Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vắng mặt khi phải trình “Công Ước 98”

Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vắng mặt khi phải trình “Công Ước 98”

.

\"\"
Phó Chủ Tịch Nước CSVN Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Hình: VietnamNet)

HÀ NỘI, Việt Nam – Hôm 29 Tháng Năm, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại Quốc Hội và ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình “Công Ước 98.”

Đây là sự kiện quan trọng mà việc “tái xuất” của ông đã được các báo công bố từ vài tuần trước.

Báo Thanh Niên hôm 10 Tháng Năm đã khẳng định ông Trọng sẽ đảm nhận việc này vì “việc gia nhập Công Ước 98 và các công ước còn lại của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia Hiệp định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA)”.

Nay thì các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Trọng ủy nhiệm cho bà Thịnh trình Công Ước 98 mà không nói rõ lý do. Hành động này càng củng cố suy đoán rằng sức khỏe của người đứng đầu đảng CSVN chưa thật sự hồi phục sau khi ông này bị đột quỵ hồi Tháng Tư.

Thậm chí, có tin lan truyền trên mạng xã hội rằng ông Trọng “vẫn đang phải ngồi xe lăn”, và hai lần xuất hiện “họp hội nghị cán bộ chủ chốt” và phát biểu khai mạc Hội Nghị Trung Ương 10 (hôm 16 Tháng Năm) là ông được bố trí ngồi sẵn trên ghế trước khi những người khác được vào khán phòng.

\"\"
Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội Nghị Trung Ương 10. (Hình: Zing)

Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc trình Công Ước 98 là người trình phải đứng đọc văn bản, trong lúc hai lần xuất hiện gần nhất, ông Trọng được thấy ngồi trên ghế, thậm chí có dây đeo an toàn (seatbelt) như đang ngồi trên phi cơ.

VietnamNet hôm 29 Tháng Năm tường thuật: “Người hưởng lợi chủ yếu của Công Ước 98 là người lao động vì giới này sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.”

Tờ báo trích lời bà Thịnh: “Việc Việt Nam gia nhập Công Ước 98 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ dử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Việc này cũng sẽ trợ giúp việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.”

Tuy vậy, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bình luận trên Đài VOA Việt Ngữ hôm 29 Tháng Năm: “Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.”

“Công Ước 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp Quốc Hội được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền, trong lúc hai công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích. Một trong hai cái là Công Ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động,” ông Dũng viết.

Luật Sư Lê Công Định từ Sài Gòn dẫn link bài về Công Ước 98 và bình luận trên trang cá nhân: “Vấn đề thành lập các công đoàn độc lập của người lao động sao không thấy nhắc đến? Công đoàn độc lập là yêu cầu then chốt của các hiệp định thương mại quốc tế.”

Đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm ký kết EVFTA, trong lúc báo Lao Động hôm 10 Tháng Năm úp mở: “Việt Nam và EU thúc đẩy ký chính thức EVFTA, Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (IPA) trong những tuần tới”.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment