‘Dịch tả heo Châu Phi’ lan khắp 45 tỉnh thành Việt Nam
.
SÓC TRĂNG, Việt Nam – Chi Cục Chăn Nuôi và Thú Y tỉnh Sóc Trăng loan báo “vừa phát hiện một ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi, với tổng đàn 55 con” ở huyện Mỹ Xuyên. Đây là tỉnh thứ 7 ở miền Tây có dịch.
Tờ Dân Việt hôm 27 Tháng Năm kể chi tiết cho biết “đàn lợn dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi là của gia đình bà Lâm Thị Thu Sang (ngụ ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Sau khi có kết quả xét nghiệm, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương và hộ dân đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn theo quy định, với tổng trọng lượng trên 2,350 kg.”
Trước Sóc Trăng, khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long đã xảy ra dịch tại 6 tỉnh thành gồm Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp. Nếu kể cả ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương thì miền Nam Việt Nam đã có tất cả 10 tỉnh thành có dịch tả heo Phi châu. Gom chung vào danh sách cả nước thì Việt Nam đến nay có tất cả 45 tỉnh thành có dịch.
Mới ngày Thứ Sáu vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tổ chức một cuộc họp khẩn ở Sài Gòn “triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi ở các tỉnh phía Nam.” Dịp này, ông Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu con số thống kê hơn 1.7 triệu con heo đã bị tiêu hủy.
Trong cuộc họp vừa kể, ông Cường nêu ra nguy cơ toàn khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long bị dịch khó tránh khỏi vì
“Hiện nay, miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh tả heo châu Phi phát triển. Các địa phương Ðồng Bằng Sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang tất cả địa phương chưa có dịch…”
Ông kêu gọi các địa phương “phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống xấu hơn như trường hợp xảy ra với hộ nuôi quy mô lớn, các địa phương đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy heo bệnh cuối cùng bệnh vẫn có thể quay lại.”
Danh sách các tỉnh thành tại Việt Nam có dịch tả heo Châu Phi tăng lên nhanh từng ngày trong khi sự chống đỡ chỉ mang tính thụ động sau khi heo chết thì đem tiêu hủy hay ném xuống kênh rạch, tạo cơ hội cho dịch lân lan nhanh hơn.
Theo thống kê, Việt Nam nuôi khoảng 30 triệu con heo, phần lớn tại các hộ gia đình nông dân như cách kinh doanh kiếm sống. Thịt heo chiếm hơn 70% trên tổng số các loại thịt mà người Việt ăn trong bữa cơm hàng ngày.
Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mấy ngày trước nhìn nhận “đã huy động lực lượng với tất cả những biện pháp hiện có nhưng nỗ lực của con người chỉ làm giảm hoặc khoanh vùng được dịch bệnh, làm chậm đường lây lan chứ chưa thể khống chế được dịch.”
Tháng Ba vừa qua, Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) của Liên Hiệp Quốc khuyến cáo nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố nước Việt Nam có dịch nhưng Hà Nội tảng lờ, chỉ để các địa phương nào có dịch thì loan báo riêng. Nay dịch tả heo Phi châu đã lây lan ra hơn hai phần ba trên tổng số 63 tỉnh thành cả nước.
Việt Nam gọi là dịch tả heo Châu Phi không phải là chứng tiêu chảy mà là một chứng bệnh gần giống như cúm bắt nguồn từ Châu Phi (African Swine Flu). Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài heo, chúng có những dấu hiệu sốt xuất huyết, bỏ ăn, nằm bẹp một chỗ rồi chết, không con nào sống sót. Chứng bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc ngừa hay thuốc trị, chỉ thấy giết hại loài heo. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người, không gây bệnh cho các loài động vật khác.
Nguồn: Người Việt