LAURA BICKER/ BBC News, Seoul –
Vì sao ta cần thận trọng trước tin \’Bắc Hàn xử tử quan chức\’
.
Một số báo quốc tế đưa tin phái viên chuyên về hạt nhân của Bắc Hàn đã bị xử tử trong đợt thanh trừng các viên chức có liên quan tới thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội.
Thế nhưng có một lý do khiến ta cần phải cực kỳ thận trọng khi cân nhắc, đánh giá các tường thuật nói quan chức Bắc Hàn bị xử tử.
Các tuyên bố đó luôn cực kỳ khó kiểm chứng, và thường là không đúng.
Cả truyền thông Nam Hàn lẫn chính quyền Seoul đều từng đưa tin về các cuộc thanh trừng trong quá khứ – để rồi các quan chức \”đã bị xử tử\” vài tuần sau đó lại xuất hiện, vẫn sống và hoàn toàn khỏe mạnh đứng cạnh nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Lần này, mới chỉ có một nguồn tin ẩn danh nói với một tờ báo ở Seoul rằng ông Kim Hyok-chol, cựu phái viên Bắc Hàn tại Hoa Kỳ và là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán trước khi diễn ra kỳ họp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump tại Hà Nội, bị xử tử tại sân bay Bình Nhưỡng.
Nguồn tin này nói rằng ông bị trừng phạt cùng với bốn viên chức ngoại giao cao cấp khác. Toàn bộ những người này bị cáo buộc tội làm gián điệp cho Hoa Kỳ và trình bày kém tại các cuộc đàm phán khiến không tạo được sự chú ý đúng mức từ phía Mỹ.
Tin tức cũng nói rằng ông Kim Yong-chol, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, người được gửi tới Washington để giúp thu xếp hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, đã bị tống vào một trại cải tạo lao động gần biên giới Trung Quốc.
Tường thuật này nghe có vẻ hợp lý. Các viên chức chủ chốt này đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc họp thượng đỉnh 2/2019 tới nay. Ông Kim Jong-un rõ ràng là rất tức giận về kết quả các cuộc đàm phán giữa ông với ông Donal Trump và có lẽ muốn tìm người để đổ trách nhiệm.
Ván cược ngoại giao của ông với Mỹ cho đến nay là thất bại, không đem về kết quả gì, khiến ông phải chịu nhiều áp lực.
Các lệnh trừng phạt kinh tế gắt gao vẫn đang được duy trì. Các cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang trong thế bế tắc.
Tại Bình Nhưỡng, quyết định có thể đã được đưa ra, và cần có ai đó phải trả giá.
Đáng chú ý là tờ báo chính thức Rodon Sinmun của Bắc Hàn trong một bài xã luận hồi đầu tuần đã nhắc tới \”những kẻ phản bội\” và \”những kẻ phản đảng\”. Bài xã luận nói rằng những người \”chống đảng\” và \”có hành động phản cách mạng\” cần phải chịu \”sự phán xét nghiêm khắc của cách mạng\”. Không có cái tên nào được nêu ra, nhưng thông điệp thì rất rõ ràng.
Ông Kim Jong-un trước đây đã từng tiến hành các vụ xử tử.
Hồi 2013, người chú quyền lực của ông, Jang Song-thaek, đã bị xử tử về tội phản quốc. Tin tức tình báo Nam Hàn công bố về cái chết của ông nhiều ngày trước khi Bắc Hàn loan tin.
\’Bị xử tử\’ rồi lại xuất hiện
Nhưng tôi dám nói rằng thường thì các tường thuật về những vụ xử tử như thế hóa ra lại là tin giả.
Vụ khét tiếng nhất là tin nói về cái chết của ca sỹ Hyon Song-wol. Hồi 2013, cũng tờ bác Nam Hàn trên nói rằng nữ ca sỹ bị bắn chết \”bắn dồn dập bằng súng máy trong lúc các thành viên trong đội văn công của cô đứng nhìn\”.
Năm ngoái, Hyon Song-wol \’càn quét\’ Seoul với việc dẫn đầu đoàn đại biểu Bắc Hàn tới dự Thế vận hội Mùa đông, trông rực rỡ hào nhoáng trong chiếc áo choàng lông, đầy sức sống. Nay cô là một trong những phụ nữ quyền lực nhất Bắc Hàn.
Tình báo Nam Hàn nói hồi 2016 rằng cựu lãnh đạo quân đội Ri Yong-gil bị xử tử về tội tham nhũng. Vài tháng sau, ông này xuất hiện trên truyền thông nhà nước và được thăng chức.
Các nguồn tin bên trong Bắc Hàn thường là những nguồn quý giá nhất cho phóng viên, nhưng cũng là những nguồn gây phiền toái nhất. Chúng tôi không có cách nào kiểm chứng được tin họ đưa.
Các nguồn tin tình báo tại Seoul và Hoa Kỳ đang tìm cách tìm hiểu số phận của ông Kim Hyok-chol, nhưng trừ phi Bình Nhưỡng quyết định tự mình công bố ra thì chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được thực hư thế nào.
Nguồn: BBC