Hoa Kỳ muốn ngăn Trung Quốc thống trị châu Á và thế giới

Hoa Kỳ muốn ngăn Trung Quốc thống trị châu Á và thế giới

Tú Anh-Đăng ngày 21-05-2019 

\"media\"/

Hoa Vi – tập đoàn viễn thông Trung Quốc – tâm điểm cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.ALAIN JOCARD, CHRISTOF STACHE / AFP

Thương chiến Mỹ-Trung, Donald Trump đập thẳng vào Trung Quốc. Tham vọng thống trị châu Á của Tập Cận Bình đụng phải một mặt trận chung. Tai tiếng đảng cực hữu của Áo thông đồng với Putin tác hại phe dân túy châu Âu trong mùa bầu Nghị Viện. Đây là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay, 21/05/2019.

« Hoa Vi tổn thương vì các đối tác Mỹ ngưng hợp tác », tựa trên trang kinh tế của Les Echos. Nhật báo thiên hữu Libération, chơi chữ  trong bài phân tích « Mỹ-Trung bới lông tìm ʺrậnʺ », thẩm định phương Tây tìm cách ngăn chận gián điệp Trung Quốc xâm nhập. Về phần Le Figaro, bên cạnh thông tin « Donald Trump đập Trung Quốc », nhật báo thiên hữu cung cấp một loạt bài xã luận và phỏng vấn cùng một hướng : đã đến lúc phải đánh mạnh.

Mỹ thực hiện điều mà ai cũng nghĩ đến mà không nói ra

Với hàng tựa « Các bài học nước Mỹ », xã luận của Le Figaro cho rằng chủ nhân Nhà Trắng với những « tweet » bốc lửa, với lập trường thay đổi như chong chóng, không phải là một nhà ngoại giao khôn khéo. Nhưng người ta cũng phải nhìn nhận Donald Trump biết lay chuyển tình thế tưởng chừng như đã đóng băng.

Trung Quốc từ trước đến nay tự cho là bất khả xâm phạm, là cương cường bất trị, giờ đây học phải bài học chua cay. Sự kiện tập đoàn viễn thông số một của Trung Quốc bị Mỹ thẳng thừng hất cẳng nổ vang như sấm sét. Lần đầu tiên phương Tây cảm thấy có thể đương cự lại bánh xe « ủi lô » của Trung Quốc. Đằng sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung 18 tháng qua, từ nay mở ra mặt trận công nghệ cao.

Mỹ thực hiện điều mà ai cũng nghĩ đến mà không nói ra. Từ lâu nay, Trung Quốc xây dựng sức mạnh bất chấp mọi nguyên tắc cạnh tranh từ kinh tế cho đến xã hội và môi trường. Trong lúc Trung Quốc xâm nhập thị trường thế giới, thì các công ty tại Hoa lục được cửa đóng then gài, ép buộc đối tác chuyển giao công nghệ.

Ngày nay, các tập đoàn Trung Quốc thu đoạt hàng loạt lãnh vực kinh tế thế giới, do được Bắc Kinh tài trợ không giới hạn, để gây ảnh hưởng tại một số quốc gia. Một trong số các tập đoàn này là Hoa Vi. Công nghệ 5G là chìa khóa tủ sắt các dữ kiện nối kết nhau của hàng tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Chính vì cái « đế quốc thương mại này và bộ máy thống trị công nghệ này » mà Donald Trump chống đối kịch liệt, trong khi châu Âu tỏ ra rụt rè trước Bắc Kinh. Châu Âu cần phải thay đổi thái độ vì tương lai của mình.

Nhật báo công giáo La Croix cũng hòa nhịp với các đồng nghiệp. « Chúng ta không nên ngây thơ : các đại công ty công nghệ viễn thông có phương tiện đủ mạnh để theo dõi và can dự và đời sống chúng ta. Do vậy, nước Mỹ có lý do chính đáng để lo ngại Hoa Vi, cũng như chúng ta có quyền lo ngại các tập đoàn Google hay Facebook của Mỹ. Tuy nhiên, thái độ thận trọng này ít ra cũng hữu ích : bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng không đồng nghĩa với tự cô lập. »

Tấn công Hoa Vi là  chuyện « tất yếu »

Quyết định của tổng thống Mỹ đưa Hoa Vi vào danh sách các công ty đe dọa an ninh Mỹ là chuyện tất yếu, theo chuyên gia François Godement và nhà bình luận Renaud Girard.

Một thời gian dài được xem là chuyên gia có tiếng ít nhiều ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, François Godement dành cho Le Figaro bài phỏng vấn với nhận định dứt khoát :

« Chúng ta đang đối đầu với Bắc Kinh trong trận thế chiến lược và quân sự. Khi tấn công vào Hoa Vi, Donald Trump đánh trả đúng phương pháp, vì bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, nước Mỹ cũng gặp phải những vấn đề như châu Âu : Trung Quốc chỉ nhượng bộ đôi chút để giành trọn gói.

Điều nguy hiểm hơn nữa là, bên cạnh yếu tố thương mại, còn có vấn đề an ninh quốc gia. Điều không ai ngờ là Donald Trump ra tay rất nhanh và đánh trúng vào túi tiền của Hoa Vi. »

Cũng theo chuyên gia François Godement, Mỹ và Châu Âu có lý do khách quan để nghi ngờ Hoa Vi, bởi vì tập đoàn này không hề độc lập với chính quyền Trung Quốc và đã nhiều lần bị bắt quả tang đánh cắp thông tin. Cụ thể là Liên Hiệp Châu Phi, trang bị hệ thống viễn thông của Hoa Vi, đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu trong nhiều năm và chuyển về… Thượng Hải.

Tham vọng bá quyền kinh tế và quân sự của Trung Quốc được thấy rõ. Với ngân sách quốc phòng chỉ đứng sau Hoa Kỳ và tiếp tục gia tăng 10% mỗi năm, rõ ràng mục tiêu từ nay đến 2050 của Tập Cận Bình là khống chế châu Á. Thế mạnh của Bắc Kinh là xuất khẩu tự do, nhưng kiểm soát thị trường nội địa. Nhưng tử huyệt của Trung Quốc là lầm tưởng có thể thủ lợi trên mọi địa hạt, của mình mình giữ, của người mình chia.

Trung Quốc không thống trị được Châu Á

Trong bài « Trung Quốc không bao giờ thống trị được Châu Á », nhà bình luận, chuyên gia quốc phòng Renaud Girard cho là từ khi Tập Cận Bình sửa đổi Hiến Pháp để cầm quyền mãn đời, hủy bỏ chốt chận đề phòng tái diễn tình trạng nhũng lạm quyền thế thời Mao với cách mạng văn hóa, với Hồng vệ binh, Trung Quốc bị các nước láng giềng xem là mối đe dọa trực tiếp.

Ngày 19/05 vừa qua, có hai kết quả bầu cử rơi xuống cùng lúc và cùng ý nghĩa : Chiến thắng của thủ tướng Narendra Modi tại Ấn Độ và của thủ tướng Úc Scott Morrison tại Úc. Cả hai được bầu với cương lĩnh cứng rắn tuyệt đối với Bắc Kinh.

Một nước khác, Singapore, tuy nhỏ nhưng kiểm soát eo biển Malacca, với đa số dân là người Hoa nhưng không theo Trung Quốc. Singapore chọn theo liên minh bốn nền dân chủ Thái Bình Dương là Ấn, Nhật, Mỹ, Úc. Khu trục hạm Mỹ US Preble vừa đi ngang vùng bãi cạn Scaborough để chứng tỏ Hoa Kỳ không để cho Bắc Kinh thao túng biển Đông. Thái độ phô trương sức mạnh của Tập Cận Bình đã tạo phản ứng bất lợi cho Trung Quốc : thúc đẩy các quốc gia khu vực thắt chặt quan hệ truyền thống với đồng minh Hoa Kỳ.

Về kinh tế, thế giới tiến dần đến phân chia ảnh hưởng công nghệ cũng bất lợi cho Trung Quốc. Quyết định của Google lấy cớ tuân thủ sắc lệnh của tổng thống Donald Trump không chơi với Hoa Vi là một ví dụ điển hình. Trong cuộc đua công nghệ 5G, tập đoàn Samsung Hàn Quốc sẵn sàng trang bị cho châu Á, tức đứng về phe phương Tây.

Tác giả kết luận : Để canh tân quốc gia, có một  nguyên tắc mà Tập Cận Bình không hiểu, đó là phải biết gây cảm tình và cần có đối trọng quyền lực.

Công dân Châu Âu  đã « hiểu » Trung Quốc

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu Châu Âu có đủ sức tự vệ chống tham vọng Trung Quốc hay chăng ? Le Figaro khá tin tưởng :  Công dân Pháp đã hiểu sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc khi đầu tư vào nước Pháp : 43% xem Trung Quốc là mối đe dọa. Trong mùa bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tuy Trung Quốc không phải là chủ đề chính, đa số các ứng cử viên cũng bày tỏ lập trường qua các đề nghị ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc.

Để được hiệu quả, Ủy Ban Châu Âu đã ban hành 93 biện pháp chống dumping hạ giá hàng xuất khẩu và 12 biện pháp chống tài trợ công ty, hai vũ khí trong chính sách cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment