Oregon tràn ngập cần sa, ‘mất hơn 6 năm để hút hoặc ăn cho hết’
.
SALEM, Oregon (AP) – Tiểu bang Oregon nay tràn ngập cần sa hợp pháp, nhiều đến nỗi nếu ngưng trồng cần sa ngay lúc này, vẫn sẽ mất tới hơn sáu năm để hút hoặc ăn cho hết.
Nay tiểu bang đang tìm cách giảm bớt mức sản xuất.
Năm năm sau khi thông qua luật hợp thức hóa cần sa dùng để giải trí, các nhà lập pháp tiểu bang Oregon nay đang chuẩn bị luật để cho cơ quan điều hành cần sa có thêm quyền hành để không cấp thêm giấy phép cho các nhà trồng cần sa, tùy theo tình hình cung cầu của thị trường.
Dự luật này đã được Thượng Viện Oregon thông qua và nay đang chờ biểu quyết ở Hạ Viện, có mục đích không chỉ giảm đi số lượng thặng dư khổng lồ, nhưng cũng để chặn không cho đưa lượng cần sa trồng hợp pháp chưa bán được sang thị trường chợ đen, một điều sẽ khiến cơ quan công lực liên bang can thiệp.
“Thực tế khó khăn hiện nay là chúng ta có quá nhiều cần sa trên thị trường,” theo lời Thống Đốc Kate Brown, người nói sẽ ký ban hành luật này.
Mức cung cấp cần sa hiện vào khoảng gấp đôi nhu cầu ở Oregon, nghĩa là chỉ riêng những gì còn lại từ mùa thu hoạch cần sa năm trước cũng đủ để tạo ra khoảng 2.3 triệu pound cần sa (khoảng 1,043 tấn), nghĩa là tương đương với hơn 1 tỷ điếu cần sa, theo giới chức chính quyền tiểu bang.
Oregon hiện là nơi có sự mất quân bình cung cấp lớn nhất trong 10 tiểu bang hợp thức hóa cần sa dùng để giải trí kể từ năm 2012 tới nay, một phần cũng vì tiểu bang này đi sớm trong dịch vụ cần sa.
Do thổ nhưỡng thuận lợi, từ nhiều năm qua đã có nhiều người trồng lén cần sa tại Oregon. Khi điều này được cho phép, các nhà trồng lén xin giấy phép cho hợp pháp, cùng lúc có nhiều người khác cũng đi vào lãnh vực này.
Luật này có thể giúp một số doanh nghiệp cần sa ở Oregon không bị khánh tận.
Giá cần sa bán lẻ ở Oregon đã giảm từ hơn $10 một gram hồi Tháng Mười, 2016, xuống còn chưa tới $5 hồi Tháng Mười Hai năm ngoái. Các giới chức chính quyền tiểu bang lo ngại rằng những nhà trồng có giấy phép hợp pháp có thể bị đẩy vào tình trạng phải đưa cần sa của họ vào bán trong thị trường chợ đen để có thể sống còn.
Nguồn: Người Việt