Trung Quốc đóng tàu tuần tra Hoàng Sa
.
Trung Quốc loan báo mở rộng sự hiện diện phi hải quân trong vùng Biển Đông có tranh chấp với hợp đồng trị giá 23,5 triệu đô la Mỹ để đóng một tàu tuần duyên vốn sẽ được dùng để tuần tra quần đảo Hoàng Sa.
Cục thực thi Luật pháp Quản lý Hải dương Tam Sa đóng trên đảo Vĩnh Hưng đã đặt hàng cho Tập đoàn Đóng tàu Vũ Xương – chi nhánh ở tỉnh Vũ Hán của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc – xây dựng một chiếc tàu nặng 1.900 tấn.
Tam Sa là đơn vị hành chính mà Trung Quốc thiết lập trực thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý các quần đảo mà họ có tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông. Đảo Vĩnh Hưng là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm. Thành phố Tam Sa được đặt trên hòn đảo này.
Theo trang web của chính quyền Hải Nam thì chiếc tàu tuần duyên này sẽ có có tốc độ vào khoảng 18 nút, tốc độ tối đa 23 nút và tầm hoạt động là khoảng 6.000 hải lý.
Chính quyền Tam Sa hồi năm 2016 đã xây dựng kế hoạch 5 năm nhằm mục tiêu mở rộng đội tàu chấp pháp trên biển từ 1 lên 20 chiếc.
Chiếc tàu này nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng sự hiện diện phi hải quân – một động thái mà các nhà phân tích cho là một chiến lược để củng cố vị trí mà họ chiếm giữ ở vùng Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Đài Loan.
Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, nói rằng lực lượng tuần dương của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm cho nỗ lực của Mỹ tiến hành các hoạt động ‘tự do hàng hải’ trên Biển Đông mà Washington dựa vào để kiềm chế tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Richardson nói rằng hải quân và các tàu ‘dân quân’ của nước này như tàu tuần duyên và tàu cá của Trung Quốc sẽ được hải quân Mỹ xem như nhau trong các cuộc chạm trán.
Bắc Kinh thì cáo buộc các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã phá hoại sự ổn định của Biển Đông.
Trung Quốc đang thương thảo với khối Asean bộ Quy tắc Ứng xử nhằm tránh các cuộc xung đột trên những vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông mặc dù tiến triển rất chậm chạp.
Nguồn: VOA