Đến hẹn lại lên, Biển Đông sẽ tiếp tục “nóng” tại Đối thoại Shangri-La 2019

Đến hẹn lại lên, Biển Đông sẽ tiếp tục “nóng” tại Đối thoại Shangri-La 2019

Ngày đăng 22-05-2019

Từ 31/5 – 2/6, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á năm 2019 (Shangri-La 2019). Dự kiến, vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được quan chức quốc phòng các nước tập trung thảo luận.

\"\"/

Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ, được tổ chức hằng năm tại Singapore kể từ năm 2002. Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002. Hội nghị thượng đỉnh dùng để nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Các đoàn đại biểu Chính phủ đã tận dụng tốt nhất các hội nghị bằng cách tổ chức những cuộc họp song phương với các đoàn đại biểu khác bên lề hội nghị. Dù chủ yếu là một hội nghị liên chính phủ, Hội nghị cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Shangri-La những năm qua đến từ các nước Australia, Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trong những năm qua, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như hành động phi pháp, đơn phương của Trung Quốc trong khu vực luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi và phản đối của cộng đồng quốc tế, cụ thể:

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 (năm 2018), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề cập tầm nhìn cũng như những biện pháp của Mỹ đảm bảo một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đối với không chỉ an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, Mỹ khẳng định tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với trụ cột ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng cho tất cả; đồng thời, bày tỏ sự hoài nghi về những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, “chiến lược của Mỹ nhấn mạnh rằng, không có quốc gia có khả năng hay chắc chắn chế ngự khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Các nước đều phải có trách nhiệm hợp tác xây dựng tương lai chung. Tương lai dựa vào sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia lớn hay nhỏ, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, tự do và công bằng trong các hoạt động thương mại, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”. Ông Mattis cho biết Washington sẽ tăng cường can dự vào khu vực này trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng các lợi ích của khu vực này gắn chặt với lợi ích của Mỹ. Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Mattis nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích “đe dọa và gây sức ép” với các nước láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự.  Theo Bộ trưởng Mattis, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích “đe dọa và gây sức ép” là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại đầu tư tự do và công bằng, cũng như tuân thủ các luật lệ và quy định quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 (năm 2017), đã nhất trí thông qua nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực phải dựa trên việc tuân thủ luật lệ quốc tế.Đứng trước một loạt thách thức an ninh như căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay mối đe dọa khủng bố đang lan rộng trong khu vực, hội nghị đã nhất trí về sự cần thiết phải tìm kiếm một nền tảng chung để xử lý các vấn đề an ninh.

Điểm nổi bật tại Đối thoại lần này là nhiều vấn đề thách thức an ninh đã được đưa ra thảo luận mà không né tránh, trong đó bao gồm vấn đề Biển Đông, an ninh biển, chương trình hạt nhân Triều Tiên hay chống khủng bố. Về quan điểm đối với an ninh khu vực, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Australia nhấn mạnh cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo hướng tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đây chính là chìa khóa để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực. Điều này cũng liên quan đến việc các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí về dự thảo khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản cho rằng trật tự quốc tế phải được tôn trọng dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ; và luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định thiếu sáng suốt.

Trong bài phát biểu trước các đại biểu và giới truyền thông tham dự Đối thoại Shangri-La 16, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Đây là tuyên bố hiếm hoi của một quan chức hàng đầu trong chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump về cách tiếp cận riêng biệt đối với khu vực này trong khi sự phối hợp với Trung Quốc vẫn còn là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên và những tranh cãi về vấn đề Biển Đông.

Ông Mattis đã trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền mới của Mỹ về khu vực này. Thứ nhất, ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường quan hệ liên minh với các đồng minh ở khu vực gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho 2 bên, trong khi kiềm chế kế hoạch của những nước muốn tấn công hoặc tìm cách áp đặt ý chí của họ lên các nước khác. Thứ hai, Mỹ có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể duy trì hòa bình và an ninh quốc gia. Ông Mattis đánh giá nhiều nước trong khu vực là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ASEAN. Cuối cùng, ông tuyên bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao.

Một nội dung khác đáng quan tâm trong bài phát biểu của ông Mattis là việc ông cảnh báo Washington không chấp nhận hành động quân sự hóa và triển khai vũ khí của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Bộ trưởng Mattis khẳng định Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng” làm ảnh hưởng tới tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (năm 2016), trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O-Cha đã nêu rõ căng thẳng trên Biển Đông là thách thức đầu tiên trong 7 thách thức mà khu vực châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Thủ tướng Thái Lan cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo ông Prayuth Chan O-Cha, “chúng ta cần thúc đẩy tự do hàng không, tự do hàng hải cũng như ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.

Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC sẽ tạo ra không khí để giải quyết vấn đề và chúng tôi ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Các nước có tranh chấp chủ quyền cần tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để cho thấy ý chí chính trị giải quyết vấn đề”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Ashton Carter nhận định, “tại Biển Đông, Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động mở rộng và chưa từng có tiền lệ, gây lo ngại về những toan tính chiến lược của Trung Quốc. Các nước trong khu vực đã có những hành động và lên tiếng, công khai hoặc ngầm, bày tỏ lo ngại ở cấp cao nhất tại các hội nghị khu vực và các diễn đàn toàn cầu.

Vì vậy, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập nước này vào thời điểm cả khu vực đang xích lại gần nhau và liên kết cùng nhau”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông – nơi mà Ấn Độ có cùng lợi ích. Ông Manohar Parrikar khẳng định căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại hiện hữu. Ấn Độ có quan hệ truyền thống với các nước ở phía biển Đông. Hơn ½ hàng hóa thương mại của Ấn Độ vận chuyển qua vùng biển này nhưng Ấn Độ không đứng về bên nào trong tranh chấp mà cần được giải quyết hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải và tự do hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ.

Dự kiến, tại Đối thoại Shangri-La năm 2019, các nước sẽ tiếp tục tập trung nêu quan ngại về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán và ký kết COC; hoạt động tuần tra tự do hàng hải trong khu vưc..

Bài Liên Quan

Leave a Comment