Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, gây lo ngại
.
HÀ NỘI, Việt Nam – Vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019 với tỷ lệ 450% so với cùng thời gian này của năm 2018 gây nhiều lo hơn mừng đối với giới chuyên gia.
“Năm tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt $16.74 tỷ, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Vốn Trung Quốc cũng tăng, đạt $2 tỷ ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là $1.56 tỷ, tăng 450% so với con số $280 triệu cùng kỳ 2018.” Báo Người Đồng Hành (NĐH), một chuyên trang của tạp chí Nhịp Sống Số (của Hiệp Hội Phần Mềm VINASA) dựa trên các thống kê của nhà nước đưa ra.
Cuối tháng trước, người ta đã thấy tờ Đất Việt cũng dựa trên các con số thống kê chính thức nói rằng “Trung Quốc giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là $1.3 tỷ, 187 dự án mới. Những lĩnh vực đầu tư được ưu tiên gồm 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào công nghệ chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ.”
Khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ dữ dội sau một thời gian, báo chí quốc tế nói nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc bỏ chạy sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất để tránh bị áp đặt thuế quan trừng phạt khi xuất cảng đi Mỹ. Thậm chí có những hãng Trung Quốc mở các cơ sở trên đất Trung Quốc nhưng sát với Việt Nam, sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam rồi tuồn sang Việt Nam xuất sang Mỹ.
Tờ Đất Việt ngày 25 Tháng Năm, 2019 dẫn dữ liệu từ Cục Đầu Tư Nước Ngoài của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN nói trong 7 dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 được Cục Đầu Tư Nước Ngoài thống kê có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Nguồn tin kể ra là “Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là $3.85 tỷ với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.”
“Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký $280 triệu đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.”
“Dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký $260 triệu do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.”
“Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký $214.4 triệu do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.”
Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm $200 triệu.”
Tờ Đất Việt ngày 29 Tháng Tư, 2019 dẫn ý kiến của ông Phạm Phố, nguyên hiệu trưởng trường cao đẳng Kinh Tế Quốc Dân tại Sài Gòn khuyến cáo “nên thận trọng với các dự án đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc. Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm tồi tệ về các dự án lớn do Trung Quốc nhảy vào đầu tư kiếm chác nhưng “tác động tiêu cực đến nay vẫn chưa thể giải quyết.”
Gang thép Thái Nguyên, Boxit Tây Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, các dự án nhiệt điện… là một số thí dụ điển hình. Theo ông Phạm Phố “Các dự án chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển chiến lược ‘một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc, đầu tư để xuất khẩu lao động, xuất khẩu vốn, xuất khẩu công nghệ lạc hậu sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.”
Nguồn: Người Việt