Truyền thông CSVN: Nghi can vụ giết người giấu xác ở Bình Dương ‘là Pháp Luân Công’
.
BÌNH DƯƠNG, Việt Nam – Hôm 19 Tháng Năm, trong bài tường thuật diễn biến vụ giết và giấu xác hai người đàn ông ở tỉnh Bình Dương, báo Tiền Phong viết: “Nhóm nghi can khai nhận rằng, có quan hệ đồng môn với nạn nhân và nạn nhân bị giết vì ‘quỷ nhập hồn’.”
Tờ báo cho hay hai trong số các nghi can, bà Phạm Thị Thiên Hà và Lê Ngọc Phương Thảo (thường gọi là Thanh) cùng với hai nạn nhân (ông Trần Trí Thành và Trần Đức Linh) “theo Pháp Luân Công”.
“Giữa năm 2018, nhóm của bà Hà thuê một căn nhà trên đường D2 trong Khu Công Nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương để cả nhóm tu luyện. Thời điểm này có 2 phụ nữ tên An và Hạnh cũng tham gia tu luyện. Trong quá trình tu luyện, ông Linh được cho là không tuân thủ đúng quy định trong lúc tu luyện dẫn đến việc xảy ra mâu thuẫn với bà Hà và bà Thanh…,” tờ báo viết.
Cùng thời điểm, tờ Một Thế Giới cho biết: “Pháp Luân Công đứng đầu trong danh sách 24 tà đạo do chính phủ Trung Quốc ban hành. Sự hấp dẫn ngày càng tăng của Pháp Luân Công làm chính quyền Trung Quốc hoảng sợ. Các quan chức cảm thấy bị đe dọa bởi những gì họ coi là “hệ tư tưởng cạnh tranh” đầy sức mạnh, như cách nói của một học viên Pháp Luân Công, và bởi sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng học viên từ năm 1992 đến năm 1999.”
Cũng theo báo này, từ năm 2017, Pháp Luân Công “được truyền bá mạnh tại Việt Nam, thông qua các hình thức như mở các lớp đào tạo chín buổi cho những người mới tham gia, phát tờ rơi, rải truyền đơn tại các khu dân cư, hay thông qua các chương trình nghệ thuật miễn phí.”
“Các điểm luyện tập Pháp Luân Công mọc lên trên khắp cả nước. Mỗi khi có người đi qua các điểm luyện tập này đều có học viên ra phát tờ rơi quảng cáo, giới thiệu về Pháp Luân Công để dụ họ tìm hiểu và tham gia. Hiện có hơn 30 trang web truyền bá Pháp Luân Công của nhóm tín đồ và tổ chức này,” Một Thế Giới viết thêm.
Việc các tờ báo nhà nước công khai chụp mũ các nghi can vụ giết người là “thành viên tu tập Pháp Luân Công” khiến cộng đồng mạng đặt nhiều dấu hỏi về động cơ của CSVN khi tạo hình ảnh xấu gắn liền với một môn thực hành tâm linh của Trung Quốc kết hợp các bài tập tọa thiền và khí công dựa trên một triết lý đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn.
Luật Sư Nguyễn Hà Luân bình luận trên trang cá nhân: “[Theo báo chí tường thuật thì] kẻ thủ ác toàn phụ nữ và nại ra lý do phát hiện “quỷ nhập hồn” nên ra tay với nạn nhân. Điều đáng nói, quá trình gây tội ác được khai nhận là “trong quá trình tu tập Pháp Luân Công”. Quay trở lại cách đây 20 năm, khi [cựu Chủ Tịch Trung Cộng] Giang Trạch Dân phóng tay phát động tấn công Pháp Luân Công ở Đại Lục, cũng bắt đầu vin vào những nguyên cớ nhỏ nhoi để đẩy thành chiến dịch đàn áp kinh hoàng và đẫm máu, kéo dài hàng chục năm. Liệu lời khai của những người này, có thể trở thành nguyên cớ để chống lại Pháp Luân Công ở Việt Nam hay không? Tôi hy vọng, sự việc chỉ được khoanh lại ở chính vụ án này mà không trở thành khởi đầu cho một chiến dịch tương tự ở Trung Hoa Đại Lục.”
Tuy CSVN không có lệnh cấm chính thức Pháp Luân Công, nhưng đến nay đã xảy ra nhiều vụ người phát tán tài liệu Pháp Luân Công cũng như các học viên của môn phái này bị công an các tỉnh thành sách nhiễu, tấn công hoặc bắt giữ với cáo buộc hành vi “gây rối/phát sóng thông tin khi chưa có giấy phép”.
Báo Quân Đội Nhân Dân hôm 1 Tháng Năm viết: “Tà đạo đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương, như: Tin Lành Đề Ga, Hà Mòn, Pháp Luân Công và đặc biệt gần đây là tà đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời, dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, song, đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng ngàn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Việc tuyên truyền, phát triển tà đạo đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội tại địa phương.”
Nguồn: Người Việt