30 bức ảnh về thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc muốn xóa khỏi lịch sử
Thứ Ba, 04 Tháng Sáu 2019
Sinh viên Nghệ thuật Bắc Kinh tạo tượng Nữ thần Tự do ngay giữa Thiên An Môn. Ảnh: Jeff Widener / Associated Press
Ngày 4/6 này đánh dấu tròn 30 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp dã man cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn đòi tự do hóa chính trị và kinh tế.
Vào những giờ phút đầu tiên của ngày 4/6/1989, các đoàn xe tăng và lực lượng vũ trang nhận lệnh tiến vào trung tâm Bắc Kinh. Đảng Cộng sản cho phép quân đội “sử dụng mọi biện pháp” để tiêu diệt hàng ngàn người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường trong vài tuần trước đó.
Cuộc thảm sát kết thúc sau một đêm đẫm máu, lấy đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hàng trăm người nữa bị thương (con số bán chính thức có thể tới hàng ngàn người). Kể từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn phớt lờ những bằng chứng do giới báo chí và những người trong cuộc đưa ra. Bắc Kinh muốn xóa sự kiện Thiên An Môn ra khỏi sử sách Trung Hoa bằng việc cấm hoàn toàn các bài đăng trên mạng trong nước và mọi từ khóa trên các trang tìm kiếm liên quan đến vụ việc.
Tờ Business Insider hôm 30/5 đã đăng tải 30 bức ảnh ghi nhận sự kiện Thiên An Môn mà chính quyền Trung Quốc chắc chắn không muốn bạn nhìn thấy.
Phóng viên Harrison Jacobs, Mark Abadi, Adam Taylor và Erin Fuchs là những người đóng góp để có series ảnh này.
***
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 4/1989, sau cái chết bí ẩn của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang – cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tư tưởng tự do hóa kinh tế và chính trị, bị lật đổ).
Hàng chục ngàn sinh viên và người dân Trung Quốc tề tựu tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ trên Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm thủ đô Bắc Kinh, ngày 21/4/1989. Ảnh: Sadayuki Mikami/AP.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Hồ Diệu Bang đã cố gắng thúc đẩy đất nước hướng tới một hệ thống kinh tế chính trị và thị trường cởi mở hơn. Quan điểm của ông được rất nhiều sinh viên ưu tú từ khắp các trường đại học danh tiếng Trung Quốc ủng hộ.
Một chiếc xe tải gần như bị chôn vùi trong đám đông giữa những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, ngày 17/5/1989. Ảnh: AP.
Kết quả là hàng chục ngàn sinh viên và người dân đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.
Sinh viên các trường đại học ở Bắc Kinh giơ nắm đấm và giương cờ thách thức khi máy bay trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua Quảng trường Thiên An Môn vào rạng sáng ngày 21/5/1989. Ảnh: AP.
Quảng trường Thiên An Môn là một địa điểm quan trọng bởi đây là nơi có lăng mộ của người sáng lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông, cũng như Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa – nơi diễn ra những hoạt động quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ quan lập pháp nước này.
Sau buổi sinh viên tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang vào ngày 22/4, những người biểu tình lập một danh sách dài các đề xuất đối với chính quyền Bắc Kinh. Trong đó, họ đòi nới lỏng tự do ngôn luận, điều chỉnh mức lương và kiểm soát lạm phát. Trung Nam Hải đã bác bỏ yêu cầu của các sinh viên.
Một lãnh đạo sinh viên Trung Quốc đại diện đọc yêu sách dành cho Trung Nam Hải trước Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, ngày 18/4/1989. Ảnh: Kathy Wilhelm/AP.
Vào ngày 26/4, tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản) đăng một bài xã luận gọi các cuộc biểu tình là “gây rối” và cáo buộc những người biểu tình là phần tử chống Đảng. Điều này khiến người biểu tình càng phẫn nộ hơn.
Người dân Bắc Kinh đọc một bản sao của bài báo “chụp mũ” người biểu tình trên Nhân dân Nhật báo, được những người biểu tình in và dán gần khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh vào ngày 24/4/1989. Ảnh: Mark Avery/AP.
Đến ngày 13/5, đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn đã tăng lên khoảng 300.000 người, nhiều người trụ ở đó cả đêm. Trong ảnh là hai sinh viên Đại học Bắc Kinh không rõ danh tính đang ngủ trưa giữa những thùng nước giải khát.
Bức ảnh này được chụp vào ngày 19/5/1989. Ảnh: AP.
Hơn 100 sinh viên cũng bắt đầu tuyệt thực từ thời điểm này.
Các sinh viên Đại học Bắc Kinh (chưa rõ danh tính) là những người đã tuyệt thực 5 ngày vì dân chủ. Trong ảnh là một số sinh viên đang nghỉ ngơi tại Quảng trường Thiên An Môn, buổi sáng sớm 18/5/1989. Ảnh: AP.
Nhiều người cũng đồn đoán về chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Trung Quốc. Các sinh viên tin rằng chuyến thăm của Gorbachev tới châu Á là nhằm thuyết phục các đồng minh thân tín lâu năm, trong đó có Bắc Kinh, rằng Moskva vẫn luôn sát cánh bên họ.
Học sinh – sinh viên Bắc Kinh bàn chuyện tiếp tục tuần hành trên đường phố để phản đối nguyên thủ Liên Xô. Các sinh viên bàn về những biểu ngữ sẽ giương lên để kêu gọi cải cách chính trị, nhằm đúng lúc Gorbachev gặp Đặng Tiểu Bình ở Đại lễ đường Nhân dân, nơi rất gần Quảng trường Thiên An Môn.
Sinh viên đại học ngồi tuyệt thực ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 13/5/1989.Ảnh: AP.
Vào ngày 19/5, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) – người chủ trương đàm phán với các sinh viên – xuất hiện tại cuộc biểu tình và kêu gọi thỏa hiệp. Nhưng hai bên đã không thể tìm được tiếng nói chung.
Các sinh viên Đại học Bắc Kinh di chuyển tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 20/5/1989 để hỗ trợ các đồng học. Ảnh: AP.
Theo BBC, ông Triệu Tử Dương nói với đám đông rằng: “Chúng tôi đã đến quá muộn”.
Đối thủ của Triệu Tử Dương – Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng (Li Peng) – đã tuyên bố thiết quân luật trên toàn bộ Bắc Kinh ngay sau đó.
Một đoàn xe của quân đội Trung Quốc đang trên đường đến Quảng trường Thiên An Môn, phải quay trở lại sau khi bị những người biểu tình chặn đường vào ngày 20/5/1989.
Ảnh: Mark Avery/AP.
Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu tiến vào Bắc Kinh ngày 20/5 và rút quân chỉ một vài ngày sau đó. Người biểu tình còn cố gắng giảng giải, thuyết phục những người lính tham gia vào cuộc đấu tranh đòi dân chủ.
Một sinh viên Đại học Bắc Kinh thông báo những địa điểm mà sinh viên biểu tình đang nắm giữ tại Quảng trường Thiên An Môn cho các quân nhân Trung Quốc, ngày 20/5. Ảnh: AP.
Một máy bay trực thăng của PLA bay qua Quảng trường Thiên An Môn ngay sau tuyên bố của Lý Bằng về thiết quân luật, thứ bảy, 20/5/1989, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.
Bất chấp việc máy bay quân đội quần thảo trên Thiên An Môn nhằm răn đe, đám đông khổng lồ tập hợp học sinh, sinh viên và người dân tiếp tục chiếm quảng trường trung tâm của Bắc Kinh. Trong khoảng một tuần, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn mà chưa thấy động tĩnh rõ ràng từ chính quyền Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực để đàn áp
Sinh viên Đại học Bắc Kinh lắng nghe một phát ngôn viên sinh viên đưa ra chi tiết kế hoạch cho cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, ngày 28/5/1989. Ảnh: AP.
Các sinh viên thậm chí đã dựng một bức tượng bằng xốp cao 30 feet (tức hơn 9m), mô phỏng tượng Nữ thần Tự do của Hoa Kỳ, ngay trên quảng trường.
Bức ảnh được chụp vào ngày 30 tháng 5 năm 1989. Ảnh: AP.
Nhiều thanh niên công khai tấn công chính quyền Bắc Kinh. Một sinh viên biểu tình giơ biểu ngữ: “Chúng tôi không còn tin tưởng đám công chức bẩn thỉu. Chúng tôi tin Nhà Dân chủ”.
Ảnh: Forrest Anderson/The LIFE Images Collection/Getty
Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó quyết định hành động thêm một lần nữa. Vào ngày 2/6, các quan chức cao cấp của Trung Nam Hải đã áp đặt thiết quân luật nhằm “khôi phục trật tự thủ đô Bắc Kinh”.
Một sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ giơ biểu tượng chiến thắng (chữ V – Victory) trước đám đông khi PLA rút khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/6/1989.Ảnh: AP.
Khoảng 250.000 binh sĩ đã được huy động cho ngày hôm sau, nhận lệnh tiến vào Thiên An Môn lúc 1 giờ sáng ngày 4/6 và “dọn dẹp” quảng trường trước 6 giờ sáng.
PLA phô trương lực lượng ở Bắc Kinh, ngày 3/6/1989. Ảnh: Liu Heung Shing/AP.
Mộtt phụ nữ trẻ bị bắt giữa những thường dân và binh lính Trung Quốc. Quân đội đang cố gắng đưa cô ra khỏi nhóm những người biểu tình gần Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 3/6/1989. AP Photo/Jeff Widener.
Một nhóm các tướng lĩnh và chỉ huy quân đội cấp cao phản đối thiết quân luật, và viết thư cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng họ không thể cho quân đội vào Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, tờ New York Times đưa tin, trích dẫn chia sẻ gần đây của cựu trung úy Giang Linh (Jiang Lin). Nhưng giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã bỏ qua những lời can ngăn đó.
Báo cáo đầu tiên về việc PLA bắn đạn thật vào dân thường được ghi nhận vào lúc 10 giờ tối 3/6, ở khu vực khoảng sáu dặm về phía tây của Quảng trường Thiên An Môn, ABC News đưa tin. Quân đội đã đến trung tâm quảng trường lúc 1:30 sáng Ngày 4 Tháng Sáu (Lục Tứ, theo tiếng Trung Quốc).
Những người biểu tình đứng trên một chiếc xe bọc thép của quân đội gần Đại lộ Trường An ở Bắc Kinh, đầu ngày 4/6/1989. Ảnh: AP Photo/Jeff Widener.
Người biểu tình đã phẫn nộ phản kháng khi quân đội có vũ khí tiến vào quảng trường. Hầu hết những người chiếm đóng Thiên An Môn đều không vũ trang, một số chỉ dùng đá và gậy gộc để chống trả.
Một người đàn ông cố gắng kéo một người lính Trung Quốc ra khỏi hàng ngũ khi hai bên ẩu đả, ngày 3/6/1989. Ảnh: Mark Avery/AP.
Bạo lực leo thang dữ dội khi những người biểu tình cố ngăn lực lượng quân đội tiến vào quảng trường, và PLA với dàn xe tăng bọc thép bắn xối xả vào sinh viên và những người biểu tình.
Một sinh viên đặt rào chắn và đốt lửa trên đường để ngăn xe tăng quân đội tiến vào quảng trường Thiên An Môn, rạng sáng ngày 4/6/1989. Ảnh: AP.
Sau một đêm đẫm máu, quảng trường đã được “dọn dẹp”. Đảng Cộng sản nói rằng vào thời điểm đó có 241 người, bao gồm cả binh sĩ, đã chết và 7.000 người bị thương. Nhưng nhiều nhân chứng và nhà báo khẳng định con số lớn hơn rất nhiều.
Quân đội Trung Quốc di chuyển trên Đại lộ Trường An ở Bắc Kinh, ngày 5/6/1989. Ảnh: AP.
Một chiếc xe tải chở lính Trung Quốc trên Đại lộ Trường An, ngày 5/6/1989.
Ảnh: Jeff Widener/AP.
Các bức điện ngoại giao bí mật của Anh được giải mã và công bố năm 2017 cho thấy số người chết lên đến hơn 10.000, BBC đưa tin.
Đây là đêm bạo lực nhất dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản mà đất nước lớn nhất châu Á chứng kiến.
Xe bọc thép PLA tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, ngày 4/6/1989. Ảnh: Asahi Shimbun qua Getty.
Sau khi dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 5/6, các binh sĩ tiếp tục di chuyển xuống các con đường chính của Bắc Kinh. Xảy ra nhiều vụ nổ súng lẻ tẻ của quân đội Trung Quốc nhằm vào những người biểu tình không vũ trang, những người nào vẫn còn đang cố gắng chặn đường PLA.
Xe tăng PLA chặn một cầu vượt trên Đại lộ Trường An của Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989. Đây là con đường chính dẫn đến Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket qua Getty.
Khi đoàn xe tăng băng qua đại lộ Trường An gần Quảng trường Thiên An Môn, một người đàn ông bước tới chặn đoàn xe này lại. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng cho sự kiện Thiên An Môn 1989.
Đây là những gì đã xảy ra, theo PBS Frontline:
“Khoảng giữa trưa, khi một đoàn xe tăng từ từ di chuyển dọc theo Đại lộ Trường An về phía Quảng trường Thiên An Môn, một thanh niên không vũ trang, cầm túi xách, đột nhiên bước ra trước mũi đoàn xe bọc thép.
“Thay vì chạy qua anh ta, chiếc xe tăng đầu tiên cố gắng đi vòng quanh, nhưng chàng trai trẻ bước tới trước nó một lần nữa. Quân đội lặp lại thao tác này nhiều lần trước khi đoàn xe tăng dừng lại và tắt động cơ.
“Chàng trai trèo lên xe tăng và nói chuyện với một binh sĩ cầm lái trước khi nhảy xuống. Rồi đột nhiên, anh bị một nhóm người không xác định đánh và bắt vào lề đường rồi cuối cùng biến mất trong đám đông”.
Danh tính và nơi ở của chàng trai trẻ biểu tình – được đặt tên là “Tank Man” – đến nay vẫn chưa được xác định. Jeff Widener, nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp bức ảnh này đã nhận được một đề cử chung kết giải Pulitzer vào năm 1990.
Đoạn phim của ABC News cho thấy một nhóm người kéo chàng trai biểu tình mặc áo sơ mi trắng vào lề đường sau khi anh đứng chặn trước đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, ngày 5/6/1989. Ảnh: ABC News/AP.
Ngày 9/6, Đặng Tiểu Bình xuất hiện lần đầu tiên kể từ đêm đàn áp đẫm máu, ca ngợi quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của họ trong vài ngày qua, và quy chụp những người biểu tình là phần tử phản cách mạng, muốn lật đổ cộng sản.
Người dân Bắc Kinh tụ tập xem đoàn xe quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn, ngày 7/6/1989. Ảnh: AP.
Hàng chục ngàn người đã bị bắt giữ sau cuộc biểu tình, và một số lượng lớn chưa xác định có khả năng đã bị xử tử, theo PBS.
Người dân đạp xe qua những tàn tích của cuộc đụng độ giữa PLA và những người biểu tình ủng hộ dân chủ, ngày 10/6/1989. Khu vực chụp bức ảnh nằm cách Quảng trường Thiên An Môn ba dặm. Ảnh: AP.
Người dân Bắc Kinh đi làm và quan sát một chiếc xe tăng quân đội, ngày 12/6/1989. Ảnh: AP.
Mức độ kiểm duyệt truyền thông và báo chí ngày càng gia tăng dưới thời Tập Cận Bình. Trong những tuần lễ kỷ niệm tròn 30 năm sự kiện Thiên An Môn, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường giám sát, đột kích và giam giữ các nhà hoạt động dân chủ.