Mỹ cam kết bảo vệ chủ quyền các nước Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Mỹ cam kết bảo vệ chủ quyền các nước Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Ngày đăng 20-05-2019

Phát biểu tại Viện Clermont (Singapore), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia cùng chung chí hướng trong khu vực nhằm giúp bảo vệ chủ quyền các nước ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

\"\"/

Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ đang hợp tác cùng với các nước như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đảm bảo sự bảo vệ chủ quyền khỏi sự cưỡng ép cho mỗi quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông Pompeo cho rằng “đây là một phần của một cam kết lớn hơn hướng tới một trật tự tự do và cởi mở ở khu vực. Tất cả các bạn cũng nên biết điều này: Dấu ấn đặc biệt của nền văn minh phương Tây là niềm tin vào giá trị vốn có của con người, với sự tôn trọng đối với các quyền và tự do. Tất cả mọi người đều được tạo ra bình đẳng như nhau. Và chúng tôi phải giúp các quốc gia bảo vệ điều này”.

Trước đó, Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines (2/5 – 8/5) đã tiến hành tập trận ở Biển Đông. Tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ, tàu sân bay trực thăng JS Izumo và tàu khu trục JS Murasame của Nhật Bản, tàu khu trục INS Kolkata và tàu tiếp liệu INS Shakti của Ấn Độ và tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio của Philippines. Trong cuộc tập trận, hải quân 4 nước đã thực hiện nhiều bài tập lập đội hình, liên lạc, vận chuyển binh lính, trao đổi giữa các sĩ quan lãnh đạo. Đây là lần đầu bốn nước nói trên cùng tham gia tập trận tại Biển Đông. Hạm trưởng Andrew J. Klugcủa tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence cho biết, cuộc tập trận với các đồng minh, đối tác và bè bạn trong khu vực là cơ hội để Mỹ xây dựng mối quan hệ tốt đang hiện hữu; nhấn mạnh hoạt động diễn tập chung trên biển như thế này giúp cho việc tăng cường hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thiếu tướng Hải quân Nhật Bản Mokawa cho biết, cơ hội hợp tác hàng hải với Hải quân Mỹ và các đối tác trong khu vực lần này là một trải nghiệm rất tốt, ngoài việc xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, đây cũng là cách tăng cường hòa bình và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giữa các tàu của hải quân 4 nước đã triển khai các kỹ năng tác chiến cao siêu và tinh thần chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, phản ứng trước sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các nước không nên “nuông chiều” bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên cho rằng, “theo nguyên tắc, các chính sách và hành động của mỗi quốc gia liên quan trong một khu vực nên được đảm bảo, thay vì làm suy yếu, hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực thay vì phá hoại chúng”.

Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump (11/2017) lần đầu tiên đề cập Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ý nghĩa của khía cạnh “tự do” trong chiến lược là chỉ các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể tự theo đuổi những con đường riêng mà không bị ép buộc. Ngoài ra, Mỹ mong muốn các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được hưởng quyền tự do hơn, bao gồm tự do về quản lý, quyền hạn cơ bản, minh bạch và chống tham nhũng. Ý nghĩa của khía cạnh “rộng mở” là chỉ việc Mỹ muốn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể mở rộng hơn nữa, trước hết là đường biển và đường không, sau là về hậu cần – cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các nước hội nhập khu vực tốt hơn và phát triển kinh tế mạnh hơn.

Đáng chú ý, giới chuyên gia cho rằng khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Về mặt địa chiến lược, Biển Đông không chỉ là một vùng biển quan trọng, nó còn nằm ở vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nó có tuyến đường hàng hải ngắn nhất kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tiến sỹ Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy, Australia nhận định, nếu nhìn vào các nước tiếp giáp Biển Đông thì Biển Đông là nguồn cung cấp nhiên liệu và thực phẩm dồi dào cho các nước ven biển. Tuy nhiên, giá trị địa chiến lược mới là vấn đề mấu chốt. Vai trò của Biển Đông rất là quan trọng bởi vì đây là vấn đề mà Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không thống nhất. Nếu Trung Quốc ép buộc các nước Đông Nam Á phải công nhận rằng Trung Quốc có yêu sách ở vùng biển này thì sẽ rất khó khăn cho các nước sau này trong việc duy trì khu vực “tự do và rộng mở” hay việc duy trì trật tự của luật pháp. Vì vậy Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước tiếp giáp vùng biển này mà đây là nơi mà có thể kiểm chứng cách hành xử của Trung Quốc sẽ được khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng đánh giá, được chấp nhận hay không chấp nhận.

Trong khía cạnh khác, Mỹ coi là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Biển Đông có địa chiến lược trọng yếu, tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Vì vậy, việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là cách để Mỹ bảo vệ lợi ích của công dân và thị trường Mỹ, bảo đảm sự tự do và an ninh giao thông đường biển, duy trì thế cân bằng lực lượng, thúc đẩy các mặt dân chủ và nhân quyền theo tiêu chuẩn của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đang đe dọa dòng chảy thương mại tự do, đe dọa thu hẹp chủ quyền của các quốc gia, làm suy giảm sự ổn định khu vực và việc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nước này đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.

Không những vậy, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa có một cơ chế đa phương về an ninh tập thể mà chủ yếu dựa trên các hiệp định và thỏa thuận song phương, như: Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc… nên Mỹ thấy cần phải tập hợp lực lượng, thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh tại khu vực, trong đó khuyến khích vai trò của Ấn Độ, để bảo vệ lợi ích, duy trì ảnh hưởng và vị trí siêu cường của mình tại khu vực.

Theo các chuyên gia, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ khiến khu vực trở thành một sân chơi mới, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, tự do và cởi mở, hoàn toàn không bị lệ thuộc vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Mặt khác, chiến lược này tạo thêm động lực, nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh của các nước trong khu vực, đảm bảo cho họ có cơ hội tranh thủ được những yếu tố phù hợp, như: vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung. Ngoài ra, việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ làm nảy sinh cạnh tranh mạnh mẽ trong quan hệ giữa các nước lớn, tạo nhiều cơ hội để các nước nhỏ trong khu vực tranh thủ hợp tác xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ, phục vụ hiện đại hóa quân đội của mình.

Tuy nhiên, việc đồng thời có cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ có thể khiến khu vực rơi vào tình trạng căng thẳng, cạnh tranh, nhất là tại những điểm nóng, như: Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Thêm vào đó, sự cọ xát giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.

Thời gian tới, Mỹ và các nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. (1) Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường căng thẳng địa chính trị, đặc biệt nếu Bắc Kinh nhận thấy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một sự bao vây và ngăn chặn mang tính khiêu khích. (2) Việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự tại các khu vực rộng lớn có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng. (3) Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là một thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ sẽ nhấn mạnh rằng ASEAN vẫn đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực. Tuy nhiên, các nước trên có khả năng bỏ qua ASEAN bằng cách thực hiện hành động cấp khu vực theo những phương cách không yêu cầu ASEAN đóng vai trò chủ đạo tại thời điểm nhóm 10 thành viên Đông Nam Á không tìm được giải pháp cho các đảo nhân tạo ở Biển Đông, hay vấn đề nguồn nước sông Mê Công.

Bài Liên Quan

Leave a Comment