An Giang bắt được cặp rắn hổ mây nặng gần 60 kg ở Núi Cấm

An Giang bắt được cặp rắn hổ mây nặng gần 60 kg ở Núi Cấm

.

\"\"
Cặp rắn hổ mây đã đưa vào Khu Du Lịch Đồi Tức Dụp để du khách tham quan. (Hình: VNExpress)

AN GIANG, Việt Nam – Một nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ đã phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây kếch xù gần 60 kg và cả trăm rắn nhỏ ở chân Núi Cấm, huyện Tịnh Biên.

Ngày 14 Tháng Năm, 2019, báo VNExpress dẫn lời ông Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy, giám đốc dự án Điện Năng Lượng Mặt Trời, Tập Đoàn Sao Mai, cho biết khoảng hai tuần nay, các công nhân và kỹ sư người Ấn Độ tham gia lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bắt được nhiều rắn hổ mây.

Đáng chú ý, trong số rắn trên có hai con rắn trọng lượng khoảng 60 kg, chiều dài khoảng 6 đến 7 mét/con.

“Mấy tháng qua, việc các công nhân bắt được rắn hổ mây là thường xuyên, có thể lên đến cả trăm con, nhưng trọng lượng thường chỉ khoảng 1-3 kg,” ông Duy nói.

Ông Trương Vĩnh Thành, phó tổng giám đốc Tập Đoàn Sao Mai, đã yêu cầu đem toàn bộ số rắn bắt được về vườn thú Khu Du Lịch Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn) để du khách tham quan, thưởng ngoạn.

\"\"
Đầu con rắn hổ mây. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

“Công trường làm điện năng lượng mặt trời có cả ngàn công nhân làm ngày làm đêm nên họ phát hiện và bắt giữ. Tôi thấy sửa lại Khu Du Lịch Tức Dụp mà không có gì mới nên đề nghị đưa hai con rắn hổ mây ‘khủng’ đó vào để phục vụ du lịch tham quan và giúp du khách hiểu thêm về loại này. Anh em ở vùng Bảy Núi họ nhìn cũng biết được chứ đâu cần chuyên gia xác định,” ông Thành nói với báo Tuổi Trẻ.

Chiều cùng ngày, nói với báo VNExpress ông Lý Vĩnh Định, hạt trưởng Kiểm Lâm huyện Tri Tôn cho biết, đã cử lực lượng xuống Khu Du Lịch Tức Dụp “kiểm tra, xác minh cặp rắn đang được nuôi nhốt nguồn gốc từ đâu để có hướng xử lý.”

Theo ông Định, rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ) thuộc nhóm 1B “động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.” Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 mét.

Núi Cấm còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn cao 705 mét, là một trong bảy ngọn núi ở An Giang cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Người dân địa phương cho biết, vùng Núi Cấm ngày xưa cây cối tốt tươi, có rất nhiều hươu, nai, hổ, báo… đặc biệt là rắn hổ mang chúa mà trong dân gian vẫn kể nhau nghe về sự to lớn, sự nhanh nhẹn và oai phong.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment