Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc “nói dối một cách trắng trợn”

TRUNG KHANG/ RFA –

Bộ trưởng Quốc phòng TQ “nói dối một cách trắng trợn”

.

\"\"
Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6/2019. AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore, hôm 2/6 đã tuyên bố: “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore nói với đài RFA hôm 3/6/2019 về vấn đề này:

“Ổng nói như thế là ổng nói dối một cách trắng trợn, người Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore này mười mấy lần rồi, tôi cũng từng tham gia. Sự thật là ngay tại Việt Nam, họ đã xâm lược Việt Nam năm 1979 mấy chục ngày sau thì họ rút, năm 1974 thì họ chiếm Hoàng Sa là xâm lược, năm 1988 họ giết 64 người lính hải quân Việt Nam và lấy đảo, đấy là xâm lược. Họ dẹp bỏ nhà nước Tây Tạng đi, đấy cũng là xâm lược, chỉ cần nói như thể thì cũng đủ biết họ nói dối một cách trắng trợn.”

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn khu vực được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các quan chức quốc phòng và chuyên gia đến từ nhiều nước. Các vấn đề chủ yếu được thảo luận tại Đối thoại bao gồm quốc phòng và an ninh. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi đã được tổ chức sự kiện này từ năm 2002 đến nay.

Trao đổi với RFA hôm 3/6/2019 từ Hà Nội, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam, nguyên Phó Tham Mưu Trưởng kiêm Trưởng Phòng Tác chiến Quân chủng Hải quân Việt Nam giai đoạn 1988, khẳng định Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam nhiều lần:

“Lịch sử đã chứng minh, 17/2/1979 ai xua 60 vạn quân đánh 5 tỉnh biên giới của Việt Nam? Còn Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam mà lịch sử đã chứng minh, chính quyền Việt Nam ở các thời kỳ đã quản lý hàng mấy trăm năm nay, đó là một thực tế. Mà họ chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 5 năm 1956, và tháng 1 năm 1974 họ chiếm trọn Hoàng Sa, đó là một sự xâm lược.”

Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn, từ tay Việt Nam Cộng Hòa.

Đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, xảy ra trân Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau trận Hải chiến, Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

\"Quân
Quân đội Việt Nam đang chống lại quân Trung Quốc, Lạng Sơn 23/2/1979. AFP

Đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, khoảng 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam bao gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân. Ghi nhận cho thấy hàng ngàn người dân Việt, đa số là phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong thời gian quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng như khu dân cư, nông trường, hầm mỏ, nhà máy… bị san bằng.

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc lại một lần nữa tấn công Việt Nam, bằng cách đưa hải quân tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng từ đó đến nay.

Trao đổi với chúng tôi hôm 3/6/2019 từ Sài Gòn, Đại úy Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ, nhớ lại:

“Tôi nhập ngũ năm 1985, là thế hệ sau 1975, khi tôi còn nhỏ, thì cuộc chiến biên giới phía bắc cũng để tôi đủ hiểu đủ biết rằng đó là cuộc chiến xâm lược. Năm 1985 khi tôi nhập ngũ, sau khi đi Campuchia trở về, tôi học tại trường sĩ quan lục quân, và trước khi ra trường thì sự kiện Gạc Ma xảy ra. Với phát biểu của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì tôi có thể dùng từ ‘lôm côm’, phát biểu rất xấc xược và ngang ngược, coi thường luật phát quốc tế và người dân Việt Nam.”

Trung Quốc muốn thách thức?

Trở lại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, đây là lần đầu tiên sau 8 năm vắng bóng, Trung Quốc lần này đã gửi Bộ trưởng Quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La. Sự có mặt của tướng Ngụy Phượng Hòa, một thành viên Quốc Vụ viện Trung Quốc, được trông đợi là dịp để Trung Quốc gửi ra các thông điệp với các nước liên quan nhiều vấn đề.

Nhưng vì sao tại một hội nghị tầm cỡ quốc tế như Đối thoại Shangri-La, mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại có thể đưa ra tuyên bố trái ngược lịch sử như vậy? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

“Mục đích họ nói dối như vậy là họ muốn bảo là tôi nói dối đấy, các bạn biết tôi nói dối đấy nhưng các bạn chẳng làm gì được tôi. Đấy là một thách thức đối với tất cả các nước khác, đối với cộng đồng quốc tế, đấy là mục đích của họ.”

Ngoài ra theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La lần này còn có một chút khác biệt so với những lần trước:

“Năm nay cũng giống những năm trước, cũng có những người khi tham gia hội này chỉ để quấy phá, luôn hỏi những câu rất là bậy, nhận định những câu rất bậy, luôn luôn có những người đi để làm các việc đấy. Nhưng năm nay số người đi để nói bậy chỉ có hai người thôi, trong khi có năm lên đến 9 người.”

Ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, khi trả lời RFA cho rằng, khác với những năm gần đây, lần này Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hoà sang dự do đặc biệt liên quan đến bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao. Trung Quốc đang có cảm giác bị Mỹ tấn công về mặt thương mại và công nghệ. Các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Biển Đông, cũng gặp một số thách thức, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ. Vì vậy, ông Hiệp cho rằng Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải cử Bộ trưởng Quốc phòng tới Shangri-La để gửi đi các thông điệp để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc và muốn xây dựng một hình ảnh Trung Quốc yêu chuộng hòa bình.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment