Bán công khố phiếu để trả đũa?

RFA phỏng vấn KTG NGUYỄN XUÂN NGHĨA –

Bán công khố phiếu để trả đũa?

.

\"\"
Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các nước nắm giữ công khố phiếu của Mỹ

Trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, liệu Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách bán Công khố Phiếu của Mỹ hay không? Đâu là sự lợi hại của việc sử dụng võ khí tài chính ấy? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.

Các cách trả đòn của Bắc Kinh

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, phía Trung Quốc mua hàng Mỹ ít hơn là bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cho nên khi trận thương chiến leo thang, biện pháp trả đũa cúa Bắc Kinh là áp thuế trên hàng hóa của Hoa Kỳ bán vào Trung Quốc có những giới hạn nhất định nếu so với số thuế phía Hoa Kỳ đánh trên hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Vì hoàn cảnh đó nhiều người nói tới một ngón võ tài chính khác của Bắc Kinh là bán ra hoặc bớt mua vào Công khố phiếu của Mỹ, ông nghĩ sao về cách trả đòn này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi sẽ phân tích sự lợi hại của ngón võ này. Trung Quốc hiện đang làm chủ khoảng một ngàn tỷ 120 triệu Mỹ kim dưới dạng Công phố phiếu của Hoa Kỳ. Đấy là biện pháp cho Mỹ vay tiền để kiếm lời an toàn cho Bắc Kinh. Hoa Kỳ hiện mắc nợ công chúng ở trong và ngoài nước chừng 16 ngàn 200 tỷ đô la. So với khối nợ đó thì món nợ của Bắc Kinh thật ra không đáng kể, chỉ hơn món nợ do Nhật Bản đang nắm trong tay. Hai quốc gia này thay nhau làm chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ và nếu cho Mỹ vay tiền là để họ kiếm lời chứ cũng chẳng để viện trợ hay giúp ích gì nước Mỹ. Nếu Bắc Kinh có thể trả đũa trận thương chiến bằng cách bán ra Công khố phiếu Mỹ như một vài viên chức đã hăm dọa làm nhiều người e ngại thì ta nên tìm hiểu về các hậu quả của biện pháp đó….

Nguyên Lam: Ông nói về các hậu quả thì phải chăng người ta thấy ra nhiều hậu qủa khác nhau?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Người ta cứ e rằng nếu Bắc Kinh bán tháo Công khố phiếu Mỹ thì thị trường trái phiếu sẽ bị chấn động và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Sự thật lại không như vậy.

– Nhưng ta cần biết thêm vài chi tiết chuyên môn khác là trị giá của trái phiếu trên thị trường chuyển dịch ngược với phân lời, hay yields. Nếu phân lời Công khố phiếu loại dài hạn lại sụt vì hiện tượng trái phiếu bị bán ra, như người ta vừa thấy, và nếu sụt thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn thì đấy là một trong nhiều chỉ dấu tiên báo về nguy cơ suy trầm kinh tế trong khoảng một năm nữa. Chính là sự chuyển dịch ấy mới làm thị trường lo ngại và khiến nhiều viên chức Bắc Kinh hăm he sử dụng võ khí tài chính này. Nhưng, Bắc Kinh sẽ làm gì sau khi bán Công khố phiếu của Hoa Kỳ?

Nguyên Lam: Nhưng trước đó, thưa ông, vì sao Bắc Kinh lại cho Mỹ vay tiền bằng cách mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Câu hỏi rất hay! Mua Công khố phiếu Mỹ có lời và an toàn, lại làm hạ lãi suất trên thị trường Hoa Kỳ khiến dân Mỹ tiêu thụ nhiều hơn và nhập khẩu nhiều hơn. Do đó, Bắc Kinh mới cho Mỹ vay tiền vì có lợi cho họ. Bây giờ ta nhìn trên toàn cảnh của trận đánh xem Bắc Kinh có thể làm những gì?

– Thứ nhất, Bắc Kinh có thể bán ra hay ít mua vào loại sản phẩm đầu tư an toàn này, rồi mua nhiều tài sản khác của Mỹ vẫn trong mục tiêu kiếm lời thì luồng tư bản của Trung Quốc chảy vào thị trường Hoa Kỳ vẫn chẳng thay đổi về cơ bản vì Bắc Kinh chỉ thay việc đầu tư an toàn qua trái phiếu của nhà nước Mỹ bằng các khoản đầu tư bị rủi ro hơn. Trên thị trường Hoa Kỳ, tình hình chẳng thay đổi, cùng lắm thì phân lời trái phiếu loại an toàn có thể tăng chút đỉnh mà không nhiều.

\"Lãi
Lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ vào ngày 1 tháng 5, 2019. AFP

– Giải pháp thứ hai là Bắc Kinh có thể ít mua Công khố phiếu hay các loại tài sản đầu tư khác của Mỹ, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc, công và tư, vẫn bỏ tiền đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ để kiếm lời cho họ thì lượng tư bản của Trung Quốc chảy vào Mỹ vẫn không có thay đổi. Hai kịch bản này có chung một hậu quả là không làm thay đổi thị trường Trung Quốc, từ trương mục vãng lai tới số thặng dư về mậu dịch của Bắc Kinh.

Nguyên Lam: Thưa ông, Bắc Kinh còn có giải pháp nào khác nữa không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Kịch bản thứ ba, hơi rắc rối và khó hiểu hơn, là Bắc Kinh hay doanh nghiệp Trung Quốc ít mua tài sản của Hoa Kỳ mà dùng tiền đó đầu tư vào thị trường của các nước công nghiệp hóa, ví dụ như Liên hiệp Âu Châu, thì kết quả sẽ là gì? Là dòng tư bản của Trung Quốc bớt chảy vào Hoa Kỳ mà chảy qua các thị trường công nghiệp khác với cùng số lượng. Nhưng chưa chắc các thị trường đó, như của Âu Châu, Nhật hay Anh quốc, đã có thể hấp thụ được số đầu tư lớn lao mà không gặp bất lợi như tiết kiệm giảm, tỷ giá đồng bạc tăng và xuất khẩu sụt, thất nghiệp sẽ cao hơn.

Hậu quả cho Hoa Kỳ

Nguyên Lam: Thưa ông, còn hậu quả cho Hoa Kỳ sẽ là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nghịch lý ở đây là đầu tư tại Mỹ không thay đổi gì nhiều, nhưng tiết kiệm có thể tăng vì thất nghiệp giảm hay vì nợ tiêu thụ giảm và thiếu hụt về ngoại thương cũng giảm. Nói vắn tắt thì cái đòn tài chính này chẳng đem lợi lộc gì cho Bắc Kinh mà còn giúp ích cho kinh tế Hoa Kỳ. Vấn đề nó rắc rối khó hiểu vì liên hệ đến các trương mục hay tài khoản tư bản, vãng lai, đến đầu tư và tiết kiệm.

Nguyên Lam: Nếu Bắc Kinh muốn trả đũa mà lại giúp Hoa Kỳ cải thiện kinh tế thì rõ là lợi bất cập hại. Thế Trung Quốc còn giải pháp nào khác hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Bắc Kinh có thể rút tiền đầu tư vào Hoa Kỳ mà đưa vào các nền kinh tế đang phát triển, như Ấn Độ, Brazil, Nga, Nam Phi hay Pakistan, v.v…. Đối với Hoa Kỳ thì hậu quả vẫn tương tự như giải pháp thứ ba mình vừa thấy ở trên, chứ luồng đầu tư này có thể giúp cho kinh tế của các nước kia. Tuy nhiên, ta chẳng quên kinh nghiệm khá tiêu cực của Bắc Kinh khi đầu tư vào các nước chưa phát triển còn thiếu cơ chế tiếp nhận an toàn và lại gây tai tiếng về chính trị. Hãy nghĩ tới trường hợp rất nóng tại Việt Nam hay nhiều xứ khác trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì ta biết.

– Bắc Kinh và doanh nghiệp Trung Quốc còn một giải pháp thứ năm là rút tiền khỏi thị trường Hoa Kỳ nhưng chẳng đầu tư vào thị trường nào khác. Nghĩa là Trung Quốc giảm số xuất khẩu tư bản và Bắc Kinh phải hoặc giảm mức tiết kiệm nội địa hay tăng số đầu tư nội địa, và sẽ giảm trương mục vãng lai và thặng dư mậu dịch. Nếu tiết kiệm nội địa sụt nhanh và mạnh, số xuất khẩu giảm lại gây nguy cơ thất nghiệp, là một bài toán chính trị bất lợi cho lãnh đạo.

Nguyên Lâm: Ông kết luận thế nào về việc Bắc Kinh có thể dùng Công khố phiếu Mỹ như một võ khí trong trận thương chiến với Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã cân nhắc chuyện này và chỉ dám dọa chứ không dám làm. Bắc Kinh có thể ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước của mình bán ra 20 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ vào Tháng Ba vửa qua mà chẳng có tác dụng gì. Nay có ra lệnh không mua thêm Công khố phiếu Hoa Kỳ thì cũng vậy mà thôi. Hậu quả là chỉ làm mọi người cùng thấy rằng đấy không là biện pháp trả đũa hữu hiệu. Có đạn mà không bắn thì người ta còn ngại, chứ bắn rồi thì thiên hạ thấy rằng đấy chỉ là đạn giấy!

– Giải pháp sau cùng là dùng lời hăm dọa để lung lạc dư luận thiếu am hiểu của Hoa Kỳ hầu có thể đổ lỗi cho Chính quyền Donald Trump về trận thương chiến. Và rằng trận thương chiến có thể làm kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm vào một năm có bầu cử. Giải pháp đổ lỗi ấy có vẻ công hiệu hơn cả nếu ta theo dõi các bình luận khá nông nổi của truyền thông báo chí Hoa Kỳ. Nhưng chuyện ngược đời là nếu thị trường Hoa Kỳ e ngại rủi ro suy trầm thì Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ hạ lãi suất như nhiều người đang dự đoán, lúc đó, chẳng còn ai quan tâm đến động thái kinh tế của Bắc Kinh nữa!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment