\’Đảo giấu vàng\’, cá voi Moby Dick và vết sẹo Drake ở Chile
Tom Garmeson-BBC Travel
Hòn đảo nhỏ xa xôi là nơi trú ẩn của bọn cướp biển, các nhà thám hiểm và cả con cá voi khổng lồ nổi tiếng.
Linh hồn, hải tặc và bãi tàu đắm
Theo chuyện dân gian kể lại, người thổ dân bản địa Mapuche ở Chile tin rằng linh hồn người chết được đưa đến đảo Mocha.
Hòn đảo hình giọt nước nhỏ xíu nằm cách bờ biển Thái Bình Dương miền trung Chile chừng 35km, có những sườn dốc xanh thẫm mà ta rất dễ dàng nhìn thấy từ đất liền. Nhưng để đến được Mocha thì không dễ gì.
Không có phà chở khách hay dịch vụ tàu công cộng đến nơi này. Cách duy nhất để đến hòn đảo nhiều núi, rộng 48km2, là bằng máy bay cánh quạt sáu chỗ ngồi, khởi hành từ làng đánh cá Tirua trên đất liền.
Bước ra khỏi máy bay trên phi trường lộng gió, người ta không thể cảm thấy đảo Mocha heo hút hơn thế.
Nhưng sự hoang vắng và tịch lặng của đảo Mocha chỉ là vẻ bề ngoài, giúp che giấu hàng thế kỷ buôn bán, xung đột và biến động.
Cướp biển đến rồi đi. Nhiều tàu thuyền mắc cạn. Hòn đảo được hình thành từ biển cả và rất nhiều xác tàu đắm.
\”Đảo Mocha không phải là nơi hoang vắng nhất trên thế giới. Không, tình hình chính trị thế giới trong suốt thế kỷ 17 đã khiến nơi này nằm trong tâm bão,\” nhà nhân học xã hội Daniel Quiroz và Juan C Olivares nói.
Thời gian ngưng đọng
Một con đường đất nhỏ chạy quanh bờ biển đảo Mocha. Cảnh người dân địa phương (gọi là người Mochano) đi lại bằng ngựa và xe thồ không phải là chuyện hiếm gặp.
Con đường kết nối 800 cư dân của Mocha lại với nhau, hầu hết đều sống trong những căn lều nhỏ nằm rải rác quanh đảo.
Ngoài một vài cửa hàng bán đồ rau quả, nơi đây hầu như không có mấy tiện ích nào khác.
Bệnh viện, trường học và siêu thị gần nhất đều ở cách một chuyến bay. Ngoài TV và điện, cuộc sống hầu như không có gì khác so với bốn thế kỷ trước.
Ngày nay, hầu hết dân Mochanos tiếp tục sống dựa vào đất, giống như những gì mà thổ dân Mapuche trước đây từng dựa vào.
Người Mapuche, vốn đã sống trên đảo cho mãi đến tận Thế kỷ 17, là những người rất điêu luyện với cuộc sống cả trên đất liền lẫn nơi biển khơi.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy họ là những người đi biển và là ngư dân rất cừ khôi, mà làm nông cũng vô cùng khéo léo. Họ ủ chicha, một thức uống có cồn làm từ ngô lên men, nuôi lạc đà guanaco, xén lông làm len để làm may quần áo.
Vết sẹo của Drake
Người Tây Ban Nha là những người bên ngoài đã đến đây đầu tiên. Họ thả neo đậu tàu trong chốc lát hồi năm 1544 và được cho là đã giết chết rất nhiều người Mapuche.
Nhưng có lẽ cuộc đụng độ kịch tính nhất là vụ xảy ra vào năm 1578, khi một nhà thám hiểm hàng hải tư nhân khét tiếng người Anh có tên là Francis Drake ghé chân trong chuyến hải hành vòng quanh thế giới nổi danh của mình.
Vị giáo sĩ của Drake, có tên là Francis Fletcher, đã viết về hòn đảo như sau: \”Chúng tôi nhìn thấy một nơi thật màu mỡ, có toàn những thứ tốt đẹp.\” Dân địa phương ban đầu có vẻ thân thiện. Họ mời tặng những người từ trên thuyền tới \”hai con cừu rất béo\”, Fletcher viết.
Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng biến hoá, và \”bằng mũi tên, [dân đảo] đã gây thương tích cho tất cả mọi người trong chúng tôi\”. Drake đưa được tàu ra khơi và cuối cùng hoàn thành chuyến hải hành, nhưng theo truyền thuyết, gương mặt của Drake đã bị sẹo trong cuộc giao tranh – dấu vết còn lại vĩnh viễn, khiến ông luôn ghi nhớ về cuộc chạm trán với người Mapuche.
Thiên đường của dân thám hiểm
Theo nhiều lời kể thì vào Thế kỷ 17, quan hệ giữa những người thám hiểm và người Mapuche đã khá hơn. Hai nhà thám hiểm người Hà Lan là Olivier van Noort và Joris van Spilbergen lần lượt đến thăm đảo vào đầu thập niên 1600, và những ghi chép cho thấy họ được chào đón nồng nhiệt.
Qua nhiều năm, dân đảo bắt đầu thấy các vị khách từ bên ngoài đến chính là một nguồn lợi, và Mocha nhanh chóng trở thành nơi ghé chân cho tàu nước ngoài đi lại trên Thái Bình Dương. Dân đảo vui vẻ đổi gia súc, ngô và khoai tây lấy thép mà các tàu thuyền từ bên ngoài mang đến, và họ đôi khi bán lại thép cho đồng hương sống trên đất liền.
Những nhà thám hiểm tư nhân người Anh và Hà Lan sau khi để lại cho hòn đảo đầy những thứ hàng hóa lại tiếp tục giong buồm ra khơi trên Thái Bình Dương, và thỉnh thoảng thuận đường sẽ cướp phá tàu thuyền cùng các cảng biển của Tây Ban Nha.
Làn gió đổi thay
Drake, van Noort và van Spilbergen được ca tụng ở quê nhà nhờ những chuyến phiêu lưu quả cảm của mình. Thế nhưng trong mắt người Tây Ban Nha, vốn tới xâm chiếm Chile từ năm 1540 đến 1818, thì họ chẳng khác gì lũ hải tặc.
Dân đảo, được cho là đã chấp nhận sự bóc lột từ những người này, thì bị coi là những kẻ gây rối. Năm 1685, một đội tàu Tây Ban Nha do Jeronimo de Quiroga dẫn đầu đã đến \’làm cỏ\’ cả hòn đảo, đốt phá mùa màng, lều tranh của dân đảo.
Những người sống sót bị quây lại, bị xua lên tàu chở về đất liền, nơi họ bị tái định cư bên bờ sông Biobio.
Người Mapuche từ đó không bao giờ quay trở lại đảo Mocha.
Sang đến thế kỷ tiếp theo, hòn đảo dần trở nên hoang vắng. Cây cối nuốt dần những dấu tích còn lại của dân cư từng sống trên đảo.
Chú cá voi nổi tiếng
Về mãi sau này, nhờ cảm hứng của tác giả người Mỹ Herman Melville mà Đảo Mocha mới trở thành cái tên nổi tiếng.
Thậm chí ngay cả những ai chưa từng đọc tác phẩm kinh điển mà Melville viết năm 1851, cuốn \”Moby Dick\”, cũng quen thuộc với chú cá voi cùng tên trong tác phẩm.
Tuy nhiên, không mấy ai để ý đến nguồn cảm hứng khiến tác giả viết nên quyển tiểu thuyết.
Năm 1839, tạp chí Knickerbocker xuất bản cố ý nêu đích danh một con cá nhà táng trắng thường xuyên xuất hiện ở vùng biển ngoài đảo Mocha. Tên con cá? Mocha Dick.
Bài báo do nhà thám hiểm người Mỹ Jeremiah N Reynolds viết, mô tả sự vĩ đại của con cá voi Mocha Dick, vốn đã thoát khỏi sự săn bắt của các tàu săn cá voi. \”Từ lần xuất hiện đầu tiên của cá voi Dick, nó ngày càng nổi danh, cho đến khi tên của chú cá tự nhiên xuất hiện trong cuộc chuyện trò mà những thủy thủ tàu săn cá voi trao đổi theo thói quen,\” Reynolds viết. \”Có tin gì về Mocha Dick không?\” họ thường hỏi nhau tại cảng.
Cá voi Mocha Dick huyền bí
Sau cuộc vây bắt đầy kịch tính vào thập niên 1830, chú cá voi đáng sợ rốt cuộc đã bị giết chết.
Người đầu tiên trên con tàu tham gia đánh bắt được dẫn lời nói lưng cá voi Dick được phát hiện \”có không dưới 20 mũi lao… những vật lưu dấu gỉ sét từ nhiều cuộc chạm trán bất lực.\”
\”Mocha Dick là con cá voi dài nhất mà tôi từng thấy tận mắt,\” nhân chứng này nói thêm.
Ngày nay, người đảo Mochanos vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với câu chuyện.
Vùng biển giữa đảo Mocha và đất liền Chile là vùng săn cá voi trong thời gian đầu Thế kỷ 19. Những tay thợ săn cá voi thỉnh thoảng cũng đưa tàu trú trên bờ biển Mocha.
Trong thực tế, xương những con cá nhà táng mắc cạn vẫn tiếp tục tấp vào bờ biển và ngày nay dân đảo vẫn tự hào trưng bày những bộ xương đó trước cửa nhà.
Hoang đảo
Ngoài việc thảng hoặc có tàu săn cá voi ghé qua, trong hầu hết thời gian, đảo Mocha bị bỏ hoang kể từ khi bị người Tây Ban Nha đốt phá hồi 1685 cho đến giữa Thế kỷ 19.
Vào năm 1857, hòn đảo được thương nhân người Chile Juan Alemparte thuê lại. Ông đã tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc đưa nông dân từ đất liền Chile quay trở lại đảo.
Vùng đất trũng trồng trọt đó sau này được chia thành 32 lô đất tư nhân, việc phân chia vẫn còn đến ngày nay.
Rất nhiều dân đảo làm việc trên đất liền, đưa cừu, bò đi qua đi lại giữa bãi biển và rừng cây.
Vài thập niên gần đây, nền du lịch nhỏ nhưng bắt đầu bừng nở ở Mocha, với các thú vui như câu cá, ngắm chim và đi bộ dã ngoại đã đưa những du khách liều lĩnh từ Chile và nơi khác đến.
Sự thiếu phát triển trên đảo Mocha khiến rừng nguyên sinh phát triển rậm rạp ở phần cao nguyên trung phần, và 45% diện tích đảo giờ đây là khu dự trữ bảo tồn tự nhiên.
Khi đi bộ lên từ bờ biển, tiếng gió hút đột nhiên ngừng bặt, thay vào đó là tiếng chim hót vang vọng qua rặng cây olivillo và cây arrayan.
Hòn đảo là nơi cư trú của ít nhất 70 loài chim khác nhau, trong đó có cả loài hải âu chân hồng đang bị đe dọa tuyệt chủng; chúng thường làm tổ ở những hang hốc nhỏ do rễ cây rừng rậm rạp tạo thành.
\”Chúng tôi không sử dụng đồng hồ ở đây nhiều lắm. Sự thúc bách của thành phố không tồn tại,\” Hernan Neira, chủ hai khách sạn trên đảo, nói.
Kho báu nổi trôi
Khu lều cho du khách của Neira nằm tựa vào phần triền đồi uốn cong phủ rừng gần phần mũi phía bắc hòn đảo.
Muốn biến nơi này là nơi kính ngưỡng lịch sử hàng hải của đảo Mocha, ông đã dành hơn một thập kỷ thu gom hiện vật và những vật kỳ lạ đem về nhà.
Giữa sảnh có một nồi hơi gỉ sét cao vài mét, được lấy từ một con tàu hơi nước trôi dạt vào bờ biển. Giờ đây, nó được Neira dùng làm lò sưởi.
Thời còn trẻ, Neira thường đi lặn giữa những bãi tàu đắm tìm kiếm hiện vật hàng hải. Hiện vật lớn nhất đến từ bờ biển và cần đến máy đào để trục vớt từ dưới cát lên.
\”Một số thứ rất khó khăn. Tôi tốn nhiều tháng để trục vớt chúng,\” ông nói.
Neira nói vẫn còn nhiều kho báu ẩn dưới bề mặt sóng biển. \”Nhiều người từng đến đây tìm kiếm một chiếc chiến thuyền Tây Ban Nha có tên là Rosetta, là con tàu chở vàng đến Châu Âu,\” ông nói. \”Truyền thuyết nói rằng tàu đã chìm đâu đó giữa bờ biển của đảo này và Tirua.\”
Nhưng điều kiện khí hậu khiến thợ lặn và người truy tìm phải chọn thời điểm thích hợp. \”Đó là khi hòn đảo cảm thấy muốn, chứ không phải là khi bạn thấy muốn,\” Neira nói . \”Hòn đảo hay thay đổi như vậy.\”
Vùng biển hiểm nguy
Không phải ngẫu nhiên mà hòn đảo nhỏ này là nơi có rất nhiều xác tàu đắm dạt vào.
\”Đảo Mocha có độ lệch từ tính khiến la bàn của các tàu định vị sai, khiến họ đi chệch hướng đến hòn đảo,\” Neira nói. \”Bờ biển thì rất nông, khắp quanh đảo cho độ sâu không quá 1 – 1,5m.\”
Vào đầu thập niên 1990, hải quân Chile đã lắp đặt các ngọn hải đăng ở Mocha nhằm tránh các vụ tai nạn kiểu này, nhưng sức mạnh thiên nhiên vẫn uy hiếp hơn.
Năm 1960, trận động đất lớn nhất trong lịch sử xảy ra ở Chile.
Được ghi nhận với độ mạnh 9,5 độ Richter, cơn địa chấn gây ra một trận sóng thần mạnh tới nỗi vào thời điểm đó khi nó tràn đến bờ biển Nhật Bản, cách Chile hơn 17.000km, sóng biển vẫn cao 5,5m.
Giữa cơn hỗn loạn, một tàu hơi nước tên là Santiago đã bị giật phăng khỏi nơi neo đậu từ thị trấn cảng Corral ở Chile, và bằng cách nào đó dạt vào nơi cách đó 160km về phía bắc, mắc kẹt lại trên bờ biển Đảo Mocha.
Dân đảo giúp thuyền trưởng cứu hộ những gì có thể, và nhiều phần của con tàu giờ đây vẫn tô điểm trên tường nhà của những ngôi nhà trong vùng. Neo của tàu vẫn còn nằm trong vùng biển này, Neira hi vọng có thể trục vớt khi thủy triều, gió và sóng biển cho phép.
Những hành trình lịch sử
Trong khi dân đảo vẫn đang bận tâm về những kho báu có lẽ còn đang nằm ngủ dưới con sóng, thì một số nhà khảo cổ học tin rằng hòn đảo đã tiết lộ một bí mật thú vị hơn nhiều.
Vào năm 2007, các nhà nghiên cứu xem xét lại một loạt xương sọ người tìm thấy ở đảo Mocha đã bị quên lãng hàng thập niên trong khu lưu trữ bảo tàng ở thành phố Concepción của Chile và đã tìm ra một số phát hiện đáng kinh ngạc.
Một số xương có vẻ như là của người đảo Polynesia từ những năm 350-1290; điều này củng cố thêm lý thuyết cho rằng người Polynesia cổ đại đã có thể giong buồm ra khơi xa đến 7.500km, vượt Thái Bình Dương để đến được Nam Mỹ trước người châu Âu.
Bên cạnh xương sọ còn có một số bằng chứng khác gợi mở một số liên hệ văn hóa giữa hai nhóm người vốn sống ở những nơi rất xa nhau.
Sự tương đồng về công cụ lao động, từ vựng và tập quán của vùng Thái Bình Dương và cộng đồng Nam Mỹ bản địa đã được các nhà khảo cổ quan sát nhiều năm, và khám phá lớn đến vào năm 2007.
Khi đó, xương gà được tìm thấy ở phần xa xôi phía trên bờ biển Chile đã được phân tích carbon, và kết quả cho thấy là nó có niên đại thuộc về thời tiền Columbia. Các thí nghiệm DNA cho thấy những sinh vật này đến từ vùng quần đảo Polynesia.
Hành trình xuyên đại dương
Không giống như những thủy thủ người Hà Lan hồi Thế kỷ 17, những nhà thám hiểm người Polynesia không để lại bất cứ ghi chép gì, và người ta cần có thêm bằng chứng mới có thể thuyết phục được những người theo chủ nghĩa hoài nghi rằng đã từng có sự gặp gỡ xuyên Thái Bình Dương.
Nhưng những mảnh thông tin mà các nhà khảo cổ, nhà nhân chủng học và nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã dành nhiều năm để chắp nối lại với nhau đã chỉ cho chúng ta thấy sự tồn tại của một trong những hành trình vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Và một lần nữa, dường như hòn đảo Mocha bé nhỏ đã đóng một vai trò trong hành trình chinh phục đại dương đó.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.