Những công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời La Mã

Những công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời La Mã

Mái vòm, cột trụ của những công trình như đấu trường Colosseum, đền Pantheon, khải hoàn môn Constantinous… đã trở thành biểu tượng cho kiến trúc La Mã.

\"\"

Đấu trường Colosseum (Rome, Italy) được xem là biểu tượng của đế chế La Mã và là một trong những công trình kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Xây dựng vào khoảng năm 70-80 sau Công nguyên, kết cấu vững chắc giúp công trình được trọng dụng trong 500 năm. Ngoài đấu trường, công trình còn dùng làm nơi biểu diễn công chúng, sau thời Trung cổ trở thành nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháp trường…

\"\"

Đấu trường sử dụng đến 100.000 khối đá travertine liên kết bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Vòng cột trụ xen kẽ cửa vòm giúp công trình tự nâng đỡ khối lượng đồ sộ của chính mình và có thể chứa được đến 80.000 người. Quy mô hùng vĩ và cấu tạo thiết thực, hiệu quả trong việc tạo nên quang cảnh ấn tượng cũng như kiểm soát đám đông đã biến Colosseum thành một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất của La Mã cổ đại.

\"\"

Công trình là khối hình êlíp khổng lồ với các dãy bậc thang dùng làm khán đài, vòng quanh sân đấu trung tâm cũng hình êlíp. Phía dưới sàn gỗ là một hệ thống phòng ốc và lối đi phức tạp dành cho các loài dã thú và những trang thiết bị phục vụ cho các trận đấu. 80 lối đi tỏa ra từ khu vực trung tâm giúp tạo luồng di chuyển thông thoáng cho hàng chục nghìn người. Dù đã hoang phế đi nhiều do động đất và nạn cướp đá, đấu trường La Mã vẫn giữ kết cấu ban đầu, trở thành \”chứng nhân lịch sử\” cho một nền văn minh và là biểu tượng kiến trúc của thời đại từ 2.000 năm trước.

\"\"

Một trong những công trình vĩ đại nhất của đế chế La Mã là Đền Pantheon (Rome, Italy). Xây dựng vào khoảng 118-126 sau Công nguyên, Đền Pantheon là biểu tượng cho tư duy kiến trúc đỉnh cao và sự phồn thịnh thời La Mã. Phía trước đền là hàng hiên với cột trụ bằng đá hoa cương xám, đỉnh cột kiểu Corinth, trụ cột bằng đá cẩm thạch trắng.

\"\"

Điểm độc đáo của công trình nằm ở mái vòm hình bán cầu đường kính 43,44m. Đây là mái vòm tự nâng đỡ (không có cột trụ nào chống đỡ ngoài các bức tường) lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Để giảm trọng lượng của mái vòm, bê tông được trộn với đá nham thạch. Trên đỉnh có một vòng tròn đường kín 8,92m một phần cũng để giảm trọng lượng, mặt khác đây là chỗ duy nhất đưa ánh sáng vào đền, tạo luồng sáng huyền bí được ví như \”đồng hồ mặt trời khổng lồ thành Rome\”. Chịu tải cho mái vòm khổng lồ này, tường đền hình trụ dày đến 6,2m.

\"\"

Cũng tại Rome, Italy, khải hoàn môn Constantinus xây dựng vào năm 312 sau Công nguyên để kỷ niệm chiến thắng của Hoàng đế La Mã Constantinus I. Đây là khải hoàn môn lớn nhất Rome hiện tại. Cổng có chiều cao 21m, rộng 25,9m và sâu 7,4m. Phía trên các cổng là tầng áp mái kiểu Attic, vật liệu là gạch trát vữa và đá cẩm thạch. Phần chính giữa của khải hoàn môn là các cột trụ theo thức Corinth quen thuộc thời La Mã và tầng áp mái với dòng chữ tôn vinh hoàng đế phía trên.

\"\"

Kỹ thuật xây dựng của người La Mã còn thể hiện ở các thủy lộ đứng vững sau 2.000 năm xây dựng. Điển hình là cầu thủy lộ Pont du Gard, có nghĩa cây cầu bắc qua con sông Gardon ở Remoulins – miền Nam nước Pháp, xây dựng từ thế kỷ I trước Công nguyên. Thủy lộ cao nhất của thời La Mã hoàn toàn không sử dụng vữa mà chỉ có những phiến đá lớn được cắt gọt và đặt sao cho vừa khít với nhau. Công trình cao tới 48,8m, dài 50km cho tới nay cũng chỉ bị sụt lún 17m, thể hiện khả năng tính toán chính xác của các kỹ sư La Mã cổ đại.

\"\"

Thế giới còn nhắc nhiều đến kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của người La Mã qua công trình cột Trajan, đánh dấu chiến thắng của vị hoàng đế cùng tên vào đầu thế kỷ II sau Công nguyên. Toàn bộ thân cột trụ tại Rome, Italy đều là các hình chạm khắc mô tả những thời điểm quan trọng trong chiến tranh. Cột đặt tại trung tâm một hội trường rộng gọi là Forum, bao quanh là các phòng trưng bày mà từ đó đều có thể nhìn thấy một phần cột. Ngày nay, các công trình biểu tượng thời La Mã đều là điểm đến tham quan thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm đến thủ đô Rome, Italy. Những công trình trở thành \”chứng nhân lịch sử\” không chỉ cho một nền văn minh phương Tây, mà còn cho tư duy xây dựng và kiến trúc lỗi lạc của con người hàng nghìn năm trước.

Nam Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment