Nga gây bất ngờ khi mua số Su-57 gấp…5 lần dự kiến
(Vũ khí) – Triển vọng đối với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga có vẻ sáng sủa lên sau những dự báo bi quan ban đầu.
Trong năm 2018, Phó thủ tướng Nga phụ trách quốc phòng Yuri Borisov từng đưa ra thông tin tương đối gây thất vọng cho nhà sản xuất tiêm kích tàng hình Su-57, đó là Không quân Nga chưa có ý định trang bị số lượng lớn loại máy bay này ở tương lai gần.
Ngoài lý do chiếc Su-57 chưa thực sự hoàn thiện do động cơ Izdeliye 30 cần thời gian đánh giá chi tiết thêm thì vấn đề ngân sách hạn hẹp cũng là trở ngại không nhỏ khiến cho kế hoạch chế tạo hàng loạt Su-57 bị chậm trễ.
Tuy nhiên trước áp lực từ nhà sản xuất và cũng không thể để Nga bị tụt hậu lại quá xa so với Mỹ hay Trung Quốc, Bộ quốc phòng nước này đã quyết định ký hợp đồng sản xuất lô nhỏ Su-57 cho giai đoạn tới năm 2027 với số lượng từ 12 tới 16 máy bay.
Tiêm kích tàng hình Su-57 vừa thực hiện đợt triển khai với số lượng lớn nhất từ trước tới nay |
Nhưng thật bất ngờ khi diễn biến mới đã tới, vào hôm 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm Trung tâm thử nghiệm bay số 929 ở Akhtubinsk, chuyên cơ Il-96 của ông đã được hộ tống vởi 6 tiêm kích tàng hình Su-57.
Được biết đây là lần huy động số lượng Su-57 lớn nhất từ trước tới nay, bởi vì trong quá khứ Su-57 chỉ hoạt động đơn lẻ hay bay theo biên đội 2 chiếc mà thôi, bất kể đó là trên chiến trường Syria hay ở lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.
Việc huy động số lượng lớn Su-57 cho nhiệm vụ hộ tống này theo đánh giá của một vài chuyên gia quân sự thì Nga đang gửi một thông điệp đáng chú ý đó là số lượng Su-57 sẽ gia tăng chóng mặt trong tương lai.
Không quân Nga sẽ được trang bị tới 76 chiếc Su-57 thay vì chỉ 16 máy bay |
Không nằm ngoài dự đoán, trong chuyến công tác tới Trung tâm 929 tại Akhtubinsk, Tổng thống Nga Putin đã \”Gây choáng\” cho giới truyền thông khi công bố kế hoạch sẽ mua tới 76 chiếc Su-57 thay vì chỉ 16 chiếc như hợp đồng ký tại Triển lãm Army 2018.
Việc sản xuất Su-57 với số lượng lớn còn có thêm một tác dụng đáng kể nữa đó là chi phí nghiên cứu chế tạo được phân bổ đều trên các máy bay, khiến giá thành chế tạo mỗi chiếc giảm bớt 20% so với chỉ chế tạo số lượng nhỏ.
Nhiều khả năng 16 tiêm kích Su-57 đầu tiên sẽ vẫn sử dụng động cơ AL-41F1S của Su-35S, còn các lô sản xuất hàng loạt tiếp theo sẽ đổi qua trang bị loại Izdeliye 30 \”chuẩn thế hệ 5\” khi nó đã sẵn sàng phục vụ.
- Tùng Dương