, ông Trump đã phủ quyết thương vụ mua lại nhà sản xuất chip Lattice Semiconductor năm 2017 của Trung Quốc.

Các nhà sản xuất nước ngoài về hàng điện tử tiêu dùng và các sản phẩm khác đang chuyển đầu tư sang Đông Nam Á để cắt giảm chi phí, khiến nhu cầu đối với các nguồn cung linh kiện Trung Quốc giảm và ảnh hưởng đến nguồn thu mà họ sử dụng cho phát triển công nghệ./.

Lê Minh (Theo AP)

Bài Liên Quan

Leave a Comment