VN: 100 người ký tên vào danh sách bị vi phạm quyền tự do đi lại
- 29 tháng 5 2019
Đến nửa đêm ngày 27/5, đã có 100 người ký tên vào danh sách những người đã và đang bị xâm phạm quyền tự do đi lại và dự kiến con số này sẽ tăng lên. Bản tuyên bố được họ ký tên viết:
\”Chúng tôi, những công dân Việt Nam thường xuyên bị những người lạ mặt vô cớ ngang nhiên xâm phạm, ngăn cản thô bạo quyền tự do đi lại.\”
\”Những người lạ mặt này không xuất trình được lệnh điều động tới canh giữ chúng tôi. Trong nhiều trường hợp họ dùng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa xúc phạm danh dự và nhân phẩm chúng tôi. Thậm chí nhiều khi họ còn dùng vũ lực ngăn cản, xâm phạm về thân thể gây tổn hại sức khỏe, đe dọa đến tính mạng chúng tôi,\”
\”Để chấm dứt tình trạng ngang nhiên phạm pháp kéo dài rất lâu này, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi đúng trách nhiệm, hãy chỉ đạo các cơ quan chức năng gấp rút có biện pháp ngăn chặn, xử lý những người vô cớ xâm phạm quyền tự do đi lại của chúng tôi theo quy định pháp luật,\”
\”Nếu những người nói trên vẫn tiếp tục vô cớ xâm phạm quyền tự do đi lại của chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện Quyền phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015,\” một đoạn trong tuyên bố chung đi kèm danh sách chữ ký.\”
\”Mọi hậu quả gây ra do xô xát, hay gây ra án mạng thì nhà cầm quyền Việt Nam và các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.\”
Muốn cho cộng đồng thế giới biết
Bản tuyên bố nói rằng danh sách ký tên này là \”muốn cho đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước biết về thực trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam.\”
\”Chúng tôi tha thiết kêu gọi các quốc gia, các tổ chức chức quốc tế xem quyền con người là một trong những tiêu chí không thể thiếu khi quan hệ bang giao với Việt Nam, cần có biện pháp chế tài mạnh nếu Việt Nam vi phạm các cam kết.\”
Nhà báo Sương Quỳnh, một trong những người ký tên trong danh sách cho BBC biết, lý do cộng đồng đấu tranh muốn đưa bản ký tên vào thời điểm này vì nhiều năm qua họ thường xuyên bị tước quyền đi lại.
\”Việc muốn thu thập chữ ký thời điểm này vì nhà cầm quyền gia tăng canh giữ chúng tôi, bất kể lý do gì. Ví dụ, một tù nhân lương tâm nào ra tù cũng canh, cưỡng chế đất ở đâu đó cũng canh, lễ tang một lãnh đạo nào đó chết.\”
\”Hồi trước chỉ canh những ngày tưởng niệm Hoàng Sa- Trường Sa và khi có kêu gọi biểu tình. Giờ thì canh dù chỉ lý do vu vơ nào đó.\”
Bà Sương Quỳnh cho biết, bản tuyên bố và danh sách ký tên này là để nói rằng họ \”sẽ có những phản ứng để tự vệ\”.
\”Vì càng ngày người dân càng thức tỉnh và cùng xuống đường đông hơn. Do đó họ kiểm soát những người hay đi biểu tình vì họ cho đó là những \’ngòi nổ\’. Nhưng thực tế những cuộc biểu tình sau này là do ý thức người dân mà họ tự đi chứ không cần bất cứ \’ngòi nổ\’ nào.\”
Và dự kiến để nhiều người ký tên vào danh sách trước khi gửi cho các tổ chức nhân quyền và các nước cũng như Liên Hiệp Quốc.
Những người chặn nhà là ai?
Bà Sương Quỳnh cho biết, một số lần bà ra khỏi nhà để đi tưởng niệm thì bị những người đàn ông tự xưng là \”an ninh\” giữ lại.
\”Họ yêu cầu và đủn tôi vô nhà lại dù giọng vẫn ngọt ngào van xin: \’Chị ở nhà giùm em. Em chỉ làm theo lệnh trên\’.
\”Một lần tôi vọt xe đi được một đoạn thì cậu an ninh to đùng chặn xe tôi lại yêu cầu tôi vô đồn công an phường hoặc phải về nhà, sau đó cậu ta còn gọi 2-3 cậu khác ra ngăn cản tôi đi. Cuối cùng tôi phải quay về…\”
Thời gian đầu những người đến nhà mặc sắc phục thì bị bà quay phim đăng Facebook, về sau tất cả những người đàn ông đều mặc thường phục.
\”Chẳng bao giờ họ xuất trình giấy tờ gì. Tôi hỏi \’Mặc vậy tôi biết cậu là ai?\’ Mấy cậu trơ trẽn trả lời: \’Chị thừa biết em là ai rồi hỏi làm gì?\’\”
Nhiều người dân địa phương vẫn nhận ra những cán bộ công an phường, công an quận mà họ hay gặp, đứng quanh nhà báo Sương Quỳnh.
Bà cho biết quanh nhà bà nhiều là 4-5 người canh. Vào những lúc cao điểm khi có tưởng niệm ở Sài Gòn hay biểu tình thì có tới 20 người canh mọi ngả đường.
Quyền tự do đi lại được minh định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945; Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các Công ước Quốc Tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cam kết thực hiện, tuyên bố chung viết.