Cách xây dựng hình tượng để thiên hạ tôn sùng
Sophia Smith GalerBBC Culture
- 30 tháng 5 2019
Bạn sẽ nghĩ về điều gì khi bạn nghe từ \’biểu tượng\’? Có phải là Liz Hurley trong chiếc váy Versace? Hay là David Bowie? Hay có lẽ một hình ảnh từ Thế kỷ 12 tôn thờ Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá?
Sự thật là, toàn bộ ba ví dụ đó – bức ảnh nổi tiếng, nhạc sỹ lừng danh thế giới và tác phẩm nghệ thuật tôn giáo – đều là biểu tượng.
Bắt nguồn từ từ eikōn trong tiếng Hy Lạp, từ \’icon\’ trong tiếng Anh có nghĩa là \’hình ảnh\’ hay \’sự giống nhau\’.
Đó là những hình ảnh kiểu chân dung của những nhân vật quan trọng như Chúa Jesus hay Đức Mẹ Đồng trinh vốn xuất hiện lần đầu tiên vào những thế kỷ đầu tiên của đạo Thiên chúa.
Được vẽ vào thời kỳ mà con người còn rất nghèo nàn về tranh ảnh, chúng không phải là những bức tranh đẹp để chiêm ngưỡng.
Đó là những hình ảnh mô phạm, đầy uy quyền khiến tín đồ phải cầu nguyện và tuân phục. Từng đặc điểm, từ cách sử dụng màu sắc, cho tới việc cầm nắm đồ vật, hay tư thế nhân vật, đều có tầm quan trọng mà chúng ta trong thời đại truyền thông đại chúng ngày nay có thể không biết được.
Biểu tượng cách mạng Sudan
Có một hình ảnh như thế, cảnh Alaa Salah biểu tình phản đối ở Sudan, đã thu hút trí tưởng tượng toàn cầu.
Chỉ trong vòng một tuần lễ sau khi được đăng tải, bức hình đã trở thành biểu tượng cho cuộc cách mạng Sudan. Nó được vẽ bằng sơn phun trên các bức tường trên khắp thế giới Ả Rập.
Phân tích bức ảnh này, ta sẽ thấy tuy là sản phẩm của thời đại báo ảnh làm từ điện thoại thông minh, nhưng nó thể hiện đầy đủ các chi tiết mang tính biểu tượng vốn từng hiện diện trong các tác phẩm tồn tại từ hàng trăm năm trước.
Đối với Tiến sỹ Julia Tatiana Bailey, quản thủ Nghệ thuật Đương đại tại Bảo tàng Quốc gia, Prague, Cộng hòa Czech, thì bức ảnh gợi nhớ đến bức ảnh chụp Ieshia Evans của Jonathan Bachman tại cuộc biểu tình \’Mạng sống của người da đen cũng có giá trị\’ (Black Lives Matter) ở Baton Rouge, bang Louisiana.
\”Chúng ta bị hút hồn bởi sự chân thật của bức ảnh,\” bà nói.
Tiến sỹ Tina Rivers Ryan, một nhà sử học nghệ thuật và người quản thủ tại Viện triển lãm Nghệ thuật Albright-Knox ở Buffalo, New York, đã phát hiện rằng sức mạnh của bức ảnh là ở tư thế đứng của nhân vật.
\”Sự rướn người về phía trên cho thấy năng lượng đổ dồn vào một điểm tập trung duy nhất – một biểu tượng thích hợp cho cuộc cách mạng đã giành được trọng tâm và thời cơ với Salah là trung tâm ẩn dụ (và theo nghĩa đen ở đây).\”
Nó gợi cho Tiến sỹ Ryan nhớ lại hình ảnh nguyên mẫu nhà hùng biện trong các tác phẩm kinh điển, miệng mở to và ngón tay chỉ ra, \”trong khi bàn tay đặt trên bụng có tác dụng khẳng định những lời phát biểu của bà là những lời nói tận đáy lòng hay \’phát xuất từ gan ruột\’.\”
Đối với công chúng phương Tây, hình ảnh này cũng gợi nhắc về các mặc định đối với địa vị người phụ nữ trong thế giới Ả Rập.
Bailey chỉ ra rằng \”hình ảnh Salah và Evans cũng nương theo cái nhìn chính trị về giới tính và chủng tộc của xã hội tự do phương Tây, với ước nguyện được chứng kiến việc phụ nữ da màu nắm những vị trí quyền lực và được kính trọng, để phản kháng lại tập quán lâu nay vốn quen hình tượng hóa những người đàn ông da trắng giàu có\”.
Người dân Sudan là những người đã chia sẻ hình ảnh này lên mạng và khiến cho nó được chú ý ngay từ đầu; và bức ảnh lan tỏa nhanh chóng là nhờ bởi nó có ý nghĩa to lớn trước tiên là đối với người Sudan.
Tư thế quyền lực của Salah đúng là gợi nhớ lại tư thế của nhà hùng biện kinh điển như nhận xét của Ryan, nhưng đó cũng là tư thế tiêu biểu của một Kandaka – danh xưng trao cho một vị nữ hoàng ở vương quốc Kushite cổ đại ở nơi mà nay là Nubia.
Những bức tranh đắp nổi khắc họa những vị nữ hoàng này trong các tư thế tương tự đã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất.
Hình ảnh này thể hiện sự chấp nhận của người dân Sudan, đặt niềm tin vào một nhân vật uy quyền vốn đã gắn sâu trong bản sắc văn hóa của Sudan; đôi hoa tai bằng vàng hình mặt trăng của Salah càng làm tăng thế vị thế này như là một lý tưởng nữ quyền hoàng gia được trao cho sức mạnh.
Mà không chỉ có Salah mới thu hút sự chú ý của khán giả; người ta còn chú ý tới một rừng những cánh tay giơ điện thoại thông minh lên để ghi hình cô.
Có quá nhiều biểu tượng trong bức ảnh này, vốn tượng trưng cho bình minh mới của giới trẻ ở Sudan, và đó chính là điều đã khiến bức ảnh này mang tính khơi gợi đến vậy.
Đúng lúc, đúng nơi
Khi đem theo chiếc máy ảnh Leica M2 đến buổi lễ tưởng niệm ở Havana vào năm 1960, Alberto Korda biết rằng ông sẽ chụp ảnh một số những nhân vật quan trọng nhất thời đại – Fidel Castro, Che Guevara; ngay cả Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir cũng có mặt ở đó.
Nhưng ông không biết rằng bức ảnh mà ông chụp tại đó rồi sẽ đưa Che thành một nhân vật lừng danh thế giới.
Bức ảnh đó vốn sau này được biết đến với tên gọi Guerrillero Heroico (Chiến binh Du kích Anh hùng) ban đầu được biết đến với phiên bản gốc không bị cắt gọt; trong khung hình có một cây cọ ở bên trái Guevara và dáng một người đàn ông khác ở bên phải.
Bởi đây là buổi lễ tưởng niệm được tổ chức sau một cuộc tấn công vào Havana, Guevara đã ăn vận phù hợp với trang phục quân sự và đội chiếc mũ nồi có gắn ngôi sao nổi tiếng.
Bức ảnh đã ghi dấu đậm nét trong đầu đến nỗi chúng ta dễ dàng cho rằng Guevara lúc nào cũng đội chiếc mũ beret đó, nhưng không phải vậy.
Korda không chỉ đã có một biểu tượng hoàn hảo, hình ảnh một nhân vật quân sự tài năng, để làm nền cho nhân vật của ông, mà ông còn có một thời điểm lý tưởng.
Khi ông nhấn vào nút chụp, Che Guevara đang nhìn về phía đám đông và chuẩn bị đọc diễn văn. Đó không phải người chiến sỹ mỉm cười, phà xì gà mà chúng ta thấy trong những bức ảnh khác mà là một người đàn ông với ánh nhìn xuyên suốt và quả quyết.
Bức ảnh đó sẽ không có sức mạnh như thế nếu nó được cắt gọt còn Guevara thì nhìn vào ống kính và không đội chiếc mũ beret.
Đó là hình ảnh vượt thời gian, nói về niềm hy vọng. Khi kết hợp với chiếc mũ beret, gương mặt Che trở thành lời hứa bằng hình ảnh về cuộc đấu tranh tới tận cùng chống lại chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, điều lý thú là không chỉ mỗi bức ảnh này mới biểu tượng hóa hình ảnh Che Guevara.
Chỉnh sửa để bức ảnh có ý nghĩa hơn – và hãy chờ tới khi người trong ảnh qua đời
Nếu bạn không biết bức chân dung nổi tiếng từ bức ảnh do Korda chụp thì bạn hẳn là biết nó từ phiên bản áp phích của chính bức ảnh đó, do nghệ sỹ người Ireland Jim Fitzpatrick cách điệu hồi năm 1967.
Biểu tượng không nhất thiết là hình ảnh báo chí. Không có áp lực phải làm cho mọi thứ phải chính xác 100% về mặt thực tế, nhất là khi nghệ sỹ chế tác hình ảnh đó thay vì nhà báo.
Điều quan trọng là Fitzpatrick sáng tác tác phẩm này chỉ một thời gian ngắn sau khi Guevara qua đời.
Ông nói: \”Tôi nghĩ ông ấy là một trong những người vĩ đại nhất trên thế giới và dù như thế nào tôi vẫn nghĩ như thế. Khi ông ấy bị sát hại, tôi quyết định rằng mình sẽ làm điều gì đó, cho nên tôi sáng tác ra tấm áp phích. Tôi cảm thấy hình ảnh này cần phải được đưa ra, nếu không người ta sẽ không tưởng nhớ ông ấy.\”
Việc sử dụng màu đỏ ở đây không phải là tình cờ. Nhiều nhà phê bình đã phân tích về việc \’thần thánh hóa\’ Che Guevara; màu đỏ như thế gợi nhắc đến chủ nghĩa cộng sản, và nó gợi nhắc đến sự khổ hình, hy sinh và đổ máu của Chúa Jesus.
Thậm chí những hình ảnh sau khi chết của Guevara cũng được so sánh với thi thể mong manh của Chúa Jesus sau khi Ngài được hạ xuống từ thánh giá. Nhưng không giống như bức ảnh của Korda, biểu tượng mà Fitzpatrick là nỗ lực để tưởng nhớ Che Guevara.
Tương tự, Andy Warhol đã sáng tác tác phẩm đầy tính biểu tượng về Marilyn Monroe không lâu sau khi bà qua đời bằng cách cải biên tấm ảnh quảng bá cho một bộ phim của bà.
Coco Dávez, nữ nghệ sỹ Tây Ban Nha chuyên tạo ra những biểu tượng hiện đại với cảm hứng từ nghệ thuật đại chúng, nhận thấy rằng cả hai hình ảnh này đều có sức mạnh như nhau.
Theo cách nhìn của bà, cả hai tác phẩm đều đã làm thay đổi vị thế của nhân vật.
\”Không phải là trước đó Che Guevara không có sức hút, nhưng ông ấy trở thành biểu tượng nhờ hình ảnh này. Còn với Warhol và tác phẩm Marilyn Monroe của ông, Monroe gần như trở thành siêu biểu tượng. Nàng đã là biểu tượng và bức ảnh này đưa nàng thành siêu biểu tượng.\”
Warhol cũng sử dụng hình ảnh của Marilyn một cách khôn ngoan, chỉnh sửa nó một vài lần; sự tái hiện gương mặt bà gợi nhớ về sự nổi tiếng của bà và về lý do khiến hình ảnh bà được sản xuất đại trà trên khắp thế giới.
Màu sắc siêu thực, cách mà gương mặt Marilyn trở thành hình ảnh hai chiều cũng siêu thực; bà trở nên xa xăm, không với tới được, không còn là nữ tài tử trên những tấm áp phích ở khắp mọi nơi mà trở thành một biểu tượng thần thánh vượt ra khỏi Hollywood.
Tương tự, tấm áp phích của Warhol vẽ Marilyn Monroe Vàng, nhại mái tóc vàng và cách trang điểm của bà, đánh vào những ý nghĩa biểu tượng mà thế giới gắn kết với bà, nhưng ông bao phủ một màu vàng xung quanh bà giống như Đức Mẹ Byzantine.
Chọn nhân vật đã là thần tượng
Sau khi xem Marilyn Monroe và Che Guevara, ta khó lòng không nhận ra sự tương đồng kinh ngạc giữa chúng với tác phẩm \’Hy vọng\’ của Shepard Fairey – phác họa gương mặt Obama.
Đó gần như là sự kết hợp của hai hình ảnh: sự vận dụng nghệ thuật đại chúng của Warhol và cái nhìn xa xôi của \’chiến binh\’ trong tác phẩm của Korda.
Đối với Dávez, các biểu tượng phải là \’các nhân vật mà thế giới đã biết đến\’.
Điều đó giải thích tại sao hình ảnh của Obama chiếm được trí tưởng tượng của người Mỹ. \”Một hình ảnh đã thông dụng trong chính trị được tìm đến và nhân cách ông được biến thành một tác phẩm nghệ thuật,\” Dávez nói.
Nó giúp cho hình ảnh đó đi từ ảnh báo chí trở thành áp phích, có thể giương lên trong các cuộc tập hợp chính trị và được dán lên tường trên đường phố.
Nó gợi nhắc màu cờ của quốc kỳ Mỹ, hoặc có lẽ là sự kết hợp của các màu sắc đại diện của Đảng Cộng hòa và Dân chủ; Ryan nói rằng hình ảnh đó tượng trưng cho \”sự đoàn kết của đất nước dưới thời Obama… Việc thay thế màu da của ông bằng các màu đỏ, xanh và trắng – màu của quốc kỳ Mỹ – cũng giúp làm mềm đi đặc tính chủng tộc của Obama trong khi khẳng định lòng yêu nước của ông – và nó đánh vào mặc định chủng tộc rằng những người da màu không phải người Mỹ\”.
Đơn điệu và không có thang màu, tác phẩm của Fairey gợi nhớ đến nghệ thuật đại chúng nhiều đến nỗi nó đẩy lùi \”sự nghi ngờ về \’chủ nghĩa tinh hoa\’ trong Obama\’ bằng cách kết nối ông với những hình ảnh thân thuộc, dễ gần\”.
Khó mà hiểu đúng những hình ảnh của một nhà lãnh đạo, và hình ảnh mang tính biểu tượng như thế có lẽ không có tác dụng đối với một tổng thống không có phẩm chất của ông Obama.
Đối với Bailey, \”khán giả phương Tây đã trở nên rất bi quan khi nhìn thấy hình vẽ như thế của nhà lãnh đạo chính trị. Bạn vẫn có thể nhìn thấy nó ở những nơi như Syria với chân dung của Assad, ở Bắc Triều Tiên với Kim Jong-il.\”
Người nghệ sỹ cần phải tôn trọng nhân vật mà họ thể hiện
Bạn không cần phải yêu thích ai mới có thể tôn trọng được người đó. Bạn cũng không cần nhân vật của bạn phải quan tâm tới chuyện bạn phác họa hình ảnh họ bằng chiếc máy ảnh hay bằng cây cọ vẽ để đưa họ trở thành biểu tượng.
Winston Churchill không thật hài lòng khi nhiếp ảnh gia Yousef Karsh cố thử chụp hình ông hồi 1941; sau khi lịch sự đề nghị Churchill ngưng hút thuốc, Karsh đã nhổ điếu xì-gà ra khỏi miệng Churchill để chụp ảnh.
Karsh nói Churchill trông \”cực kỳ hung hăng, tới độ ông ấy như thể sẽ ăn tươi nuốt sống tôi. Đó chính là thời điểm tôi chụp bức hình này\”, tác phẩm về sau được coi là một trong những tác phẩm phản ánh rõ nét nhất tính độc đoán của nhân vật.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.