Người đàn bà khóc chồng

Người đàn bà khóc chồng

Chủ Nhật, 26 Tháng Năm 2019

\"z_pic_woman_body_11apr1969_hue_g_22apr2015\"/

Rất nhiều hình ảnh tư liệu về Thảm sát Mậu Thân được lưu trữ trên mạng Internet. Nếu bạn có lương tri, thì bức hình nào cũng khiến bạn phải xót xa, căm phẫn. Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là hình người đàn bà ôm hài cốt thân nhân trên vùng cát trắng.

\"vtt-37-nannhancshue_2\"/


Tấm hình chụp khoảnh khắc chị ngồi bệt trên cát, cúi rạp xuống ôm bộ hài cốt bọc trong túi poncho, nét mặt thống khổ. Nhìn biểu cảm trên khuôn mặt và dáng ngồi, tôi hình dung ra nỗi đau đứt ruột, đau theo đúng nghĩa sinh học của chị. Khi đau đến không thể chống đỡ, không thể chịu nổi, chừng như chảy máu trong ruột, người ta hay có dáng ngồi như vậy. Bạn nào sinh bằng cách mổ bắt con, sau khi hết thuốc mê sẽ hình dung ra cảm giác đau đớn quặn ruột này. Bàn tay phải trượt trên cát để lại một vệt sâu, năm ngón tay bấu chặt xuống nền cát bỏng. Năm ngón tay phải bấu chặt cát bỏng trong khi bàn tay trái mở dài từng ngón đặt lên bộ cốt, âu yếm, vỗ về, dịu dàng và nhẫn nại. Không hiểu sao nhìn hai bàn tay, tôi cứ hình dung ra rõ mồn một hai con người, hai cảm xúc trong một hình hài. Đau hận, căm uất giữ lại cho mình. Thương yêu, che chở, phía trái tim là dành cho người thương yêu.

Nhìn bóng đổ trong hình, ta nhận ra khi đó, mặt trời gần như đang chiếu thẳng đứng, tức là vào khoảng 12h trưa, thời điểm nắng thiêu đốt trên cát. Có lẽ vậy mà chị đã gỡ chiếc nón trên đầu che cho người nằm xuống. Chỉ có Chất Mẹ bản năng, chỉ có tình thương yêu, xót xa tận cùng mới khiến chị hành động như vậy. Hình ảnh chiếc nón che đầu cho bộ hài cốt, tôi dám chắc không một nhiếp ảnh gia nào, dù tài ba đến mấy, có thể nghĩ ra để đạo diễn. Người nằm xuống, là ai? Cha, chồng hay con chị? Tôi cảm giác, đó là chồng chị. Bức ảnh cực tả nỗi thống khổ. Đã đành. Nhưng với tôi, nó còn là tượng đài về thân phận người phụ nữ trong thảm sát Mậu Thân, tượng đài cho Chất Mẹ, cho tính nữ. Chở che, bao bọc, nâng giấc dịu dàng, và nuốt sâu vào lòng, chịu đựng một mình những tang tóc thương tâm.

\"1134\"/

Mỗi lần ngồi trước tấm ảnh, tôi đều tự hỏi, những người viết nên kịch bản Mậu Thân, những người kiên quyết đem máu xương làm cuộc tập dượt, những người “nổi dậy” của thành phố Huế, có bao giờ biết tới tấm ảnh này không? Nếu biết, họ có lắng lòng lại để ngồi ngắm xem bức ảnh nói gì? Có bao giờ họ đặt giả thiết, nếu người phụ nữ trong tấm ảnh là Mẹ, là Vợ, là Em Gái mình?
Việc ai đó có mặt hay không có mặt tại vũng máu đồng bào, suy cho cùng, không xóa được sự thật: Máu đã chảy, xương đã khô và người đã mất. Hàng ngàn oan hồn không cô đơn. Vì họ còn những người chứng tha hương khắp nơi trên thế giới. Họ còn những người chứng sống ngay trên đất cố đô. Sự thật sẽ được trao truyền, bất chấp quan điểm của mấy nhà sử học cánh tả phương Tây, bất chấp sự phủ nhận, lấp liếm của những người Huế tham gia “nổi dậy” hoặc mong muốn của một nhóm người nào đó.

Không muốn nhắc lại những lời Hoàng Phủ Ngọc Tường HPNT phát biểu năm 1982, 2008. Thôi thì tin rằng, khi sắp chết, con chim cất tiếng kêu thương, con người cất lời nói phải. Rốt cuộc, sau nửa thế kỷ, Hoàng Phủ Ngọc Tường HPNT đã khẳng định một sự thật: Có vụ thảm sát. Vụ thảm sát do những người nổi dậy (tức là người kháng chiến ở Huế) gây ra.

Nguồn: FB Ngô Trường An-https://ongvove.wordpress.com/2018/02/12/nguoi-dan-ba-khoc-chong/

Bài Liên Quan

Leave a Comment