Lý do Mỹ liệt Malaysia vào danh sách các quốc gia theo dõi thao túng tiền tệ có thể do liên quan đến TQ
Ngày đăng 31-05-2019
Hôm 29/5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách các quốc gia cần theo dõi thao túng tiền tệ để trình lên Quốc hội, đáng chú ý trong số đó là cái tên Malaysia, nước đang có những diễn biến quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, yếu tố Trung Quốc có thể là nguyên nhân chính khiến Mỹ xếp Malaysia vào danh sách trên.
Thủ tướng Mahathir: “Malaysia sẽ tiếp tục sử dụng nhiều nhất có thể các sản phẩm của Hoa Vi”
Lý do thứ nhất có thể do Chính quyền Malaysia có những tuyên bố làm ăn với Hoa Vi. Trong bối cảnh Tập đoàn công nghệ Hoa Vi đang trở thành tâm điểm trong chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc thì hôm 29/5, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lại công khai tuyên bố nước này sẽ tiếp tục sử dụng “nhiều nhất có thể” các sản phẩm của tập đoàn viễn thông này. Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 diễn ra ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Mahathir thừa nhận việc sử dụng các thiết bị của Hoa Vi có thể gây ra một số quan ngại về an ninh, nhưng cho biết những quan ngại này “không cản trở” Malaysia. Ông Mahathir cho rằng Hoa Vi đã tiến hành những nghiên cứu sâu rộng hơn rất nhiều so với tất cả những nghiên cứu trong cùng lĩnh vực của Malaysia, do đó nước này sẽ cố gắng sử dụng công nghệ của Hoa Vi “càng nhiều càng tốt”.
Thủ tướng Mahathir cũng cho rằng Mỹ và phương Tây cần chấp nhận rằng các quốc gia châu Á hiện nay có thể sản xuất các sản phẩm cạnh tranh và không nên “dọa nạt” các đối thủ. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Malaysia được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 vừa qua đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài “có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ”.
Cùng với sắc lệnh này, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Tập đoàn Hoa Vi và 68 thực thể vào một “danh sách đen” xuất khẩu, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và công nghệ cho tập đoàn này nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho đến giữa tháng 8 tới, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho các khách hàng của Hoa Vi trên thế giới. Hoa Vi đã chỉ trích động thái của Mỹ, coi đây là “hành động bắt nạt”, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu phản đối chính sách của Washington ngăn chặn Hoa Vi tiếp cận các thị trường và công nghệ. Nhà sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Hoa Vi đã có sự chuẩn bị trước.
TQ đang nhắm tới gây dựng quan hệ gần gũi với Malaysia, một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất của ASEAN
Nguyên nhân thứ hai, có thể là do mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc hiện nay. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Malaysia và Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt khoảng 2,36 tỷ USD, tăng gần 350% so với năm 2013. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Malaysia sau Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 9 năm liên tiếp, nhà đầu tư lớn nhất vào công nghiệp sản xuất Malaysia trong 2 năm liền. Du khách Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất trong số các du khách nước ngoài tới Malaysia trong suốt 6 năm qua. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Malaysia-Trung Quốc đạt 290,65 tỷ RM (tương đương 70 tỷ USD). Trung Quốc hiện còn là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Malaysia. Khoảng 85% chi phí xây dựng đường sắt ECRL là do vay từ Trung Quốc.
Chính phủ mới của Malaysia thời gian qua đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng hàng loạt dự án đầu tư từ Trung Quốc. Đặc biệt, nước này đã quyết định đình chỉ thi công 4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà thầu Trung Quốc trị giá 23 tỷ USD: bao gồm dự án đường dẫn dầu khí (813 triệu USD) nối giữa Malacca với dự án phát triển tích hợp lọc hoá dầu Petronas ở Pengerang, dự án đường sắt ECRL (20 tỷ USD) và 2 dự án đường ống dẫn dầu khác (2,3 tỷ) ở bang Sabah. Tuy nhiên, chính Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định việc Malaysia đình chỉ các dự án đầu tư từ Trung Quốc không có nghĩa là Kuala Lumpur muốn hủy hoại mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh, vốn đã được phát triển từ nhiều năm trước. Mục đích của quyết định này là nhằm xem xét lại các dự án, đàm phán lại với Trung Quốc để giảm bớt chi phí vay nợ, cũng như đảm bảo sự tham gia nhiều hơn của các công ty và lao động Malaysia. Mặt khác, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir tuyên bố ưu tiên của chính phủ là giảm nợ quốc gia và cam kết rà soát các dự án lớn do chính quyền tiền nhiệm phê duyệt, theo hướng kiên quyết loại bỏ một số dự án không cần thiết. Ông ước tính Malaysia có thể giảm gần 1/5 trong tổng số khoảng 251,5 tỷ USD nợ quốc gia nhờ hủy các dự án lớn như vậy. Việc đánh giá lại các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng nằm trong lộ trình này.
Trên thực tế, Thủ tướng Mahathir chính là người đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Malaysia-Trung Quốc, ông từng thăm Trung Quốc 7 lần khi nắm giữ cương vị thủ tướng trong giai đoạn từ năm 1981 – 2003. Vị chính khách kỳ cựu này cũng là người từng khởi xướng cơ chế hợp tác Trung Quốc-ASEAN và cơ chế hợp tác “10+3”, đồng thời đóng vai trò lịch sử đối với cơ chế hợp tác Đông Á ngày nay. Chính sách nhất quán trong quan hệ với Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir là thúc đẩy mối quan hệ song phương cân bằng, thực chất và hiệu quả hơn với Trung Quốc, trong đó hợp tác kinh tế cùng có lợi vẫn sẽ là hướng đi chính để hai nước phát triển quan hệ trong tương lai. Chính vì điều này mà Mỹ đã lo lắng về một viễn cảnh, như Philippines, Malaysia sẽ nghiêng về phía Trung Quốc thay vì Mỹ ở khu vực.