Tác giả \’Chiều trên phá Tam Giang\’ qua đời ở Hoa Kỳ
Bùi Văn Phú Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ California
- Tô Thùy Yên có tên thật Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20/10/1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Ông là cựu học sinh Pétrus Ký, theo học ban Pháp văn Đại học Văn Khoa một thời gian, sau đó gia nhập quân đội, tốt nghiệp sĩ quan từ trường Bộ Binh Thủ Đức năm 1964. Ông làm công tác văn nghệ tại Cục Tâm Lý Chiến, Tổng cục Chiến tranh Chính trị cho đến ngày 30/4/1975 với cấp bậc sau cùng là thiếu tá.
- Sau khi chiến tranh chấm dứt, Tô Thùy Yên bị bắt đi học tập cải tạo 13 năm. Ông đến Mỹ theo diện HO năm 1993 và mất ngày 21/5/2019 tại Houston, Texas.
- Các sáng tác của ông đã được xuất bản gồm \”Thơ tuyển\” ấn hành 1995 và \”Thắp ta\” vào năm 2004.
Đọc tựa bài chắc làm gợi nhớ cho những ai lớn lên ở miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 1970 về một ca khúc đã vang vang trên làn sóng phát thanh và phát hình.
Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ đến bất tận
Em ơi, em ơi
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang…
Bài hát được nhiều người trẻ yêu thích vì ca từ lan man tâm trạng của thanh niên thiếu nữ thời bấy giờ, dù còn tung tăng sân trường, ở tuổi yêu đương hay đang xông pha ngoài chiến trường.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết ca khúc đó, phổ nhạc từ đoạn 2 của một bài thơ mang cùng tên, dài hơn 150 câu, của Tô Thùy Yên sáng tác năm 1972.
Thi sĩ đã ghi lại hình ảnh, suy tưởng của một người con trai là lính đóng quân ở miền Trung cô quạnh, nhớ về thủ đô nơi có người yêu với những sinh hoạt thường nhật, có không khí chiến tranh:
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
Ôi Sài Gòn Sài Gòn giờ giới nghiêm…
Nơi có tháng Sáu với nắng, mưa và những kỳ thi tú tài:
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Hàng cây viền ngọc thạch len trôi
Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh…
Sau biến cố 30/4/1975, nhạc sĩ và thi sĩ đều ở lại Việt Nam, cho đến đầu thập niên 1990 thì đi Mỹ định cư.
Như những thanh niên trong thời đất nước chiến tranh, hai ông gia nhập quân đội. Với tài năng văn nghệ nên cả hai phục vụ tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị, với cấp bậc sau cùng của Nhật Trường là hạ sĩ, Tô Thùy Yên là thiếu tá.
Ngày 30/4/1975 cộng sản nắm quyền kiểm soát Nam Việt Nam. Sau đó hạ sĩ quan như Nhật Trường phải học tập ngắn hạn tại chỗ. Sĩ quan các cấp, như Tô Thùy Yên, với lệnh trình diện yêu cầu đem theo đồ dùng cho một tháng nhưng đã bị đưa vào trong các trại cải tạo học tập nhiều năm, có người gần hai chục năm.
Viết trong \”Postcard from the End of America: New Haven\” [www.unz.com] ngày 1/5/2017 sau buổi đọc thơ tưởng niệm 30/4 ở Đại học Yale, chung với Phan Nhiên Hạo và Tô Thùy Yên, thi sĩ Đinh Linh ghi lại cuộc gặp gỡ, nghe ông kể ít nhiều về cuộc đời đã trải qua.
Sau mười năm học tập cải tạo, được thả tưởng chừng đã xong hết nợ oán thù. Tô Thùy Yên tiếp tục sáng tác, không ghi tên, nhờ một người quen đem một bài thơ ra nước ngoài cho bạn bè thân quen đọc. Không ngờ bài thơ được công khai trong những phê bình văn học tại hải ngoại. An ninh trong nước biết, bắt ông giam tù thêm ba năm nữa.
Đinh Linh ghi lại sự kiện về nhà thơ khi ông làm sĩ quan chiến tranh chính trị đã thẩm vấn những cán bộ cộng sản bị giam trong một nhà tù gần sông Sài Gòn. Sau tháng Tư năm 1975, cũng trong nhà giam đó, những cán bộ cộng sản lại là người đóng vai thẩm vấn thi sĩ. \”Lịch sử chỉ là những con người thay đổi lớp áo\”, Tô Thùy Yên lập lại một câu nói quen liên quan đến lịch sử.
Sáng tác và có thơ đăng báo khi chưa đến tuổi đôi mươi, trên báo Đời Mới vào thập niên 1950, Tô Thùy Yên là thi sĩ với những ngôn từ mới lạ, tuy các thể thơ của ông phần nhiều là thơ năm, bảy hay chín chữ và rất dài, đọc lên phảng phất nét thơ Đường, nhưng không phải thơ cổ.
Mấy câu thơ sau ông viết năm 1979, khi bị giam trong trại tù cải tạo ở miền Bắc:
Ở đây, địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau…
Bài thơ được xem như sáng tác đầu tay của ông, viết năm 1956, có những câu:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nồng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển, thở hào hển
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau…
Đó là thời gian của tạp chí văn học \”Sáng Tạo\”, trong đó Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo là những thi sĩ, nhà văn cột trụ có công khai sinh ra nền văn học miền Nam.
Sau khi được thả khỏi trại học tập cải tạo, Tô Thùy Yên viết \”Ta về\”, với 126 câu, được giới phê bình văn học nhận định là một bài thơ tiêu biểu cho giai đoạn khốn cực của đất nước, với khoảng thời gian mười năm ông bị đọa đầy, nhưng lời thơ phản ánh nét thâm trầm nhìn đời, không oán hận những oan khiên đã đổ xuống đời và trong đó thi sĩ đã gửi lại một tấm lòng hoà giải.
Bài thơ đã được giáo sư sử học Peter Zinoman từ Đại học Berkeley, California đề nghị, cùng với những ý tưởng trong sáng tác của các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, khi giáo sư được cố vấn của Tổng thống Barack Obama tham khảo để viết diễn văn cho lãnh đạo Mỹ.
Tuy không được trích dẫn trong diễn văn của Tổng thống Obama khi ông thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, nhưng hồn thơ của Tô Thùy Yên trong \”Ta về\” đã để lại dấu ấn về con người và sự nghiệp thi ca của ông.
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ…
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này…
\”Ta về\” ông viết năm 1985 ghi lại cảm nhận về chốn xưa, về đất nước sau khi ra tù. \”Chiều trên phá Tam Giang\” ông sáng tác vào tháng 6 năm 1972, khi cuộc chiến trong giai đoạn cao điểm chiến tranh, với sinh hoạt từ thôn quê đến thị thành.
Hai sáng tác đã vẽ lên quê hương trong hai giai đoạn của đời ông, là gương chiếu soi cho các thế hệ mai sau có cơ hội nhìn lại, suy tưởng về chiến tranh và hoà bình trên đất nước Việt Nam.
\”Chiều trên phá Tam Giang\” nhạc của Trần Thiện Thanh, thơ Tô Thùy Yên, đã là một ca khúc vượt thời gian từ khi ra đời gần nửa thế kỷ trước.
Mới đây, ca sĩ Đức Tuấn ở trong nước có thực hiện CD nhạc Trần Thiện Thanh, dịp giỗ nhạc sĩ lần thứ 14, trong đó ông cũng đã chọn ca khúc này đưa vào sản phẩm.
Tác giả Bùi Văn Phú dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống ở vùng Vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ. Bài thể hiện quan điểm riêng của ông.